Đến Malacca, nhớ Hội An

'Đến Malaysia mà không thăm phố cổ Malacca thì kể như chưa biết gì về xứ sở này!', một anh bạn làm việc nhiều năm ở thủ đô Kuala Lumpur nói với chúng tôi như vậy.

Khu phố cổ ở Malacca (Malaysia) - Ảnh: T.Đ.T

Cách Kuala Lumpur 160 km, Malacca - đô thị cổ hơn 600 năm tuổi - đập vào mắt tôi không khác gì phố cổ Hội An ở Quảng Nam. Đó là hình ảnh với những ngôi nhà mái thấp bán đủ loại cổ vật và hàng mỹ nghệ lưu niệm, phía trước treo đèn lồng kiểu Trung Hoa. Đường phố ở đây rộng hơn phố cổ Hội An nên ô tô con được phép đậu một bên. Trên tường nhiều ngôi nhà dẫn ra bờ sông Malacca được vẽ những bức tranh đầy màu sắc, chợt nhớ đến làng bích họa ở TP.Tam Kỳ xứ Quảng. Ban đêm trên con đường này là một chợ đêm dành cho khách du lịch. Chợ bán đủ loại hàng lưu niệm và những hiệu ăn, tiệm cà phê...

Nhưng tôi vẫn thích ra ngồi trên một quán nhỏ sát bờ sông để ngắm nhìn. Con sông chỉ rộng vài chục mét này là tuyến du lịch bằng thuyền rất được ưa chuộng. Người ta thuê những chiếc thuyền đi từ sông ra gần cửa biển để ngắm cảnh hoàng hôn và chụp ảnh. Con sông này thông ra Ấn Độ Dương nên Malacca là cửa ngõ nối biển này qua Thái Bình Dương với tên gọi cũ là Porta de Santiago thời người Bồ Đào Nha chiếm đóng đầu thế kỷ 16.

Eo biển Malacca vì vậy là một di tích lịch sử gắn liền với nhiều hoạt động ở vùng Viễn Đông của cả các cường quốc: Hà Lan, Anh, Pháp thời đi chiếm thuộc địa... Con đường hồ tiêu thế giới và Công ty Đông Ấn của Anh quốc mấy thế kỷ trước, từ eo biển này, đã đưa các nhà tư bản xứ sương mù thời đó đến chiếm cả Phú Quốc và Côn Đảo để làm cơ sở khai thác kinh doanh và hàng hải ở xứ ta...

Cái hấp dẫn của Malacca chính là những di tích còn được giữ gìn sau nhiều thế kỷ: Một chùa “Tứ bang” thờ Cheng Hoong, vị quan triều Minh của Trung Hoa đầu tiên đặt chân đến đây hồi thế kỷ 15 và các Hoa kiều đến lập nghiệp tiếp theo, nay cũng được UNESCO xếp hạng. Một nhà thờ cổ và pháo đài của người Hà Lan xây dựng để kiểm soát an ninh qua eo biển nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, những toa xe lửa chạy máy hơi nước, chiếc máy bay của người Anh và chiếc tàu cổ được phục chế từ thời “Con đường hồ tiêu” và Công ty Đông Ấn mới thành lập, nhà thờ công giáo của người Pháp... vẫn còn được lưu giữ và là các bảo tàng thu hút đông đảo du khách. Những công trình kiến trúc của Bồ Đào Nha, Hà Lan đến Anh hiện hữu trên khu vực đồi A Famosa này là những di tích kiến trúc châu Âu cổ xưa nhất mà Malacca đã lưu giữ được tại châu Á.

Malacca còn có cả một bảo tàng dân tộc học của người gốc Hoa mang tên Babas and Nyonyas (đàn ông và đàn bà có cha Hoa mẹ Mã Lai nhiều thế hệ) thuộc nhiều thế hệ, mà nhà văn Sơn Nam từng cho rằng chính chữ Babas ấy là tên gọi của chiếc áo bà ba nổi tiếng của phụ nữ Nam bộ... Người bạn hướng dẫn thì cho rằng vị quan nhà Minh Cheng Hoong đã đưa các thuyền buôn từ đây cùng với các phụ nữ lai Hoa - Mã đến buôn bán ở Hà Tiên thời các chúa Nguyễn. Chiếc áo gọn gàng của các phụ nữ này đã được phụ nữ Nam bộ yêu chuộng, cải tiến dần thành bộ bà ba ngày nay!

Trên đường phố của khu Jonker Walk, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những đoàn du khách di chuyển trên những chiếc xích lô đạp (người đạp xe ngồi bên hông song song với khoang ngồi của du khách). Loại xe này lúc nào cũng gắn nhiều hoa sặc sỡ và phát nhạc rất vui. Khu phố Jonker yên tĩnh vào ban ngày và sôi động về đêm, cách biệt với các khu mới và cả trung tâm thương mại lớn nhất ở Malacca, cho thấy việc quy hoạch các khu chức năng, bảo tàng và bảo tồn di tích ở đây khá hợp lý. Dân số Malacca hiện nay chỉ trên dưới 60.000 dân, tương đương với Hội An ở VN, nhưng theo tôi, các sinh hoạt tại đây khá nền nếp. Hình ảnh các tình nguyện viên là cựu chiến binh với quân phục, phù hiệu nghiêm chỉnh đứng ở các giao lộ và điểm tham quan để hướng dẫn, duy trì trật tự càng cho thấy, cũng như Hội An, cư dân sở tại đã tham gia vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị mà Di sản văn hóa thế giới Malacca mang lại cho đất nước họ!

Trương Điện Thắng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/den-malacca-nho-hoi-an-880350.html