Đến Huế mua đặc sản

Chợ Đông Ba: nón lá, mắm, dầu tràm…

Trưa thứ 7, sau khi dạo một vòng chợ Đông Ba, một gia đình người Nga đã ghé sạp Minh Nguyệt để mua nón lá Huế làm kỉ niệm trước khi ra về. Tại đây, họ đã mua một chiếc nón lớn với giá 50.000 đồng và nón nhỏ 20.000 đồng. Bà chủ tiệm cho biết cửa hàng của bà chuyên bán các loại nón lá Huế với nhiều kích cỡ khác nhau để khách hàng lựa chọn, những chiếc nón có hình phong cảnh sẽ có giá cao hơn. Theo tìm hiểu, chợ Đông Ba có khoảng năm sạp hàng chuyên bán nón lá Huế do các cơ sở tại Thừa Thiên-Huế sản xuất. Những sạp hàng này cũng nhận chỉnh sửa nón theo yêu cầu của khách.

Sạp hàng nón lá Minh Nguyệt trong chợ Đông Ba. Ảnh: Nhân Tâm

Về các loại mắm đặc sản, chợ Đông Ba có hơn 10 sạp hàng. Chẳng hạn, sạp hàng Cô Ri bán nhiều loại mắm khác nhau từ mắm tôm chua, mắm tép, mắm rò, mắm sò… do cơ sở này sản xuất với đầy đủ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá bán cũng được niêm yết rõ ràng: tôm chua 60.000-70.000 đồng/kg, mắm ruốc 35.000-50.000 đồng/kg… Bà Trần Thị Thái Phượng, chủ sạp hàng Cô Ri, cho biết gia đình bà sản xuất và chế biến các loại mắm gần 30 năm nay với tiêu chí thơm, ngon, sạch. Đặc biệt, mắm ở đây được chế biến từ cá tươi kết hợp gia vị và không dùng chất bảo quản.

Những sạp hàng trong chợ Đông Ba chuyên bán các loại mắm truyền thống của Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Tại những sạp mắm xung quanh chợ, theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, giá các loại mắm tại các sạp hàng chênh lệch 10.000-15.000 đồng trên cùng một sản phẩm cùng loại tùy thương hiệu và bao bì. Tuy nhiên, nếu du khách mua các loại mắm được đựng sẵn trong hũ tại một số sạp bán tạp hóa thì phải trả tiền gần gấp đôi.

Dầu tràm và trà cung đình Huế là hai loại đặc sản được bán nhiều tại chợ Đông Ba với chất lượng và giá cả khác nhau. Theo tư vấn của chủ sạp hàng Phát Quang, hiện nay thị trường có tinh dầu tràm nguyên chất và tinh dầu tràm trộn với các loại dầu khác, phần nhiều là dầu chổi. Sạp hàng này bán cả hai loại này với giá khác nhau: Tinh dầu tràm giá 80.000 đồng/chai 35ml trong khi một chai tinh dầu tràm 80ml có pha thêm các loại dầu khác có giá chỉ 50.000-70.000 đồng tùy theo tỉ lệ pha.

Sản phẩm tinh dầu tràm được bán tại sạp hàng Phát Quang trong chợ Đông Ba. Ảnh: Nhân Tâm

Bên cạnh đó, sạp hàng Phát Quang cũng như các sạp hàng khác bán khoảng hơn 10 loại Trà cung đình Huế với danh xưng “Nhất dạ đế vương” được ký hiệu từ G1 đến G10 tùy theo số lượng thảo dược trong mỗi gói. Giá bán một gói 500 mg là khoảng 100.000 đồng cho loại G9 và 120.000 đồng cho loại G10.

