Đến Hàng Châu gặp gỡ... Nguyễn Du

Thời trường huyện, tôi mang máng rằng 'tích' Thúy Kiều khởi phát từ Hàng Châu, mấy năm sau lại neo giữ trong bộ nhớ ý kiến của học giả Phạm Quỳnh rằng, nguyên tác Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là cuốn truyện tầm thường.

Mãi năm 2006 - tức 186 năm sau kể từ khi cụ Nguyễn Du quy tiên, tôi mới có dịp đến cố đô Hàng Châu tìm xem “cái bề lõm của tấm huân chương”, nếu mà phải nói trắng ra thì là tìm căn nguyên vì sao cũng đều khai thác “tích” Thúy Kiều để viết về đề tài này, vậy mà hơn nửa tá cây bút sinh ra lớn lên trên đất nước Trung Hoa “có tích vẫn không dịch nên tuồng”?

Đến Hàng Châu chiều hôm trước, hôm sau tôi tách đoàn, vẫy taxi để tìm vết “tích” Thúy Kiều làm kỷ niệm. Từ khách sạn bên bờ sông Tiền Đường nhìn rõ cầu Kiều đã bằng cốt sắt bê tông, đi chừng dăm bảy cây số thì đến. Một mình bách bộ trên cầu Kiều dài ngoằng ngoẵng, lẫn giữa nườm nượp dòng xe dòng người, tôi thầm so cầu Kiều với cầu Bến Thủy nối đôi bờ Lam xứ Nghệ quê mình.

Về độ dài của hai cây cầu đều trên dưới vài cây số, coi như bằng nhau. Về tên của sự vật được lưu giữ trong tâm thức dòng đời, tên gọi cầu Kiều tại Hàng Châu xưa gấp nhiều lần tên gọi cầu Bến Thủy, song điều làm tôi hụt hẫng không vì độ tuổi dài ngắn của tên gọi hai cây cầu; mà vì dòng Tiền Đường hiện ra trước mắt không còn trong xanh như suy nghĩ của tôi về dòng Tiền Đường trong tác phẩm Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.Tôi cố tìm dấu tích nàng Kiều sắc nước hương trời mà đành phải đằng đẵng 15 năm đầm đìa nước mắt, đến nay người đời vẫn chưa cân đong nổi trong đó có bao nhiêu nước mắt của nàng và bao nhiêu nước mắt của cụ Nguyễn Du.

Ngập giữa dòng xe dòng người ầm ào chuyển động, tôi rảo bước dọc theo cầu Kiều từ lâu đã bằng cốt sắt bê tông, cảm nhận rõ dưới chân mình cây cầu đang lên cơn động kinh. Chăm chú dõi theo từng mét lan can thành cầu, tôi cố tìm bóng dáng nàng Kiều nức nở trước khi gieo mình xuống dòng Tiền Đường mà chẳng thấy đâu.

Trái lại, điều tôi cảm nhận rõ là cây cầu như con trăn khổng lồ đang chuyển động dưới chân, thực trạng quá tải càng ngày càng gia tăng khiến nó rung lắc rất mạnh. Không còn hứng thú với cả hiện thực trước mắt và rung động từ tác phẩm, trở về khách sạn mà sao tôi vẫn tin “tích” Thúy Kiều là có thật, nhiều người từng dựa bờ vai của nàng để viết thành sách, song chỉ có “Thánh văn Tiên Điền” mới làm nên tuyệt tác Truyện Kiều của Việt Nam và của chung thế giới.Ngồi tại bàn trà trong khách sạn bên bờ sông Tiền Đường, chúng tôi nghe nữ hướng dẫn viên người Hoa từng theo học tại khoa Tiếng Việt, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, kể: Hồ Tôn Hiến là đại thần có thật, ông sinh năm 1512, mất năm 1565, đỗ Tiến sĩ đời Minh Thế Tông, là nhà quân sự đánh dẹp nhiều cuộc nổi loạn, được thăng Thái tử thái bảo, giữ chức Đô Sát Viện Tả Đô Ngự Sử kiêm Thượng thư bộ Binh. Hồ Tôn Hiến là người đầu tiên cho thuộc cấp chép lại việc đánh dẹp Từ Hải, bắt Vương Thúy Kiều. Ông này còn là nhà viết văn viết sử đời Minh; về sau liên kết bè cánh tạo biến cố Canh Tuất (1550), ông bị bắt giam rồi tự tử trong ngục.

Từ chuyện người thật việc thật ấy, về sau các văn nhân Trung Quốc phóng tác thành nhiều tiểu thuyết khác nhau, đến cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đời nhà Thanh mới là “nguyên tác” để Nguyễn Du viết Truyện Kiều Việt Nam bằng chữ Nôm.Tại cuộc đàm đạo ấy, mấy nhà báo trong đoàn giục tôi làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ để góp chuyện về Đại thi hào Nguyễn Du, cốt để cô hướng dẫn viên người Hoa hiểu thêm. Tôi nói đại thể là: Người Việt có câu “một tiếng khỉ ho hơn vạn tiếng cò gáy”, cái tài của cụ Nguyễn Du đâu phải do “tích” quyết định. Như bạn đã biết cũng “tích” ấy, cũng Vương Thúy Kiều ấy, song một đống tác phẩm của nhiều tác giả (tôi tế nhị không nói rõ là người nước nào) đã biến mất từ lâu.

Cụ Nguyễn Du chúng tôi vừa tâm linh vừa trần thế, cụ tài hơn người khác là đã khắc họa thành công, Việt hóa thành công thế giới nội tâm, tính cách, tâm lý của cả hệ thống nhân vật, điều mà ngay tại cố hương sinh ra “tích” Thúy Kiều cũng chẳng ai làm được. Nếu bạn có dịp bơi trong Truyện Kiều của Việt Nam sẽ thấy Nguyễn Du trách trời thì ít, căm ghét bọn bất lương (cụ gọi là đầu trâu mặt ngựa) đang nhung nhúc nơi trần thế thì nhiều!Cụ Nguyễn Du mất ngày mồng 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/ 9/1820) tại Huế, hưởng dương 54 tuổi, an táng tại cánh đồng Bàu Đá, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nhà vua được tin Thánh thơ mất đã vô cùng thương xót, ban tên thụy là "Trung Thanh", phúng điếu tiền bạc và đôi câu đối: Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh sinh bất thiểm/ Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tự do hương (Một kiếp tài hoa khi làm sứ, lúc làm khanh sống không hổ thẹn/ Trăm năm sự nghiệp việc nhà, việc nước chết vẫn còn thơm).Đôi câu đối này được con cháu tạc khắc nay vẫn còn trước Nhà thờ. Năm 1824 gia quyến vào Huế dời mộ cụ về quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Có dịp sang Việt Nam mời bạn đến thăm Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du, bạn sẽ thấy khu mộ Đại thi hào-ngọn tháp thi ca Việt Nam, khiêm nhường giữa “thập loại chúng sinh”. Cụ quy tiên tới nay đã gần hai thế kỷ mà nước Nam chưa có văn tài nào chinh phục nổi ngọn tháp thi ca Truyện Kiều. Mấy đời vua từng về Tiên Điền dâng hương, bao văn tài võ tướng từng nghiêng mình trước nấm đất nhỏ nhoi, trong khi các cụ già quê tôi trước tới nay không gọi cụ là Đại thi hào mà gọi là "Thánh Tiên Điền". Hiếm thấy nhà thơ nào được người đời thần thánh hóa như cụ Nguyễn Du.

Mai Thuận

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/den-hang-chau-gap-go-nguyen-du-397065.html