'Đèn giao thông' cho lộ trình phát triển của doanh nghiệp

Sau những năm đầu thăng trầm và dần đi vào ổn định, nhiều doanh nghiệp tầm trung bỗng rơi vào chông chênh trong tham vọng trở thành 'ông lớn'.

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, mỗi năm, Việt Nam có trên 126.000 công ty thành lập mới. Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2020 chứng kiến sự thất bại của một số doanh nghiệp tầm trung, trước đây gọi được nguồn vốn lên đến hàng triệu USD.

Sự thất bại của những doanh nghiệp này xuất phát từ nhiều lý do như áp lực về nguồn vốn hữu hạn, hay yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành. Đây cũng là bài toán nan giải của các công ty tầm trung hiện nay.

Doanh nghiệp vốn là những cá thể phụ thuộc quá nhiều vào biến động thị trường. Thị trường càng biến động, doanh nghiệp càng loay hoay tìm kiếm chiến lược phát triển phù hợp. Dưới đây là nguyên tắc “đèn giao thông” cho doanh nghiệp tầm trung để hạn chế tình huống xấu nhất.

“Đèn đỏ” cho những hạng mục tiêu tốn sức người và của

Để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các nhà lãnh đạo trước tiên cần rà soát lại những hạng mục vận hành của công ty để chắt lọc, ưu tiên chi trả chi phí vận hành phù hợp. Các hạng mục như xây dựng văn phòng lớn, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin nội bộ, vận hành bộ phận nhân sự chỉ để thực hiện chi trả lương… không thực sự phù hợp với mục tiêu kinh doanh hiện tại của những doanh nghiệp tầm trung.

Do đó, doanh nghiệp cần xem xét thận trọng những hạng mục quá tốn kém sức người sức của, tránh bành trướng nhanh khi chỉ vừa ổn định sau thời gian dài chiến đấu để phát triển.

“Để tiết kiệm sức người, tối ưu hóa chi phí vận hành, các nhà lãnh đạo cần định danh và ưu tiên những hạng mục bắt buộc. Họ cũng cần cởi bỏ những hạng mục quá tốn kém nhưng chưa thực sự cấp bách, cũng như cân nhắc sử dụng dịch vụ thuê ngoài cho một số hạng mục nhất định”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó tổng giám đốc Công ty Talentnet - cho biết.

 Giải thưởng Vietnam HR Awards 2020 “phát hiện” ra nhiều đối ứng, giải pháp nhân sự sáng tạo, giúp công ty vận hành hiệu quả trong tình hình cấp bách.

Giải thưởng Vietnam HR Awards 2020 “phát hiện” ra nhiều đối ứng, giải pháp nhân sự sáng tạo, giúp công ty vận hành hiệu quả trong tình hình cấp bách.

“Đèn vàng” cho các tham vọng khổng lồ

Việc đốt cháy giai đoạn hay bành trướng trong quy mô có thể mang đến kết quả xấu nhất. Sự thất bại của những doanh nghiệp triệu USD là bài học xương máu cho các doanh nghiệp tầm trung khi đặt sứ mệnh và tham vọng khổng lồ. Thay vào đó, doanh nghiệp tầm trung nên tập trung vào những mục tiêu vừa sức, phù hợp với khả năng và nguồn lực của nhân sự hiện tại.

Những mục tiêu vừa sức sẽ phù hợp với các doanh nghiệp tầm trung hơn là tham vọng trở thành “ông lớn”.

Trong giai đoạn hiện tại, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tài chính của cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ, đây là thời điểm tốt để đầu tư gia cố nội bộ nhằm thu hút, giữ chân nhân tài. Việc làm này giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực vững mạnh với mục tiêu phát triển bền vững và sẵn sàng cho đường đua dài hơi phía trước.

“Đèn xanh” cho chiến lược tối ưu hóa nguồn lực

Với các doanh nghiệp đã phát triển ổn định và muốn tiếp tục tăng trưởng, điều đầu tiên các nhà lãnh đạo cần chú ý là xây dựng chiến lược nhân sự vững mạnh, bởi con người là tài sản quý giá nhất. Đây cũng là thời điểm chín muồi bởi doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động ổn định, nhân sự vào guồng công việc chứ không còn phải dồn sức cho mục tiêu sống còn trước mắt.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, các doanh nghiệp tầm trung có thể bắt đầu xây dựng chiến lược nhân sự bằng việc tạo lập văn hóa doanh nghiệp một cách bài bản, hoặc giảm tải những việc mang tính quy trình.

Đây cũng là cách nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững đang thực hiện. Thay vì thuê hẳn một nhóm nhân viên nội bộ chuyên trách phần chi trả, tính toán lương thưởng cho nhân viên, nhiều công ty chọn sử dụng dịch vụ của đối tác thứ 3. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể suy nghĩ đến dịch vụ thuê ngoài cho khoản này, giúp nhân viên dành thời gian tập trung xây dựng chiến lược dài hơi khác, đồng thời nâng cao kỹ năng cho lực lượng nội bộ.

Bà Lê Thị Mộng Huyền - Trưởng bộ phận Nhân sự Gap International Sourcing Việt Nam - khẳng định: “Dịch vụ tính lương thuê ngoài (payroll outsourcing) giúp khối nhân sự tiết kiệm thời gian và sức lực, giảm một lượng lớn công việc hành chính, giấy tờ cũng như hạn chế sai sót dây chuyền của việc tính lương nội bộ. Việc thuê ngoài cho chi trả lương nhân viên cũng đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong quy trình tính lương, cập nhật kịp thời các xu hướng lương thưởng mới, quy định pháp lý về luật lao động. Nhờ đó, bộ phận nhân sự có thể tập trung xây dựng chiến lược cho công ty cũng như nâng cao chuyên môn”.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đoàn Lê Minh Hà - Giám đốc nhân sự Kuehne + Nagel - cho biết: “Việc thuê ngoài trong công tác tính lương giúp doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu chi phí vận hành để nuôi quân, mà còn khai thông nguồn lực nội bộ cho những mục đích khác nhau. Hơn nữa, thuê ngoài giúp nguồn lực nhân sự tập trung vào chuyên môn hơn, cũng như san sẻ rủi ro cho các đơn vị chuyên làm về nhân sự”.

Hạnh Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/den-giao-thong-cho-lo-trinh-phat-trien-cua-doanh-nghiep-post1178361.html