Đến năm 2030: Kho bạc Nhà nước phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số

Trong xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang nỗ lực từng ngày để hiện đại hóa công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước, hướng tới mô hình 'kho bạc số' theo định hướng chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030.

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Phú Thọ. Ảnh: Thùy Linh.

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Phú Thọ. Ảnh: Thùy Linh.

Tinh gọn – Hiệu lực – Hiệu quả

Thời gian qua, nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình, KBNN đã tích cực, chủ động cải cách, hiện đại hóa một cách đồng bộ cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo số liệu thống kê của KBNN, nếu như năm 2007, số lượng khách hàng của KBNN chỉ dưới 95 nghìn người thì đến năm 2018, KBNN đã phục vụ tới gần 120 nghìn khách hàng. Công tác thu ngân sách ngày càng hoàn thiện nhờ việc kết nối, trao đổi dữ liệu thu ngân sách nhà nước điện tử giữa cơ quan Thuế/Hải quan – KBNN- Ngân hàng thương mại. KBNN cũng mở rộng tài khoản chuyên thu, triển khai các hình thức thanh toán điện tử trong thu ngân sách nhà nước (Internet Banking, ATM, POS…). Đáng chú ý, KBNN cũng hướng tới tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế với việc cho phép giao dịch 24/5, giảm thời gian giao dịch xuống chỉ còn 5 phút/giao dịch. Đến nay, 98% thu ngân sách nhà nước đã được thanh toán qua ngân hàng, từ đó tập trung nhanh nguồn thu, tiết kiệm chi phí tổ chức thu.

Riêng về công tác chi, theo thống kê, số tiền chi thường xuyên kiểm soát qua KBNN ngày một tăng. Nếu như năm 2007, KBNN chỉ thực hiện chi thường xuyên khoảng 150 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2018 đã thực hiện chi thường xuyên hơn 850 nghìn tỷ đồng. Công tác chi ngân sách nhà nước tại KBNN luôn được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định. Bình quân số từ chối thanh toán trong giai đoạn 2007-2018 là 149 tỷ đồng/năm. KBNN cũng đã từng bước đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi, rút ngắn thời gian kiểm soát (chi đầu tư giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày; chi thường xuyên chỉ còn 1 ngày). Đến nay, KBNN đang từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước kiểm soát sau.

“Đến nay, KBNN đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách quản lý tài chính công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, khả năng kiểm tra, giám sát ngân sách và các hoạt động tài chính Nhà nước, trách nhiệm giải trình và chất lượng hoạt động quản lý tài chính vĩ mô của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính”, ông Tạ Anh Tuấn, Tổng giám đốc KBNN khẳng định.

Hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối

Năm 2019 – 2020 có ý nghĩa trong việc nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 cũng như xác định tầm nhìn, phương hướng cho chặng đường 10 năm tiếp theo. Những kết quả mà toàn hệ thống KBNN đã đạt được đến nay là tiền đề quan trọng để KBNN tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030.

Tổng giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn cho biết, tầm nhìn của KBNN đến năm 2030 là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất với 3 trụ cột chính: Mô hình tinh gọn theo hướng mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp; nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ và hướng tới hình thành kho bạc số.

Để làm được điều này, KBNN định hướng tiếp tục gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán ngân sách nhà nước trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử; hoàn thiện cơ chế kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi nhằm củng cố quy trình chi tiêu ngân sách qua các khâu, vừa nâng cao hiệu quả quản lý tài chính – ngân sách, vừa góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia.

KBNN cũng đặt mục tiêu nâng cao tính hiệu quả, chủ động của công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn; qua đó, tối ưu chi phí liên quan đến phát hành và vay nợ của Chính phủ. Đồng thời, xây dựng một bộ “sổ cái” chung cho Chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch của thông tin, dữ liệu và rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước.

Đáng chú ý, KBNN sẽ hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đơn vị liên quan; xây dựng và hoàn thiện nền tảng kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của KBNN; phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. KBNN cũng sẽ hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và hiện đại hóa tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách.

Góp ý cho Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, ông Mike Williams, Chuyên gia cố vấn ngân quỹ, IMF cho rằng, KBNN năm 2030 phải trở thành một kho bạc điện tử hoàn thiện trên mọi phương diện. Cụ thể, TABMIS được phát triển thành kho dữ liệu duy nhất tập trung toàn bộ thông tin tài chính của khu vực Chính phủ chung, được tích hợp với các phân hệ khác. Mọi đơn vị sử dụng ngân sách đều được tiếp cận hệ thống này. Bên cạnh đó, việc xử lý, giao dịch được số hóa, ghi nhận mọi bước của một giao dịch với các cơ chế kiểm soát điện tử đã thiết lập sẵn trong hệ thống. KBNN cũng cần xây dựng một TSA (Tài khoản Kho bạc tập trung) toàn diện tại Ngân hàng Nhà nước hợp nhất, tập trung toàn bộ nguồn lực quản lý ngân quỹ nhà nước, nhất là xây dựng quy trình thu ngân sách hiệu quả, dễ dàng, thuận lợi cho người nộp ngân sách nhà nước (lý tưởng nhất là qua một cổng điện tử duy nhất) và thu ngân sách được tập trung vào TSA ngay trong ngày.

Ông Tạ Anh Tuấn khẳng định, KBNN Việt Nam sẽ hoàn thiện mục tiêu, định hướng phát triển tài chính công nói chung và KBNN nói riêng cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới, tình hình thực tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Ông Vũ Đức Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

“Trong những năm qua, hệ thống KBNN đã không ngừng hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ. Trong đó trọng tâm là cải cách quy trình thủ tục hành chính về chi ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị sử dụng ngân sách, người dân và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với KBNN.

Là đơn vị chi tiêu kinh phí ngân sách nhà nước cấp cũng như vai trò là cơ quan chủ quản các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với KBNN các cấp trong khâu phân bổ, giao và phê duyệt dự toán trên hệ thống TABMIS, từ đó ngăn chặn tình trạng chi vượt dự toán, chi sai dự toán, chi không đúng mục lục ngân sách. Đồng thời đảm bảo việc kiểm soát chi ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật hiện hành, đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng ngân sách để đưa ra các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ đời sống của người dân, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp”.

Ông Sandeep Saxena, Chuyên gia cao cấp Vụ các vấn đề tài khóa, IMF:

“Tôi rất ấn tượng với những thành tựu KBNN đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Đến thời điểm năm 2019, KBNN đã hoàn thiện được việc thu ngân sách hiệu quả và chi ngân sách kịp thời; hợp nhất số dư ngân quỹ; cung cấp thông tin quản lý quỹ ngân sách nhà nước theo thời gian thực; sử dụng hiệu quả công nghệ ngân hàng; hệ thống xử lý giao dịch được thiết kế vững mạnh.

Trên nền tảng của những thành quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược KBNN đến năm 2020, KBNN đã xây dựng được một dự thảo Chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021- 2030 hoàn chỉnh. Đặc biệt, với những khuyến nghị tại cuộc khảo sát và làm việc với một số đơn vị thuộc KBNN vào trung tuần tháng 3 vừa qua của IMF về các lĩnh vực của Kho bạc như: Quản lý ngân quỹ; huy động vốn; kế toán nhà nước, thanh tra kiểm tra nội bộ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; công nghệ thông tin đều được KBNN đưa vào dự thảo để hoàn thiện mục tiêu, định hướng phát triển tài chính công nói chung và KBNN nói riêng cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới, tình hình thực tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay".

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/den-nam-2030-kho-bac-nha-nuoc-phat-trien-kho-bac-so-dua-tren-cong-nghe-ky-thuat-so-109329.html