Đến làng hoa Bà Bộ thưởng ngoạn hoa Tết

Cách trung tâm thành phố Cần Thơ không xa, làng hoa Bà Bộ trở thành điểm du lịch để người dân phương xa tìm đến. Họ đến đây không chỉ để được thưởng lãm những vườn hoa, cây cảnh tràn ngập sắc màu, mà còn chọn cho mình những bình hoa ưng ý về trưng Tết.

Ông Đoàn Hữu Bốn, chủ nhà vườn Năm Luận

Ông Đoàn Hữu Bốn, chủ nhà vườn Năm Luận

Nghề cha truyền con nối

Hàng trăm hộ dân tại làng hoa Bà Bộ đã gắn bó với nghề ngót nghét tới sáu bảy chục năm. Người dân ở đây vẫn truyền nhau câu chuyện về ông tổ nghề trồng hoa tên Tám Hoài. Ông Tám Hoài quê ở Đồng Tháp, một tỉnh nổi tiếng với Làng hoa kiểng Sa Đéc. Vào những năm 1940, khi từ Đồng Tháp qua Cần Thơ lập nghiệp, ông Tám Hoài đã mang theo một số hạt giống hoa quê nhà, với mong ước tại vùng đất mới này có thể phát triển nghề trồng bông kiểng.

Nhờ thời tiết thuận hòa, thổ nhưỡng thích hợp, những giống hoa của ông Tám Hoài đã chịu vươn mầm đơm hoa, khoe sắc. Người nông dân cần cù ấy đã tiếp tục nhân giống, rồi truyền dạy nghề trồng hoa cho bà con chòm xóm. Từ đó nghề trồng hoa dần được lan rộng trong làng và trở thành nghề để người dân có thể sinh nhai.

Giúp mẹ

Tiếp nối ông Tám Hoài, người dân làng hoa Bà Bộ vẫn thường nhắc tới những người sau này có công phát triển nghề trồng hoa ở làng như ông Sáu Dơi, Tư Mẹo, Năm Bông… Ghé thăm làng hoa Bà Bộ dẫn vào các ngõ xóm là những nhà vườn trồng đủ các loại hoa từ cúc vạn thọ, cúc nhám, đồng tiền, hướng dương tới các loại ly... Những vườn hoa đang đua nhau khoe sắc thắm, cùng vẫy gọi du khách.

Tại nhà vườn trồng hoa Năm Luận (chủ nhân trồng hoa có tiếng), ông Đoàn Hữu Bốn chủ vườn cho biết: giao thương ngày càng thuận lợi nên các loài hoa của làng ông đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành lân cận. Làng hoa không chỉ trồng để ngắm, để trưng vào những dịp Tết mà đã thực sự nuôi sống người dân và trở thành nghề chính của người dân trong làng.

Sống khỏe với nghề

Chăm sóc hoa kịp đón Tết

Ông Bốn tâm sự: Đầu tiên, người dân chủ yếu trồng vạn thọ, mào gà, hướng dương... Sau này, họ du nhập thêm những loài từ nơi khác về trồng trong đó có cả các loại hoa ở nước ngoài như hoa cát tường, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, ly... Trồng hoa ngắn thời gian, thu nhập cao hơn cây kiểng thậm chí tốt hơn trồng lúa, giá cả cũng ổn định nên người làm khỏe hơn.

Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cho biết: Nhiều năm trở lại đây nghề trồng hoa tại làng hoa Bà Bộ khá phát triển đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Người ta không chỉ trồng theo thời vụ vào dịp Tết nữa mà trồng hàng ngày, mỗi tháng cũng cho thu hoạch 2 lần vào tuần rằm và mồng 1.

Hoa hồng là loại khá đắt hàng có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng một chậu. Cúc pha lê từ 200 đến 800 nghìn đồng một chậu, cúc Đài Loan 150 đến 200 nghìn đồng một chậu. Hoa Ly tính theo bông với giá 20.000 đồng/bông. Hoa đồng tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng một chậu. Mỗi loại hoa nhà ông trồng ít khoảng 500 đến 1.500 chậu tùy theo khách đặt và mức độ tiêu thụ của người dân...

Nghề trồng hoa, đòi hỏi lòng đam mê tính cần cù và tỉ mỉ. Bên cạnh việc lựa chọn giống, có kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh, nghề trồng hoa có phần nhẹ nhàng hơn so với nghề nông. Song với nghề này, việc nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như diễn biến của thời tiết góp phần giúp chủ vườn có thu nhập cao.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/den-lang-hoa-ba-bo-thuong-ngoan-hoa-tet-4058234-b.html