Đền Kim Ngưu: Nơi gửi gắm ước vọng về cuộc sống bình an, ấm no của người Việt

Nằm khép mình bên thắng cảnh Hồ Tây (Hà Nội) là ngôi đền thờ thần Kim Ngưu với ước vọng gửi gắm mơ ước về một cuộc sống bình an, ấm no của người Việt.

Đền Kim Ngưu nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ, tọa lạc trên một gò đất cao thuộc địa bàn phường Quảng An, quận Tây Hồ và gắn liền với huyền thoại suy nguyên về nguồn gốc của Hồ Tây.

Ông Trương Tín Hồi (74 tuổi), Trưởng tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết: Ngôi đền gắn với sự tích thờ thần Kim Ngưu trong truyền thuyết tọa lạc dưới gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền xây theo kiểu chữ đinh, bên ngoài ba gian bái đường, bên trong hai gian hậu cung thờ dọc, tường hồi bít đốc, bào trơn đóng bén.

Đền Kim Ngưu nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ thuộc địa bàn phường Quảng An (Ảnh Trần Hải - kienthuc.net.vn)

Đền Kim Ngưu nằm trong quần thể di tích phủ Tây Hồ thuộc địa bàn phường Quảng An (Ảnh Trần Hải - kienthuc.net.vn)

Lần giở những trang sách “Làng Tây Hồ, Phủ Tây Hồ” của tác giả Hoàng Giáp – Trương Công Đức, ông Hồi chia sẻ: Về thần Kim Ngưu được thờ trong đền đã được nhiều sách ghi chép như Bắc Thành dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Thăng Long cổ tích khảo, Tây Hồ chí...

Sách Lĩnh Nam chích quái, trong “Truyện Hồ Tinh” kể lại, thời Lạc Long Quân xuất hiện con cáo chín đuôi thường xuyên xuất hiện quấy rối người dân địa phương. Lạc Long Quân đã cho “Trâu vàng” xuống hồ trừ diệt cáo chín đuôi và lập đền thờ Trâu ở bên bờ để trấn áp yêu quái.

Còn trong truyện “Truyện trâu vàng trong núi Tiên Du” lại kể: Núi Tiên Du (Bắc Ninh) có “Trâu vàng” nửa đêm thường tỏa sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào làm sụp đất. Nơi đó là thôn Húc sau này.

Sau đó, trâu chạy qua địa phận Văn Giang (Hưng Yên), qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lan, Đa Ngưu… Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đi men phủ Lý Nhân tới sông Tô Lịch. Sau đó, trâu chạy tới Hồ Tây thì ẩn xuống hồ. Những vết chân trâu để lại tạo thành dòng chảy, gọi là sông Kim Ngưu. Nơi “Trâu vàng” ẩn náu gọi là hồ Kim Ngưu (Hồ Tây bây giờ).

Còn truyền thuyết “Hồ Trâu Vàng” kể lại rằng, đời nhà Lý, ở nước ta có Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư) là vị cao tăng đắc đạo ở Tây Trúc, được phật truyền cho Lục trí thần thông nên có thể biến hóa khôn lường.

Tượng trâu vàng trong khuôn viên nhà đền. Ảnh Việt Hoàng

Thiền sư gỏi chữa bệnh và các nghề về luyện kim. Tiếng tăm của Minh Không vang sang tận Bắc quốc. Con vua Tống Thái Tông khi đó mắc bệnh nan y. Nhà vua cho mời Minh Không sang chữa bệnh. Hành trang Minh Không mang theo chỉ có túi vải, nón và cây tích trượng. Minh Không chữa khỏi cho con vua nên cho ông tự vào kho chọn, thích lấy gì thì lấy. Thiền sư đã lấy hết đồng đen, bỏ vào túi rồi thả nổi trên chiếc nón, xuôi về Đại Việt.

Khi về nước, Minh Không đem hết đồng đen tô tượng, đúc chuông, trong đó có chuông Phả Lại. Khi tiếng chuông Phả Lại ngân lên thì thấy con trâu chạy từ phương Bắc xuống, đến Phả Lại thì chuông đã chìm xuống sông Lục Đầu. Hiện nay, bến Phả Lại vẫn còn di tích gọi là vụng Rơi Chuông. “Trâu vàng” không thấy mẹ, trên không lại thấy Thiên tướng đuổi theo nên chạy về Hồ Tây thì gặp thần nữ cưỡi diều đuổi bắt, “Trâu vàng” thất kinh liền nhảy xuống hồ. Từ đó Hồ Tây còn gọi là hồ Kim Ngưu (Trâu vàng). Tại nơi này, người dân đã lập đền thờ Kim Ngưu.

Đền Kim Ngưu trước đây từng bị thực dân Pháp phá hủy năm 1947. Đến năm 2001, các giáo sư Trần Lâm Biền, Lê Văn Lan, Trần Quốc Vượng… mới nghiên cứu phục hồi lại.

Theo ông Hồi, sự tích gắn với con trâu vàng có rất nhiều truyền thuyết, mỗi mỗi địa phương lại có những dị bản khác nhau. Tuy nhiên, từ truyền thuyết về Kim Ngưu, hiện còn hai ngôi đền thờ tại Hồ Tây. Ngôi đền thứ nhất ở ấp Tây Hồ, tức đền Kim Ngưu mới được phục dựng ngày nay. Ngôi đền thứ hai ở thôn Võng Thị đã bị phá hủy không còn nền móng. Hiện trong ngôi đền Kim Ngưu ở Tây Hồ còn giữ được 8 đạo sắc phong. Trong đó, có 4 đạo từ đời Lê Cảnh Hưng, 2 đạo từ thời vua Quang Trung, 2 đạo từ thời Nguyễn. Trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 vẫn còn ghi địa điểm đền Kim Ngưu ở đầu doi đất Tây Hồ.

Chuông đồng gắn với truyền thuyết về Trâu vàng tại đền Kim Ngưu. Ảnh Việt Hoàng

Bãi bể hóa nương dâu, thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ khiến những câu chuyện được chép trong sử liệu về thần Kim Ngưu bên bờ Tây Hồ cũng mang màu sắc dân gian tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo nhưng vẫn sống động và được lan truyền trong đời sống tâm linh của biết bao người. Bởi hình tượng con đã gắn bó chặt chẽ trong đời sống văn hóa của người Việt. Nó trở nên thân thuộc và được coi là một con vật thiêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân làng.

"Tín ngưỡng thờ “Trâu vàng” là một tín ngưỡng tích cực, phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân xưa. Vì thế đền thờ Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó. Bởi lẽ đó, mỗi lần du khách đến đền Kim Ngưu cũng cầu mong mưa thuận gió hòa, đời sống ấm êm, no đủ”- ông Hồi chia sẻ.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/den-kim-nguu-noi-gui-gam-uoc-vong-ve-cuoc-song-binh-an-am-no-cua-nguoi-viet-d166886.html