Đến năm 2050 rác thải nhựa ở biển sẽ nhiều hơn cá

Theo tính toán, nếu không giảm thiểu tình trạng xả thải chất thải nhựa ra môi trường thì đến năm 2050 số lượng rác thải này ở các đại dương sẽ nhiều hơn cả số lượng cá.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về chất thải nhựa, hầu hết trong đó không được tái chế hoặc chưa xử lý triệt để. Chiếm tới 7% tổng lượng chất thải rắn (tương đương 2.500 tấn/ngày), chất thải nhựa đang gây ra mối nguy hại lớn cho môi trường sống của chúng ta và thế hệ con cháu ngày nay.

Rác thải nhựa hàng năm đủ để phủ kín 4 lần bề mặt Trái đất. Ảnh: Duy Quan.

Rác thải nhựa hàng năm đủ để phủ kín 4 lần bề mặt Trái đất. Ảnh: Duy Quan.

Theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác thải nhựa, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Dù rất tiện dụng đối với mọi người dân, nhưng điều nguy hại là đa số rác thải nhựa này đều rất khó phân hủy, ví như với túi nilon là 15-20 năm, cốc nhựa khoảng nửa thế kỷ, trong khi chai nhựa đựng hóa chất phải tới hàng trăm năm mới có thể bị phân hủy… Không chỉ khó phân hủy trên mặt đất, theo UNEP, mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Nếu tình trạng này kéo dài, đến năm 2050 các đại dương sẽ nhiều hơn hơn cá. Thậm chí, nhiều loại cá sẽ bị chết do nuốt phải các loại rác thải nhựa và không thể tiêu hóa.

Vấn đề ô nhiễm môi trường vốn không phải một vấn đề mới mẻ trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển cũng như rác thải nhựa tràn lan. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là rác thải nhựa.

Chính vì thế, sáng ngày 22/6, tại diễn đàn “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý – truyền thông – doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hải Bằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ chia sẻ: "Trước hết giảm thiểu rác thải nhựa cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan truyền thông cũng như ý thức của tổ chức, cá nhân, chúng ta sẽ từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người,góp phần từng bước giảm thiểu rác thải nhựa và các loại rác thải khác trong đời sống thường ngày, xây dựng một môi trường xanh-sạch-đẹp.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Tri Thức, Vụ trường, Trưởng ban Hồ sơ- Sự kiện (Tạp chí Cộng sản) thì cho biết: "Muốn giảm thiểu rác thải nhựa thì nhà nhà cần hạn chế, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, tiến đến xã hội nói không với rác thải nhựa".

Đặc biệt trong chương trình, một số đại biểu đã đưa ra những giải pháp căn bản nhằm giảm thiếu rác thải nhựa, cũng như ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: "Thực trạng rác thải nhựa trên đất liền và đại dương đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Chính vì thế, bộ TN&MT đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng tới một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững".

Bà Vũ Thu Hoài, Phó Vụ trưởng vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo TW nêu quan điểm: " Trước hết muốn giải quyết được vấn đề này chúng ta phải tuyên truyền các hộ gia đình đầu tiên, hoạt động này cần được cổ vũ tới con em học sinh như vậy mới lan tỏa đến tất cả các đoàn thể cùng tham gia. Hơn nữa cần tích cực đưa gương người tốt việc tốt để mọi người cùng noi theo".

Thứ trưởng Hoàng Văn Thức, bộ TN&MT cho biết: "Gần đây rất nhiều doanh nghiệp đang hưởng ứng chương trình hạn chế tối đa sử dụng rác thải nhựa. Đến năm 2021, trong các siêu thị sẽ không sử dụng chất thải nhựa dùng một lần, từng doanh nghiệp sẽ phải tự thu hồi những sản phẩm rác thải nhựa. Hiện nay, ở Cần Thơ đang thành công trong việc xử lý rác thải tại nguồn bằng công nghệ đốt rác phát hiện. Tuy nhiên, với công nghệ này còn tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương cũng như là cần có kinh phí, nhưng nếu được sẽ nhân rộng. Đối với chất thải rắn, Thủ tướng cũng đã định hướng, đến năm 2025 tỉ lệ chôn lấp sẽ giảm xuống còn 30%, so với hiện tại là 70%".

Là Đại sứ Đại dương xanh 2019 cũng là sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, em Lương Kỳ Duyên cho rằng: "Công cuộc Chống rác thải nhựa- Cứu Trái đất, giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chiếm 2/3 dân số cả nước, giới trẻ là hy vọng cho hiện tại và tương lai trong việc bảo vệ môi trường".

Nhà báo Hồng Hà, Trưởng ban Bạn đọc, báo Nhân dân thì có ý kiến: "Trước hết muốn nhân rộng dự án này, thì bộ TN&MT cần phát động các cuộc thi hưởng ứng nhằm kích lệ, kêu gọi cũng như là việc thiết thực cần làm để mọi người có thể biết và cần chung tay xây dựng dự án này".

Lê Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/den-nam-2050-rac-thai-nhua-o-bien-se-nhieu-hon-ca-a438749.html