Đến lượt cổ phiếu trụ cột!

Tháng 10 năm nay dường như không phải thời điểm kiếm tiền của giới đầu tư chứng khoán. Ngày 11-10-2018 chịu ảnh hưởng mạnh của thị trường thế giới, VN-Index rơi thẳng đứng gần 50 điểm, về 939 điểm với thanh khoản giao dịch hơn 350 triệu đơn vị chỉ trên Hose, trị giá gần 7.700 tỉ đồng. Các nhà đầu tư bắt đáy ngày hôm đó đã không lời lãi bao nhiêu nếu nhìn toàn cục thị trường. Hơn 10 ngày sau, ngày 23-10-2018, VN-Index lại một lần nữa chạm mốc 939, nhưng lần này Hose chỉ nhận được khoảng 5.000 tỉ đồng giao dịch với khối lượng hơn 200 triệu đơn vị. Chỉ số chứng khoán tiếp tục đứng chênh vênh giữa hai làn đường dao động lên/xuống, chỉ khác là thị giá nhiều cổ phiếu đã tạo đáy thấp hơn, thậm chí thấp nhất trong vòng một năm qua.

VN-Index đang thấp hơn 4,6% so với cuối năm và trở thành kênh đầu tư quá nhọc nhằn so với gửi tiết kiệm. Tuy nhiên VN-Index vẫn có thể “ngẩng cao đầu” nhìn ra thị trường quốc tế. Chứ không ư? Bên trời Âu, chỉ số chứng khoán Anh Quốc đã rời mốc 7.000 điểm; chứng khoán Đức đã mất ngưỡng 12.000 điểm từ mấy tuần trước và đang giảm 12,7% so với cuối năm ngoái; chỉ số chứng khoán Paris cũng lùi xa cột 5.000 điểm và khiến nhà đầu tư “thủng túi” 6,5% so với cuối tháng 12-2017. Chứng khoán Trung Quốc đại lục độc tôn ngôi vị giảm mạnh nhất, âm 22% so với cuối năm ngoái. Ở các thị trường phát triển, chỉ còn Dow Jones tạm thời dương 0,93% so với đầu năm và Nasdaq tăng 6,3% cùng thời gian.

Chẳng phải chỉ có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang cho thấy tầm ảnh hưởng áp đảo của nó, mà tâm lõi của tài chính thế giới đang nhìn về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các quốc gia phát triển. Những ngày Dow Jones rớt trên 400 điểm, người ta dễ dàng nhận ra lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng rớt theo, trong khi lẽ ra nó phải tiến nhanh về phương Bắc. Vì sao có sự trùng hợp này? Đơn giản vì các nhà đầu tư đang quay về với châm ngôn kinh điển “tiền mặt là vua”. Họ chủ yếu giữ đồng đô la Mỹ và một bộ phận nhăm nhe tìm nơi trú ẩn an toàn tạm thời là vàng, kim loại quý hiếm. Bài học về trái phiếu thế chấp dưới chuẩn năm 2005-2008 liên quan đến quản trị rủi ro trong cấp phát tín dụng và chứng khoán hóa các khoản vay chưa nguội đi và những lo ngại về lạm phát ở Mỹ, châu Âu đang ngày một được thể hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu không chỉ tiếp tục nâng lãi suất, mà còn giảm nhanh lượng tài sản chủ yếu là trái phiếu mà họ đã mua vào trước đây thông qua các gói nới lỏng định lượng QE. Nghĩa là tiền sẽ được hút về kho nhanh hơn, mạnh hơn.

Ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện những ý kiến có trọng lượng về tiềm ẩn rủi ro việc vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp FDI và sự lớn lên quá nhanh của tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Không phải ngẫu nhiên, phát biểu trước Quốc hội kỳ họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và chứng khoán. Số dư nợ tuyệt đối toàn hệ thống ngân hàng đến nay có thể đã tới 6,9-7 triệu tỉ đồng (tăng trưởng tín dụng đạt 10,5% cho đến giữa tháng 10-2018 theo báo cáo Chính phủ, trong khi dư nợ đến tháng 7-2018 là 6,84 triệu tỉ đồng theo NHNN, tăng 8,1% - NV), tức gần 300 tỉ đô la Mỹ, so với tổng GDP cả nước khoảng 240 tỉ đô la Mỹ cuối năm 2017. Đó là chưa kể vay nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp và vay trong nước qua phát hành trái phiếu tổng cộng cả thảy trên 100 tỉ đô la Mỹ nữa.

Trở lại với VN-Index, sự biến động của chỉ số chứng khoán đã có sự thay đổi căn bản. Khi bắt đầu điều chỉnh từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6-2018, các cổ phiếu MidCap và SmallCap đã giảm giá mạnh, trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn ít biến động. Nay ngược lại. VHM đã giảm gần 20% so với mức giá ngày niêm yết trong tháng 5-2018. VNM giảm chừng 25% so với mức cao của năm. VIC, VJC, MSN, PLX, CTG, MBB, VPB, TCB... cũng chiết khấu đáng kể từ mức đỉnh. Các cổ phiếu vốn hóa lớn đã không còn “miễn nhiễm” với cuộc chơi điều chỉnh của chứng khoán và một khi chúng bị “đụng chạm” đến, mức chiết khấu cũng sẽ theo tỷ lệ đặc biệt.

Hải Lý

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280636/den-luot-co-phieu-tru-cot.html