Đèn đường và mùa đông

Tôi công tác ở xa, sáng hơn 4 giờ đã dậy cho kịp 5 giờ lái xe lên đường. Mùa đông, 5 giờ trời vẫn tối mịt mùng, nếu vào những ngày mưa thì càng tệ.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Phụ nữ lái xe yếu, thị lực không tốt, thêm những quãng đường lầy lội hư nát do mưa nên những ngọn đèn đường thực sự là “cứu tinh” cho chuyến đi về sáng của tôi.

Vậy nhưng, trên các địa phương mà tôi phải đi qua, giờ tắt của đèn đường lại rất “hên xui”, mỗi nơi qui định một phách.

Sớm nhất chính từ nơi cái thị trấn mà tôi đang sống. Năm giờ mười lăm phút tắt đèn đường, qui định ấy áp dụng từ mùa hè cho chí mùa đông. Mùa hè năm giờ trời đã ưng ửng sáng nên thôi cũng tạm. Thế nhưng sang đông thì thật sự khốn khổ. Lúc ấy trời còn tối đen như mực, thêm con đường lầy lội, ướt sũng “nuốt” hết ánh đèn xe.

Vệt sáng đỏ đọc, lờ mờ không soi rõ những ổ gà mấp mô khiến chạy xe như rùa bò vẫn có nguy cơ… sụp lỗ! Nếu trời đổ mưa thì càng tệ. Không ít lần tôi phải dừng xe giữa đường cho qua cơn mưa rào nặng hạt xong mới dám tiếp tục đi.

Chưa hết, nếu trời không mưa thì ấy cũng là giờ của người ra đường đi làm ăn, đi thể dục sớm. Lác đác chỉ vài ba ô tô xe máy còn chủ yếu là người đi xe đạp, đi bộ.

Tham gia giao thông trên những quãng đèn đường tắt sớm, chỉ trông vào chút ánh sáng nhập nhoạng của đèn xe máy để tránh các “chướng ngại vật biết đi” kia đương nhiên là nguy hiểm thập phần.

Cẩn thận như tôi cũng đã không ít lần phải giật bắn mình, thắng gấp suýt ngã khi trước mặt đột nhiên lù lù hiện ra… vài người dàn hàng ngang đi bộ cùng chiều, hoặc một chiếc xe đạp thồ hàng ngất ngưởng!

Vài vụ tai nạn gây chấn thương, gây đổ bể hàng hóa trong những buổi sớm mùa đông trên cung đường đèn tắt sớm ấy đã xảy ra. May là tôi chưa tới lượt…

Cô bạn sống ở địa phương khác trong một lần đồng hành cùng tôi thắc mắc: “Sao chỗ bà đèn đường tắt sớm vậy? Chỗ tui sáng banh mắt dòm ra còn thấy đèn đường”... “Có lẽ họ muốn tiết kiệm điện”. “Bậy, tiết kiệm gì? Chạng vạng, rạng đông rất dễ xảy ra tai nạn. An toàn giao thông phải được ưu tiên số một. Xảy ra sự cố, số tiền tiết kiệm điện kia liệu có đủ bù không”?.

Nghe có lí, nhưng có điều tôi cũng chưa dám chắc, liệu câu chuyện “đèn đường tắt sớm” xuất phát từ cái tư duy tiết kiệm của nhà chức trách địa phương - hay đơn giản chỉ là thói quen quan liêu, cứ theo nếp cũ (mùa hè) mà làm cho dù cái nếp ấy lúc chuyển mùa sang đông đã không còn phù hợp?

Cho dù là lí do gì, đương nhiên người có nhu cầu phải ra đường sớm như tôi cũng chỉ mong những ngọn đèn đường “cứu tinh” kia mỗi tối mùa đông mở sớm tắt muộn hơn chừng mười lăm phút. Có tốn kém vật chất hơn chút nhưng cái lợi lộc tinh thần (giúp người đi đường an tâm, không phải run sợ phập phồng) hẳn cũng đủ để “bù lỗ” cho phần tốn kém. Ấy là chưa tính tới chuyện rủi ro xảy ra tai nạn, đương nhiên không thể không tính đến phần trách nhiệm của những cái đèn đường…

… Bươn hết quãng đường tối um, ngoặt một khúc cua đã thấy trước mặt đèn lung linh sáng. Cung đường ấy thuộc địa phận xã kế cận. Năm giờ rưỡi đèn đường xã ấy vẫn chưa tắt. Ánh đèn trên cao soi rõ mồn một cảnh đường sá, xe cộ và người đi kẻ lại. Thấy nhẹ mình vì biết sáng nay đã tạm yên lành vượt qua “cung đường ám ảnh”, bởi qua khỏi đây là bình minh ló rạng…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/den-duong-va-mua-dong-Mf2BrcBGR.html