Đến năm 2020 các thôn bản, vùng biên giới, hải đảo được cấp điện

Ngày 30-10, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường về việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4. Phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra liên tục trong 3 ngày từ 30-10 đến 1-11.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Văn Bình

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời về việc quy hoạch xây dựng nhà máy thủy điện. Cụ thể là kế hoạch của Bộ Công thương trong việc kéo điện về cho vùng đặc biệt khó khăn trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau khi Quốc hội khóa XIII ra Nghị quyết 62 yêu cầu Chính phủ rà soát, quy hoạch lại các thủy lợi nhỏ và vừa trên toàn quốc, đảm bảo hiệu quả kinh tế, kết hợp bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, phòng chống lũ, Bộ Công Thương đã cùng với các địa phương rà soát cụ thể quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa.

“Trong năm 2014, tỉnh Nghệ An đã tiến hành rà soát, đưa ra khỏi danh sách các thủy điện nhỏ và vừa 23 dự án, hiện nay chỉ còn 42 dự án. Trên toàn quốc, sau khi rà soát đã đưa ra khỏi quy hoạch 474 dự án thủy điện nhỏ và vừa do không đáp ứng được các tiêu chí để phát triển thủy lợi, gắn với bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh. Xóa bỏ 231 địa điểm đã quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa” - Bộ Trưởng Bộ Công thương cho biết.

“Việc quản lý thủy điện vừa và nhỏ được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đáp ứng về khai thác các mục tiêu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng, cũng như đời sống của người dân. Về nguyên tắc, toàn bộ những thủy điện nhỏ dưới 3MW không xem xét để đưa vào quy hoạch thủy điện” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đối với việc cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình 2081 của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã tập trung các nguồn lực của quốc gia và ngân sách Nhà nước đầu tư điện, cung cấp điện lưới cho người dân khó khăn ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo. Theo kế hoạch, trong số 233 thôn, bản chưa có điện, sẽ tập trung vào 180 thôn bản có điều kiện khó khăn nhất trong năm 2019. Phần còn thiếu Chính phủ đang đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế, sớm ký kết các hiệp định tài chính trong năm 2019, bố trí vốn cho các địa phương còn thiếu.

“Với sự nỗ lực của Chính phủ đến năm 2020 toàn bộ các thôn bản, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo trên toàn quốc sẽ được cấp lưới điện quốc gia thông qua chương trình từ ngân sách quốc gia, cũng như từ các nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế” - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Văn Bình

Về việc thủy điện xã lũ gây thiệt hại cho đồng bào miền núi, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mùa mưa lũ năm 2018, liên tục 4 cơn lũ xảy ra liên tiếp. Lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 1.321 m3/s, trong khi khả năng cắt lũ không thể kéo dài. Vì vậy, việc thủy điện Bản Vẽ không còn khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du là điều không thể tránh được, dẫn đến thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng, đời sống của nhân dân. Trước những thiệt hại của nhân dân, Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng như các cơ quan chức năng đã tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp để hỗ trợ cho địa phương.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/den-nam-2020-cac-thon-ban-vung-bien-gioi-hai-dao-duoc-cap-dien/