Đền thờ vợ chùa Tam Chúc: Trụ trì Trường Sa lên tiếng

Nhiều ngồi chùa ở Trường Sa nhận được sự phát công tâm đức của cư sĩ Diệu Liên nhưng cũng không thờ nhân vật này như ở chùa Tam Chúc.

Ngày 18/2/2020, trao đổi với Đất Việt, trụ trì nhiều ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa khẳng định, tại khuôn viên của chùa không có khu vực thờ cư sĩ Diệu Liên - tức bà Phạm Thị Lan, vợ ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường như tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Theo tấm bảng quảng cáo đặt ngay lối ra vào tại đền Tứ Ân - chùa Tam Chúc, cư sĩ Diệu Liên là người có công lớn trong việc xây dựng chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính... đặc biệt là các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa như chùa Song Tử Tây, chùa Phan Vinh, chùa Trường Sa lớn, chùa Nam Yết, chùa Sinh Tồn, chùa Sơn Ca.

Khi được hỏi về công lao xây chùa của cư sĩ Diệu Liên, Thượng tọa Thích Tuệ Nhân - trụ trì chùa Trường Sa Lớn nói rằng "không biết".

Lý do được thầy Nhân đưa ra có thể là do việc mới ra quần đảo Trường Sa trụ trì chùa nên không nắm được trong quá trình xây dựng chùa có sự tham gia của cư sĩ Diệu Liên.

Bên ngoài khu vực đền Tứ Ân - chùa Tam Chúc (Ảnh Dân trí).

Bên ngoài khu vực đền Tứ Ân - chùa Tam Chúc (Ảnh Dân trí).

Hòa thượng Thích Đạo Niệm - trụ trì chùa Phan Vinh cũng khá bất ngờ khi biết được thông tin cư sĩ Diệu Liên là người có công xây dựng nhiều ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa. Bởi từ khi làm trụ trì chùa Phan Vinh đến nay, Hòa thượng Thích Đạo Niệm chưa nghe thấy ai kể về công lao dựng chùa của cư sĩ Diệu Liên.

Chính vì thế, tại khuôn viên chùa Phan Vinh càng không có khu vực riêng thờ nhân vật này như tại chùa Tam Chúc.

Trong khi đó, Hòa thượng Thích Nhuận Đạt - trụ trì chùa Song Tử Tây có "nghe nói" doanh nghiệp Xuân Trường của ông Nguyễn Văn Trường có góp tiền xây dựng chùa trên quần đảo Trường Sa, trong quá trình xây dựng có sự tham gia của cư sĩ Diệu Liên.

Tuy nhiên, tại các khu vực trong khuôn viên các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa, không có ngôi chùa nào có khu vực riêng thờ cư sĩ Diệu Liên.

"Việc thờ những người có công tại các ngồi chùa ở Trường Sa là do Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa quyết định. Hơn nữa, vợ chồng chủ doanh nghiệp Xuân Trường phát công tâm đức xây chùa thì cũng chưa đến mức phải xây ngôi đền thờ riêng trong chùa" - Hòa thượng Thích Nhuận Đạt cho biết.

Theo trụ trì chùa Song Tử Tây, công tâm đức của vợ chồng chủ doanh nghiệp Xuân Trường nếu có thì cũng chỉ nên tạc bia đá để trong chùa để ghi nhớ công lao của những người đã góp công, góp của tạo dựng nên những ngôi chùa ở ngoài này là hợp lý nhất.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Đất Việt, tại chùa Bái Đính - Ninh Bình, một trong những dự án tâm linh đầu tiên mà chủ doanh nghiệp Xuân Trường bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra xây dựng cũng không có khu vực riêng thờ cư sĩ Diệu Liên mà chỉ thờ những nhân vật nổi tiếng của Phật giáo, có công sáng lập và từng được thờ ở chùa Bái Đính cũ như Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không.

Bên trong khu vực đền Tứ Ân - thờ cư sĩ Diệu Liên.

Chính vì thế, việc chùa Tam Chúc dựng đền Tứ Ân thờ mỗi mình cư sĩ Diệu Liên đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều người cho rằng đây là việc làm phô trương của ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phât giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, chùa Tam Chúc có đền Tứ Ân một nơi thờ riêng không nằm trong nơi thờ Phật, theo quan niệm của Phật giáo Việt Nam trong khuôn viên đất chùa vẫn có thể xây đền hay điện để thờ, ngoài tam bảo là nơi thờ Phật.

Việc đến đền Tứ Ân người hiểu biết nhận ra ngay là nơi thờ người có công với chùa, chứ không thể nhầm lẫn như trong một số bài viết.

“Người có công đức xây dựng chùa, khi mất đưa vào chùa thờ đây là việc làm theo truyền thống từ xa xưa, đâu có trái. Nếu chưa ai bầu hậu thì công đức xây chùa không thể được ký hậu hay sao. Trong xã hội từ xưa tới nay có chùa nào cấm người ký hậu, có chăng là không đủ điều kiện để xây riêng.

Do không gian rộng, do có điều kiện xây dựng, đền Tứ Ân được xây to và đẹp. Nhưng so với “ Tam thế, điện Pháp chủ... đâu phải to hơn, việc thờ này không sai về hình thức, không trái với luật tục.

Có chăng với con mắt của người quen nhìn cái nhỏ thì có vẻ phô trương. Mặt khác đền Tứ Ân chưa bài trí đủ các đối tượng tôn thờ (theo tứ trọng ân) nên nhiều người chưa hiểu cho rằng, chỉ thờ mỗi người đã mất.

Vậy cũng xin xét kỹ nhiều chùa làng, do chật hẹp thờ vong ngay trong nhà chính điện, nhiều nơi còn khó khăn, con cháu muốn có gian thờ vong riêng mà đâu có điều kiện để xây”, ông Dược khẳng định.

Khánh Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/den-tho-vo-chua-tam-chuc-tru-tri-truong-sa-len-tieng-3397205/