Đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước

Chiều 15-11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, với 97,79% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021', gồm 6 điều.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Điều 1), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá một số nội dung liên quan việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết chỉ nêu tổng thể kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế chủ yếu của 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát. Nội dung từng ngành, lĩnh vực cụ thể khác đã được thể hiện trong các báo cáo của Đoàn giám sát. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc nhận định đánh giá giữa phần kết quả và tồn tại, hạn chế đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đảm bảo tính phù hợp, thống nhất và bỏ nhận định: Cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn 2016-2021, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các chỉ tiêu tinh giản biên chế vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra. Công tác cải cách hành chính nhà nước bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. So với các lĩnh vực khác, có thể đánh giá đây là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong lĩnh vực trên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và được cập nhật bổ sung chi tiết hơn tại báo cáo của Bộ Nội vụ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhận định nêu tại dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân, đặc biệt của người đứng đầu để xảy ra các sai phạm, gây lãng phí, thất thoát; xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và kiến nghị Chính phủ giải quyết, xử lý dứt điểm ngay trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung nêu tại điểm a Khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết. Riêng về thời gian phải có giải pháp, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này ngay trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo là yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phân loại, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý, vì theo báo cáo của Chính phủ, nhiều tồn tại, hạn chế này kéo dài nhiều năm, rất phức tạp, không thể giải quyết, hoàn thành ngay trong năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung biểu quyết.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó Điều 3 nêu rõ: Giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn, vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng tại các phụ lục số 1, 2, 3 và 4 kèm theo Nghị quyết và các tồn tại, hạn chế nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11-10-2022 của Đoàn giám sát.

Trong năm 2023, tập trung rà soát để đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước; có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp phát sinh, sử dụng sai mục đích; thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc. Kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở đã được phê duyệt, nhất là các cơ sở nhà, đất phải thu hồi, đấu giá. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.

Trước năm 2025, hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1047540/den-nam-2025-hoan-thanh-sap-xep-lai-xu-ly-nha-dat-tren-pham-vi-ca-nuoc