Áo dài, tranh thêu tay

Nếu tầng trệt của chợ Đông Ba bán các loại đặc sản khác nhau thì tầng một của chợ là các cửa hàng bán quần áo, vải may áo dài và áo dài may sẵn. Tuy nhiên, du khách sẽ rất khó phân biệt chất lượng và mua đúng giá. Nếu du khách muốn may hoặc mua áo dài có thể chọn một nơi khác bên ngoài. Áo dài được xem là “đặc sản” của vùng đất kinh kỳ này, vì vậy không khó để du khách bắt gặp các tiệm áo dài nằm rải rác tại các con phố trung tâm của thành phố như Nguyễn Sinh Cung, Trần Nguyên Hãn, Võ Thị Sáu… hay khu phố Tây.
Bên cạnh đó, theo nhiều người, con đường Mai Thúc Loan, đoạn từ cổng thành Đông Ba đến giao lộ Đoàn Thị Điểm, với nhiều cửa hàng may và bán áo dài lâu năm là nơi đáng tin cậy. Ông Hùng, chủ tiệm may áo dài Hùng trên đường Mai Thúc Loan, kể ông đã nối nghiệp may của cha mình hơn 20 năm nay. Tiệm của ông có tất cả năm người làm các công đoạn khác nhau từ may đo đến cắt, ráp, ủi và vắt sổ, phục vụ từ học sinh cho đến phụ nữ và du khách với các loại áo dài truyền thống và cách tân.

Tiệm may áo dài Hùng trên đường Mai Thúc Loan tại thành phố Huế. Ảnh: Nhân Tâm.

Ông Hùng cho biết một chiếc áo dài với chất liệu tốt có đính kèm hoa văn khá phức tạp có giá khoảng 900.000 đồng, bao gồm 650.000 đồng tiền vải và 250.000 tiền công. Tùy theo yêu cầu của khách và độ phức tạp của áo dài mà thời gian may có thể từ 3-5 ngày, thậm chí là lấy ngay trong ngày nếu khách có yêu cầu đặc biệt.

Bên cạnh con đường Mai Thúc Loan là đường một chiều Phan Đăng Lưu. Đây được xem là “phố shopping” với các hàng bán những sản phẩm khác nhau từ tủ thờ đến hàng điện lạnh, điện gia dụng, quần áo… Đường này có khoảng bốn cửa hàng chuyên làm và bán tranh thêu tay, một nghề đang dần trở nên hiếm hoi ở Huế.

Anh Phạm Văn Thiết, chủ cửa hàng Kim Anh trên đường Phan Đăng Lưu, chia sẻ các bức tranh thêu đều do chính vợ anh và một số thợ thuê ngoài thêu thủ công. Một bức tranh thêu có giá từ 600.000 đồng đến 5 triệu đồng tùy độ khó. “Để làm ra một bức tranh như vậy phải mất 5-7 ngày. Một tuần bán được 2-3 bức tranh là may mắn vì giá của chúng khá cao và kén người mua. Còn những bức thêu máy tuy nhanh nhưng không đẹp, tuy nhiên khách du lịch lại mua nhiều vì giá phải chăng”, anh Thiết chia sẻ.

Vợ anh Phạm Văn Thiết đang thêu thủ công một bức tranh mà theo chị có giá khoảng 1 triệu đồng. Ảnh: Nhân Tâm.

Ngoài những sản phẩm ở trên, nhiều cửa hàng nằm rải rác trên các con đường ở thành phố Huế bán các đặc sản và hàng lưu niệm trong bộ sưu tập hơn 40 loại sản phẩm chính thức được Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế công bố như rượu, hạt sen, tranh pháp lam, tranh đúc đồng… Sắp tới, danh sách này sẽ được mở rộng để tạo điều kiện quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

Các cửa hàng tạp hóa trong chợ Đông Ba bán rất nhiều các sản phẩm khác nhau. Ảnh Nhân Tâm

Bộ sưu tập hàng lưu niệm, quà tặngBộ sưu tập do các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh sản xuất và chế biến, chia thành ba nhóm: sản phẩm đặc sản Huế (tôm chua, mè xửng, hạt sen..), hàng lưu niệm (nón lá, đèn xếp, tranh pháp lam…) và quà tặng (áo dài, tranh thêu…). Sở cũng tổ chức 3 điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu vực đông du khách, gồm: Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, siêu thị Big C và Co.op Mart Huế.Danh mục các sản phẩm trong bộ sưu tập hàng lưu niệm, quà tặng Thừa Thiên – Huế công bố ngày 3-8, người quan tâm có thể xem tại địa chỉ: http://itradetthue.gov.vn/bosuutap/index.html.

Nhân Tâm

Sở Công Thương Thừa ThiênHuế vừa công bố bộ sưu tập hàng lưu niệm, quà tặng dành cho du khách. Bên cạnh việc thăm thú các địa điểm du lịch, việc dạo một vòng vùng đất kinh kỳ để tìm hiểu, thưởng thức đặc sản cũng là một sự trải nghiệm khá thú vị.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/den-hue-mua-dac-san/