Đến năm 2023, Hà Nội cần xóa sổ các trạm bơm dã chiến

Chiều 22/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra công tác cấp nước đổ ải đông xuân tại một số công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 3 từ trái sang) và ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (ngoài cùng bên phải) kiểm tra việc cấp nước tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vào chiều 22/2. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 3 từ trái sang) và ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (ngoài cùng bên phải) kiểm tra việc cấp nước tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vào chiều 22/2. Ảnh: Minh Phúc.

Đây là địa phương lấy nước muộn và chậm nhất trong số các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, nhằm phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, tính đến 7h ngày 22/2, tổng điện tích có nước đổ ải vụ xuân 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội là 78.588ha, đạt 92,6%. Trong đó, 9/23 địa phương đã cơ bản hoàn thành cấp đủ nước đổ ải.

Một số địa phương diện tích lấy nước còn thấp (dưới 80%) gồm Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai và một số quận. Trong số những địa phương có diện tích lấy nước còn thấp, diện tích khó khăn về nguồn nước là gần 1.200ha, chủ yếu thuộc lưu vực trạm bơm Phù Sa phụ trách, nằm trên các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây.

Còn lại 4.722ha chưa có nước là các diện tích gieo cấy muộn trong kế hoạch của các địa phương và các diện tích nhỏ lẻ thuộc các quận, huyện giáp ranh và vùng do các hồ phụ trách.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành bơm nước từ sông Hồng để cấp nguồn vào hệ thống thủy lợi Sông Tích, phục vụ đổ ải cho các huyện phía Tây thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Liên quan đến khó khăn trong công tác cấp nước tại trạm bơm dã chiến Liên Mạc, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết: Thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư. Nếu đây là công trình thông thường, Thành phố sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp Hội đồng nhân dân vào tháng 7/2021.

Còn nếu Bộ NN-PTNT đồng ý đưa vào diện công trình khẩn cấp thì thành phố Hà Nội sẽ triển khai ngay. “Vì kinh phí chỉ 45 tỷ đồng nên không phải kiến nghị ngang, kiến nghị dọc”, ông Quyền nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (đứng) phát biểu tại cuộc họp với Thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, càng ngày việc lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân càng khó khăn do mực nước sông Đà, sông Hồng hạ thấp (riêng đáy sông Hồng mỗi năm hạ thấp bình quân 20cm). Và theo tính toán của các đơn vị chuyên môn, đến năm 2023, kể cả khi hồ thủy điện Hòa Bình mở hết tất cả các cửa xả đáy thì mực nước dâng tại trạm thủy văn Hà Nội vẫn không đạt 2,2m (mực nước phù hợp để các trạm bơm dọc hệ thống sông Hồng có thể vận hành các tổ máy).

Do đó, thành phố Hà Nội cần “lấy phụ làm chính”, nghĩa là cần nghiên cứu tất cả trạm bơm dã chiến trên địa bàn thành phố Hà Nội để tính toán, chỗ nào đầu tư xây dựng được trạm bơm cố định thì xây dựng luôn, ví dụ như các trạm bơm dã chiến dọc sông Hồng như Thanh Điềm, Ấp Bắc, Phù Sa, Đan Hoài, Bá Giang...

Riêng trạm bơm Phù Sa, Bộ NN-PTNT đã ghi vốn và cố gắng khởi công trong năm 2021. Bởi vậy, các cơ quan, ban ngành của Thành phố Hà Nội cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Cố gắng đến năm 2023 Hà Nội xóa các trạm bơm dã chiến.

Thứ trưởng Bộ NN-PNTT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Đợt 3 lấy nước đổ ải (từ ngày 22/2 đến 27/2 kéo dài 6 ngày), EVN dự kiến sẽ xả khoảng 1 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân của Hà Nội chỉ khoảng 10 triệu m3 nước. Và theo tính toán, đến hết ngày 25/2 Hà Nội có thể lấy đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy vụ đông xuân. Như vậy, có thể tiết kiệm được 2 ngày xả nước.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/den-nam-2023-ha-noi-can-xoa-so-cac-tram-bom-da-chien-d284469.html