Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh 300 năm tuổi sẽ được trùng tu ra sao?

Dự án mở rộng, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Ông Nguyễn Trung Cang, thành viên Ban Quý tế, người trông coi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, đền thờ có lịch sử hơn 300 năm, do nhân dân dựng lên.

Ông Nguyễn Trung Cang - thành viên Ban Quý tế, người trông coi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - cho biết, đền thờ có lịch sử hơn 300 năm, do nhân dân dựng lên.

Ban đầu, dự án đưa ra gồm 2 phương án, trong đó có phương án di dời đền vào vị trí chính giữa khu di tích, đồng thời nâng cốt nền lên. “Về mặt thẩm mỹ, kiến trúc, tôi cho rằng phương án này rất tổng thể, hài hòa, cân đối, đẹp mắt nhưng về mặt di tích thì đánh mất tính lịch sử, vi phạm luật Di sản, phá vỡ yếu tố nguyên gốc của di tích” – ông Cang cho biết.

Sau đó, tại cuộc họp mới nhất với ban quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, ông Lê Trí Dũng – Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Đồng Nai - cho biết: Dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, kể cả 2 lần trình ra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) cũng là xin ý kiến góp ý về phương án chứ chưa xin thỏa thuận dự án thiết kế thi công. Sau khi xin ý kiến địa phương, người dân, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án là không di dời, giữ nguyên.

Theo ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, trước đây khi xong giai đoạn 1 - hoàn thành giải phóng mặt bằng khu đất bên phải để mở rộng đền, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai nhận thấy toàn bộ khuôn viên chưa được tốt lắm do miếng đất bị xéo nên đã yêu cầu nghiên cứu giải tỏa thêm một phần ở bên trái đền để cho cân đối…

… Đồng thời yêu cầu nghiên cứu phương án làm sao di dời đền thờ chính vào trung tâm khu đất, xây dựng tượng đài, nhà bia, bức bình phong cho thẳng trục dọc “thần đạo” theo cơ cấu đền thờ ở Nam Bộ và miền Nam, nhưng Tỉnh ủy chưa kết luận, giao cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu.

Bộ VH-TT-DL cũng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng Đồng Nai lập hồ sơ dự án điều chỉnh với nội dung giữ nguyên vị trí tu bổ đền thờ và bình phong hiện có. Điều chỉnh vị trí xây dựng tượng đài nhà bia xây dựng mới nghi môn, nhà trưng bày, nhà bếp…

Ông Lê Trí Dũng – Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Đồng Nai - còn đề nghị: Kiến trúc nào hư thì sửa và thay thế theo đúng quy định bảo quản phục hồi di tích. Một viên ngói hư sẽ ảnh hưởng tới các công trình kiến trúc gỗ rất quý giá như hệ thống cột kèo, hoành phi liễn đối gỗ sơn son thếp vàng, thếp bạc…

Ban thờ bệ thờ nếu nguyên gốc bằng gỗ cũng trả lại nguyên gốc mang tính thẩm mỹ. Gỗ bằng gõ mật, căm xe cũng phải thay thế đúng, nền nhà bằng gạch Tàu cũng phải đưa cho đúng.

Hệ thống PCCC hiện đại phải được trang bị, hệ thống chống sét, hệ thống phòng chống trộm cắp.

Công trình được chờ đợi sẽ khởi công trong cuối năm 2018 để chào mừng sự kiện kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển Biên Hòa – Đồng Nai.

HÀ ANH CHIẾN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/den-tho-nguyen-huu-canh-300-nam-tuoi-se-duoc-trung-tu-ra-sao-630870.ldo