Đền Taj Mahal và nỗi lo sợ 'bị lãng quên'

Mặc dù được xếp vào một trong 7 kỳ quan thế giới đương đại và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, nhưng ngôi đền Taj Mahal ở Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì ô nhiễm và 'bị lãng quên'.

Mặc dù được xếp vào một trong 7 kỳ quan thế giới đương đại và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, nhưng ngôi đền Taj Mahal ở Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì ô nhiễm và “bị lãng quên”.

“Núi rác” xung quanh đền Taj Mahal. Ảnh: The Diplomat

“Núi rác” xung quanh đền Taj Mahal. Ảnh: The Diplomat

Đền Taj Mahal lộng lẫy đến khó tin với những không gian đẹp mê hoặc lòng người. Phải mất gần 20 năm với 20.000 nhân công và 1.000 con voi để xây dựng Taj Mahal - ngôi mộ lãng mạn và đẹp nhất hành tinh này.

Taj Mahal (còn được gọi là “Tượng đài tình yêu”) được Vua Mughal Shah Jahan xây dựng từ năm 1631 đến 1648 để tưởng nhớ người vợ yêu quý của ông, Hoàng hậu Mumtaz Mahal sau khi bà qua đời. Taj Mahal là viết tắt của tước hiệu hoàng hậu, ý nghĩa là “niềm kiêu hãnh của cung điện”. Toàn bộ lăng mộ vĩ đại được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, biểu tượng cho sự thanh khiết của hoàng hậu. Đó là 35 loại đá quý nhất cùng các vật liệu đặc biệt ở những địa danh nổi tiếng như đá cẩm thạch ở Rajasthan, ngọc thạch anh ở Punjab, ngọc bích và pha lê ở Trung Quốc, và nhiều loại đá quý khác từ Tây Tạng, Sri Lanka, Afganistan và Arab.

“Tượng đài tình yêu” trước nguy cơ đóng cửa vì ô nhiễm

Ngày nay, Taj Mahal thu hút 8 triệu du khách mỗi năm, kiếm được hàng triệu USD doanh thu.

Tuy nhiên, khi gần 400 tuổi, công trình kiến trúc vĩ đại của Vua Mumtaz Mahal có nguy cơ bị lãng quên mãi mãi. Nó bị nhấn chìm bởi mùi khói ô nhiễm dày đặc do hoạt động bào mòn mặt đá cẩm thạch để ngăn nó chuyển từ màu trắng sang màu vàng. Một báo cáo của ủy ban thường trực nghị viện năm 2015 nhấn mạnh, mối đe dọa ô nhiễm không khí gia tăng và dân số tăng trưởng theo cấp số nhân ở Agra cũng là mối đe dọa đối với Taj Mahal. Agra hiện là thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Môi trường Quốc gia (NEERI), cơ quan nghiên cứu kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ, tình trạng quản lý chất thải rắn xung quanh Taj Mahal cũng đang làm xói mòn giá trị di sản của nó. Báo cáo nói rằng, Tổng Cty Agra nên dừng ngay lập tức việc đốt chất thải vì đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho di tích này. Trong nghiên cứu này, nhóm NEERI phát hiện, chất thải sinh hoạt do các khách sạn và nhà hàng thải ra được xử lý “trong một bãi rác không kiểm soát được gây ô nhiễm nguồn nước và không khí”.

Sông Yamuna, chảy phía sau lăng mộ, là một trong những nơi bẩn thỉu nhất thế giới với thực tế là không có thủy sinh nào sống trong đó. Thảm họa sinh thái này đã kích hoạt sự sinh sản không được kiểm soát của côn trùng, tảo và cỏ dại, kết hợp với mức độ ô nhiễm không khí xoắn ốc trong thành phố - gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với “sức khỏe” của Taj Mahal.

Tòa án Tối cao ra tối hậu thư

Từ năm 1978, chính quyền trung ương công bố báo cáo đầu tiên về thiệt hại cho Taj Mahal do ô nhiễm môi trường. Một ủy ban đã công bố “báo cáo về tác động môi trường của Nhà máy lọc dầu Mathura”, cảnh báo ô nhiễm ở các khu vực xung quanh Taj Mahal. Năm 1984, nhà môi trường học MC Mehta - cũng là một luật sư của Tòa án Tối cao - đã chuyển bản kiến nghị yêu cầu tòa án tìm giải pháp bảo vệ Taj Mahal. 12 năm sau, năm 1996, Tòa án Tối cao yêu cầu chính phủ thực hiện một loạt các biện pháp để bảo vệ lăng mộ nổi tiếng này.

Tòa án cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng than trong các khu công nghiệp nằm trong Khu vực Taj Trapezium (TTZ) - khoảng 50 km xung quanh khu phức hợp Taj Mahal. TTZ có 40 di tích cần được bảo vệ, bao gồm 3 di sản thế giới - Taj Mahal, Pháo đài Agra và Fatehpur Sikri. Trớ trêu thay, TTZ ngày nay là một trong những vành đai ô nhiễm nhất trên thế giới. Và tình hình cho đến nay vẫn ngày càng tồi tệ hơn.

