Đền thờ Tướng công Nguyễn Vĩnh Lộc nét đẹp lâu đời

Chạy dọc theo quốc lộ 7, hướng Tây Bắc, cách thành phố Vinh gần 70 Km, chúng ta sẽ đến được đền thờ vị tướng tài, nhiều mưu lược Nguyễn Vĩnh Lộc, người có công phò tá Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Là một điểm dừng chân của nhiều du khách phương xa khi ghé thăm đất Yên Thành.

Đền thờ Tướng công Nguyễn Vĩnh Lộc tọa lạc trên một mô đất cao có diện tích gần 300m2, ngoảnh mặt về hướng Tây Nam, ba mặt đền có xóm làng bao bọc, phía trước là cánh đồng lúa thuộc làng Trang Niên, thôn Phong Niên nay là xóm 13, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đền thờ Tướng công Nguyễn Vĩnh Lộc gồm ba gian thờ nhà Bái đường, nhà Hạ điện, Thượng điện, các hoa văn chạm trổ trên mái đền hay hai con ngựa, một con ngựa hồng, một con ngựa tía đều giữ được nghệ thuật thời Nguyễn, chứng minh được sự tài giỏi, khéo léo của cha ông ta xa xưa thể hiện được sự cao sang, quyền uy của vị Tướng tài. Năm 1991đền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia.

Lễ rước kiệu quanh xã về Đền thờ

Theo sử xưa ghi lại, Tướng Nguyễn Vĩnh Lộc sinh năm 1386 mất năm 1431. Ông là người Cổ Sách tỉnh Thanh Hóa, thời trai trẻ ông là người khỏe mạnh, tài trí, thông minh và mưu lược hơn người nên làng trên xóm dưới ai ai cũng nể phục. Vào năm 1406, khi nhà Minh xâm lược nước ta và thiết lập nền cai trị của chúng trên toàn cõi Đại Việt, để củng cố ách thống trị, chúng đã thiết lập bộ máy đô hộ và đồng thời tiến hành những chính sách thống trị tàn ác đối với dân ta. Chúng chém giết những người có ý đồ chống lại chúng, bắt những người con gái có nhan sắc làm nô tì hầu hạ trong gia đình quan lại, quý tộc của chúng. Sự hung hăng của giặc đã làm khơi dậy lòng căm phẫn của Nguyễn Vĩnh Lộc, khiến ông không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh nhân dân khổ cực lầm than. Ông ra mặt chống lại bọn giặc ngông cuồng nên bị chúng dòm ngó, vậy nên ông dẫn một số người trong làng đến phủ Diễn Châu xưa khai phá đất đai, tạo nên làng Trang Niên, thôn Phong Niên nay là xóm 13, 16, 17, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành. Nhờ tính chịu khó, chăm chỉ nên đoàn người đi cùng ông đã dựng nhà dựng cửa, trồng rau trồng lúa, có thêm chút lương thảo dành dụm, những tưởng đã yên ổn, ai ngờ bọn giặc vẫn không chịu buông tha. Chúng tìm đến làng Trang Niên bắt dân phải đóng đủ thứ thuế trên trời dưới đất, tạo ra nhiều luật hà khắc và bắt nộp cho chúng nhiều thứ.

Đứng trước tình thế “không biết kêu ai” nên ông Nguyễn Vĩnh Lộc đã lãnh đạo nhân dân làng Trang Niên vùng dậy để chống lại giặc. Dân làng Trang Niên chủ động phòng vệ, tự vệ, mua các thứ vũ khí, đúc vũ khí rồi vào trại giặc cướp “lương thảo” về chia cho dân làng.

Ngoài ra ông Nguyễn Vĩnh Lộc còn lập đội “dân binh” gồm 10 thanh niên nam nữ, thực hiện chính sách vừa lao động sản xuất vừa đánh giặc, điều đó làm cho bọn giặc tức giận và nhiều lần lôi quân đến đánh nhưng không được nên làng Trang Niên trở thành một khu vực tự do và là pháo đài chống giặc kiên cường thời bấy giờ. Tại đây, Nguyễn Vĩnh Lộc đã thực hiện một loạt chính sách phòng thủ như: rào làng, lập ra các đội canh gác, tích lũy lương thực. Đặc biệt, ông đã thực hiện ở đây chính sách “công điền”, tức là ruộng chỉ cấp cho con trai, ai già cả chết thu lại chia cho người khác cày cấy. Đây là một chính sách tiến bộ của Nguyễn Vĩnh Lộc thời bấy giờ. Tiếng lành đồn xa, nên nhiều thôn trong huyện như Nôi Trung, Phú Yên thuộc tổng Vân Tụ, cũng nổi dậy chiến đấu chống giặc. Hoạt động của các làng xã ấy đã tạo nên những cụm làng chiến đấu nương tựa lẫn nhau làm cho kẻ thù không thể nào phá vỡ. Vì vậy, trước khi phủ Diễn Châu giải phóng thì cả một vùng quê rộng lớn ở Tây Nam phủ Diễn Châu đã thuộc quyền quản lý của nhân dân địa phương.

Lễ rước kiệu

Năm 1414, Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An, chiếm thành Trà Lân và ra lời kêu gọi những người tài giỏi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn để đánh giặc cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi, Nguyễn Vĩnh Lộc đưa 19 nghĩa binh từ Trang Niên tới Trà Lân gặp Lê Lợi xin theo nghĩa quân để giết giặc cứu nước. Lê Lợi cho nghĩa binh của ông gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và phong ông làm tướng chỉ huy một đội quân đánh giặc. “Nhiều anh hùng hào kiệt từ khắp nơi đã tìm đến tham gia cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Vĩnh Lộc người huyện Đông Thành tự chiêu tập nghĩa quân kéo đến Trà Lân xin theo Lê Lợi và sau trở thành một tướng dũng cảm, mưu lược của nghĩa quân” (Trích Đại Nam nhất thống chí).

