Đến lượt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bị bán tháo

Chỉ số đại diện vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc bình quân quanh mức 4%, toàn sàn có trên 800 mã chứng khoán giảm giá.

Nối tiếp diễn biến tiêu cực hôm qua, thị trường chứng khoán mở cửa phiên ngày 13/5 tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Áp lực bán tháo chuyển từ nhóm vốn hóa lớn hôm qua sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong sáng nay.

Tạm dừng trước giờ nghỉ trưa, VN-Index lao dốc thêm 28,36 điểm (-2,29%) về 1.210,48 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 đến nay. Trong khi đó bộ chỉ số HNX-Index mất 5,05 điểm (-1,6%) về 310,47 điểm. UPCoM-Index giảm 1,29% xuống 95,2 điểm.

Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc mạnh hơn thị trường chung. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc mạnh hơn thị trường chung. Đồ thị: TradingView.

Nhóm vốn hóa lớn sau phiên bán tháo hôm qua thì đã rơi chậm lại. Rổ VN30 sáng nay giảm gần 15 điểm (-1,17%) với 23 mã giảm giá và 7 mã tăng điểm. Trong đó diễn biến xấu nhất là STB của Sacombank giảm sàn hay VHM của Vinhomes rơi 4,2%, BVH của Bảo Việt lao 5,9%.

Trong khi đó lực bán tháo chuyển sang các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đầu cơ. Cụ thể chỉ số đại diện vốn hóa vừa là VNMID lao dốc trung bình 4,27% và chỉ số đại diện vốn hóa nhỏ là VNSML mất 3,86% giá trị.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa bị bán mạnh nhất với những cái tên đáng chú ý như ANV của Navico, ASM của Sao Mai, DCM của Đạm Cà Mau, DGW của Digiworld, DXG của Đất Xanh, HSG của Hoa Sen, VHC của Vĩnh Hòa, VND của VNDirect... đã nhúng xuống giá sàn.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng lao dốc mạnh mẽ với những ACL, HUB, LHG, NVT, PET, RDP, TMT, TNT, GIL, DTA, BRC... đều đã giảm hết biên độ cho phép.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ như FLC mất 5,3% về 6.800 đồng, HQC của Hoàng Quan lao dốc 6,5% còn 5.060 đồng, TGG của Louis Capital mất 3,3% xuống 10.100 đồng, NVT của Ninh Vân Bay giảm sàn, SJF giảm sát giá sàn...

Ở chiều ngược lại điểm sáng đến từ VNM của Vinamilk khi tăng giá 1,5% lên 67.500 đồng, FPT tăng 1,8% đạt 97.300 đồng hay ACB có thêm 1,7% lên 30.000 đồng là những mã có tác động tốt nhất lên thị trường.

Mặc dù vậy độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán, toàn thị trường có tổng cộng 806 mã giảm giá, 176 mã đứng giá và 109 mã tăng giá.

Nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch cân bằng trở lại, chủ yếu do gom chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Cụ thể, họ mua vào 1.349 tỷ và bán ra 1.326 tỷ trên sàn HoSE, tương đương mua ròng nhẹ 23 tỷ đồng.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/den-luot-co-phieu-von-hoa-vua-va-nho-bi-ban-thao-post1316749.html