Theo báo The Diplomat hôm 19-7, Tòa án Tối cao Ấn Độ mới đây đe dọa “đóng cửa” tượng đài mang tính biểu tượng nhất của Ấn Độ trừ khi các giới chức liên quan có hành động cụ thể để khôi phục lại nó. “Bị tàn phá bởi các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bị chính phủ bỏ bê, thờ ơ và quan liêu, tượng đài mang tính biểu tượng nhất của Ấn Độ - Taj Mahal - nên “bị phá hủy”, Diplomat dẫn tuyên bố của Tòa án Tối cao nhấn mạnh, một tuyên bố gây sốc cho toàn bộ đất nước với 1,3 tỷ dân này.

Điều gì đã dẫn đến tuyên bố “quá thô bạo” như vậy của Tòa án Tối cao? Rõ ràng, tuyên bố cho thấy sự thất vọng với chính quyền trung ương. Thực tế, hiện nay, ngôi đền này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng bởi những hoạt động gây ô nhiễm của con người. Chính quyền Ấn Độ phải thiết lập một khu vực bảo vệ có diện tích 10.000km2 xung quanh để bảo vệ Taj Mahal trước những cơn mưa acid.

Nhưng tình hình vẫn tồi tệ. Đưa ra những con số so sánh Taj Mahal với Tháp Eiffel ở Paris của Pháp, các thẩm phán tòa án nói rằng: “80 triệu người đến thăm Tháp Eiffel, vốn chỉ trông giống như một tháp truyền hình. Taj Mahal của chúng ta đẹp hơn rất nhiều. Nếu chăm sóc kỹ lưỡng, Taj Mahal sẽ mang lại lượng ngoại hối lớn cho đất nước. Các bạn có nhận ra sự mất mát gây ra cho đất nước do sự thờ ơ hay không?”.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Một câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm cho những hệ quả này? Đó là một câu hỏi khó trả lời. Trong khi việc quản lý khu phức hợp Taj Mahal là trách nhiệm của Cơ quan Khảo sát khảo cổ học Ấn Độ (ASI), cơ chế bảo vệ pháp lý của di tích và sự kiểm soát khu vực quy định xung quanh lại phải thông qua một mạng lưới các khung pháp lý và các quy định, bao gồm cả Đạo luật AMASR năm 1958 và Đạo luật AMASR sửa đổi năm 2010 về khảo cổ học. Và hoạt động của ASI cũng thường bị tắc nghẽn bởi thiếu tiền và nhân lực.

Nhưng việc đóng cửa Taj Mahal - mà các thẩm phán Tòa án Tối cao đe dọa sẽ thực hiện - hầu như không phải là cách để giải quyết vấn đề. Những gì cần phải làm là kết hợp ý chí chính trị với sự chung tay của người dân và điều chỉnh các hoạt động ở quanh Taj Mahal. Hướng tới mục tiêu đó, ASI đang cân nhắc áp đặt giới hạn 40.000 lượng khách trong nước được phép đến thăm Taj Mahal mỗi ngày (lượng khách đến Taj Mahal hàng ngày trung bình là 10.000 - 15.000 người nhưng con số này có thể cao hơn vào cuối tuần, có khi lên đến khoảng 70.000 người). Du khách cũng có thể bị giới hạn ở đó trong 3 giờ đồng hồ.

Các giải pháp khác bao gồm bàn giao Taj Mahal theo cơ chế “nhận con nuôi” mới được chính phủ đưa ra. Được khởi động vào tháng 9-2017, sáng kiến này sẽ cho phép các tập đoàn tư nhân vào cuộc, chịu trách nhiệm bảo trì, vận hành cũng như duy trì cơ sở hạ tầng du lịch tại bất kỳ các khu di tích và di sản thiên nhiên ở Ấn Độ.

Cơ sở hạ tầng sẽ bao gồm cung cấp các tiện nghi như nhà vệ sinh, nước uống, khả năng tiếp cận cho người tàn tật, biển báo, hướng dẫn âm thanh, chiếu sáng, căng-tin, vé bán và đảm bảo an ninh, môi trường. Đổi lại, các Cty sẽ có được khả năng quảng bá thương hiệu và cơ hội “chia sẻ trách nhiệm” trong việc cải thiện du lịch di sản của Ấn Độ như là một phần trong nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm xã hội trong khi thúc đẩy du lịch trong nước và quốc tế. Tập đoàn GMR và Cty thuốc lá ITC Ltd đã sẵn sàng đón nhận Taj Mahal.

Việc khoán bảo tồn di sản vô giá như thế này cho các Cty tư nhân đã thu hút cả sự chỉ trích và ủng hộ ở Ấn Độ. Trong khi một số người cảm thấy tư nhân hóa như vậy là một ý tưởng tốt trong bối cảnh ASI bị ràng buộc bởi nhiều vấn đề, nhiều người khác cảm thấy đó là một đề xuất nguy hiểm vì các Cty có thể bị lợi nhuận làm mờ mắt mà quên đi lòng yêu nước.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_192630_den-taj-mahal-va-noi-lo-so-bi-lang-quen-.aspx