Vào năm 1425, Tướng giặc Trần Trí huy động quân thủy bộ đóng ở Nghệ An dọc theo sông Lam tiến đánh nghĩa quân. Lúc này Lê Lợi chỉ huy đại quân đóng ở ải Khả Lưu thuộc xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn ngày nay. Trần Trí dựa vào thế núi dựng đồn đắp lũy để cố thủ, cậy quân đông, lương thực nhiều dựng kế cố thủ lâu dài để chống lại nghĩa quân. Lê Lợi nhận thấy quân giặc lương nhiều, đắp lũy vững bền để làm kế lâu dài, quân ta lương ít không thể cầm cự lâu dài liền triệu tập các tướng lĩnh để họp bàn cách đối phó với giặc. Với tình thế này Tướng Nguyễn Vĩnh Lộc đã hiến kế đốt đoạn trại, giả vờ rút lui rồi đặt mai phục chờ giặc đến sẽ đánh thì vừa phá được kế lâu dài của địch vừa tiêu diệt được sinh lực địch. Bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa đã nhất trí tán thành kế hoạch đầy mưu trí này của ông. Lê Lợi đã đốt đoạn doanh trại giả rút lui lên phía trên trốn rồi theo đường tắt quay lại mai phục chờ giặc đến sẽ đánh, đúng như dự kiến của Tướng Lộc, Trần Trí tưởng quân ta chạy trốn nên thừa thắng dốc toàn lực ra truy kích hòng tiêu diệt nghĩa quân. Đến Bồ Ải, Lê Lợi cùng các Tướng tung phục binh ra đánh địch, do bị đánh bất ngờ nên chúng không kịp trở tay và thất bại thảm hại. Quân ta bắt sống được Đồ ty Chu Kiệt và trên 1000 tự binh, giết chết tướng tiên phong Hoàng Thành cùng vô số quân địch. Sau trận này, quân địch ở vùng Nghệ An sợ hãi chuyển sang thế phòng ngự, nghĩa quân phát huy những thắng lợi giành được tiến lên giải phóng toàn Nghệ An mở rộng căn cứ địa.

Tháng 2 năm 1425, nghĩa quân vây thành Nghệ An, quân Minh dựa vào hệ thống phòng thủ kiên cố để cố thủ với nghĩa quân. Mặc dù, Nguyễn Trãi viết thư khiêu chiến dụ chúng ra khỏi nơi ở để tiêu diệt nhưng quân địch vẫn nấp kín cố thủ không ra, hòng làm cho nghĩa quân kiệt sức để chúng phản công. Trước tình hình đó, Tướng Lộc lại đề xuất với Bộ chỉ huy một kế mới là tối đến quân ta cứ một người gánh hai hình nộm bằng rơm, thay phiên nhau đốt đuốc đi lại ngoài thành, làm cho quân giặc nhìn ra thấy quân ta đông đúc mà hoảng sợ. Với kế này, nghĩa quân đã làm cho lực lượng địch bị bao vây ở thành Nghệ An nao núng mất tinh thần phải đầu hàng nghĩa quân. Như vậy, Nguyễn Vĩnh Lộc là người có chiến công đầu trong trận chiến giải phóng đất Hoan Diễn.

Sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, tức là Lê Thái Tổ, hiệu là Thuận Thiên. Đến ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thìn, Nguyễn Vĩnh Lộc được xếp vào hạng công thần, được đổi thành họ Lê, cùng họ với vua và ban sắc cho ông làm “Khâm Thụ nhập nội hành khiển, tri hoa chu đạo, cai quản các xứ, chưởng binh dân bộ tập sự, khai quốc công thần hoàng tín hậu, phụng tứ quốc tính Lê Nguyễn Lộc dực bảo Trung hưng Linh phù gia tặng đôn ngưng trung đẳng đại vương tôn thần”. Sau này Tướng Nguyễn Vĩnh Lộc có lấy vợ sinh con, con của ông mang họ Nguyễn Vĩnh và nhiều đời làm quan trong các triều. “Bốn đời họ Nguyễn Vĩnh ở Trang Niên đều có công với triều đình nhà Lê và được ghi lại bằng các sắc phong còn lưu lại ngày nay”. Nguyễn Vĩnh Lộc mất năm 1431, để tưởng nhớ công ơn của ngài, nhân dân làng Trang Niên đã phong ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ ông và gọi là đền thờ tướng công Nguyễn Vĩnh Lộc. Còn vua Lê phong cho ông “Trung đẳng thần”. Tại ngôi đền thờ ông ở Trang Niên xã Mỹ Thành còn lưu lại nhiều sắc phong của vua Lê và đôi câu đối:

“Lê triều sắc mệnh nguyên huân tướng
Thánh đại gia phong trung đẳng thần
Nghĩa là: Thời Lê phong tướng nguyên huân
Đời đời phong tiếp trung thần ghi công”.

Đền thờ vị Tướng tài thời nhà Lê không những có nét đẹp về văn hóa, có giá trị về lịch sử mà còn mang tính giáo dục cho thế hệ con cháu đời sau. Một tấm gương sáng cho sự tài trí, thông minh, một nét đẹp đáng lưu truyền mãi mãi. Nhờ đó mà nhiều con cháu của Tướng Lộc đã đang và mãi mãi cống hiến sức mình cho dân tộc Việt Nam. Đây là một nét đẹp cần được lưu giữ bảo tồn để mãi mãi về sau di tích không bị phai mờ theo thời gian.

Nguyễn Nhâm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/den-tho-tuong-cong-nguyen-vinh-loc-net-dep-lau-doi-38270