Đến hạn, các BOT nhà đầu tư đòi trả, được xử lý ra sao?

Thủ tướng chỉ đạo phải có phương án xử lý các dự án BOT đã hoàn thành nhưng chưa được hoặc chỉ mới thu phí một phần trước ngày 20/11. Các giải pháp được chờ đợi để giải quyết được tình trạng các nhà thầu đồng loạt đòi trả dự án trong thời gian qua.

Việc chậm giải quyết các tồn đọng của các dự án ảnh hưởng đến chủ đầu tư, đóng góp của chủ phương tiện

Việc chậm giải quyết các tồn đọng của các dự án ảnh hưởng đến chủ đầu tư, đóng góp của chủ phương tiện

Như Tiền Phong phản ánh, việc giải quyết các dự án đã hoàn thành ở giai đoạn trước được xử lý chậm trễ, kéo dài. Nhiều chủ đầu tư dự án như hầm Hải Vân, BOT Thái Nguyên – Chợ Mới … vì không được thu phí, hoặc không được thu đúng theo hợp đồng đã lên tiếng đòi trả lại dự án. Ngoài ra, các chuyên gia đều cho rằng, việc chậm xử lý các dự án BOT tồn đọng không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn cả túi tiền của người dân khi lãi suất ngân hàng tăng theo thời gian trì hoãn và sẽ tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

Mới đây tại nghị trường Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập những dự án thực hiện ở các công trình giai đoạn trước nghị quyết 437 của Thường vụ Quốc hội (tháng 10/2017) nhưng các nhà đầu tư đã thực hiện hợp đồng ký với Bộ GTVT, hoàn thành và tất cả đưa vào nghiệm thu để hoạt động. Nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu một phần là không đúng cam kết ở hợp đồng đã ký. Doanh nghiệp đầu tư đã kêu Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT cùng Ủy ban nhân dân tỉnh, một số đơn vị hữu quan để thỏa thuận giải pháp. Cho đến nay Bộ vẫn chưa cho phép thu phí để hoàn vốn dự án này, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ gốc, lãi, người lao động không có công ăn việc làm, rất khó khăn.

Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời: “Các dự án BOT đã xong nhưng chưa thu phí được theo đúng phương án và chỉ được thu phí một phần chúng tôi có trách nhiệm lớn với nhà đầu tư cũng như với xã hội".

Ngày 08/11/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ nhằm “xử lý vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT”.

Theo đó, về cơ bản, Thường trực Chính phủ đồng ý với kết quả rà soát, đánh giá các tồn tại, bất cập đối với các trạm thu phí của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT…

Một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc họp là các dự án chưa được hoặc chỉ mới thu phí một phần (như các Dự án Quốc lộ 1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên – Tân Đệ, tỉnh Thái Bình; Dự án Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên – Chợ Mới; Dự án Quốc lộ 21B Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định...). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án nêu trên, hoàn thành trước ngày 20/11/2018…

Ngoài ra Thủ tướng cũng chỉ đạo các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình trong việc chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu; chỉ đạo không để xẩy ra mất an toàn giao thông và an ninh trật tự; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng quấy phá tại các trạm thu phí.

Như vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội (lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư) Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, chi tiết và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các Bộ, nghành và địa phương liên quan trong giải quyết vấn đề đến từng dự án BOT, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư, không làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, làm giảm niềm tin của các Nhà đầu tư vào các công trình BOT trong giai đoạn tiếp theo….

Tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án xử lý cho các bức xúc của các dự án BOT tồn đọng vẫn chưa được Bộ GTVT hé lộ.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là phương thức đầu tư cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong những năm qua, nhờ hình thức này mà hệ thống hạ tầng giao thông được nâng lên rõ rệt, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, hạ giá thành vận tải, đảm bảo hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội.Loại hình này còn nhiều bất cập nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 (Về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục hoàn thiện việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để điều chỉnh.

Bảo An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/den-han-cac-bot-nha-dau-tu-doi-tra-duoc-xu-ly-ra-sao-1347158.tpo