Đến Điện Biên nhớ về Trường Sa

Mùa này Điện Biên thật đẹp, hoa ban đã khoe sắc trắng ngay bên ruộng bậc thang, hay giữa lưng chừng núi. Chuyến đi 'về nguồn' sáng tác lần này của Đoàn văn nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh, phần đông còn rất trẻ, nhiều người chưa được lên Tây Bắc. Sau khi đi thăm nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài chiến thắng, đồi A1, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... đoàn còn đến hồ Pá Khoang, nằm giữa một vùng thiên nhiên thật huyền ảo, nơi có khá nhiều hoa phong lan và ngay đó là những nếp nhà sàn xinh xắn.

Cây bàng vuông

Nhìn thấy khói bếp bốc lên, ai đó giục: “Thôi, ta về bản Ten ăn trưa, cũng đói bụng rồi”. Bản Ten - nơi thường xuyên đón khách du lịch khá đông, đặc biệt có các món đặc sản do chính người Thái nấu: Thịt hun khói, cá nướng, gà nướng, thịt băm gói lá nướng, cơm lam...

Sau vài ly rượu táo mèo là giao lưu văn nghệ múa xòe với bà con dân bản. Bỗng thấy ông bạn công tác tại Đài truyền hình tỉnh Điện Biên, từng cùng tôi chuyến đi công tác Trường Sa, tôi gọi: “Chào chiến sĩ Trường Sa”. Hắn chạy lại ôm chầm lấy tôi, bảo: “Sao anh lên đây không điện thoại cho em?”. Mải đi cùng đoàn, cũng định chiều tối gọi, không ngờ gặp tại đây. Tôi liền hỏi thăm: “Bé Tuyền thế nào?” -Tuyền - cô gái Thái cũng đi Trường Sa cùng, làm trong đội tuyên truyền của bộ đội biên phòng tỉnh. Cậu ta móc điện thoại gọi cho cô gái và hẹn tối cùng tôi đến thăm.

Nhà sàn gia đình cô ở khá đẹp. Vừa uống xong cốc trà, tôi hít hít vào tóc, bảo: “Hết mùi của biển mất rồi”. Cô cười: “Vẫn còn đấy anh à”, rồi dẫn tôi xuống nhà, chỉ cho xem một cây trong vườn. Ái chà, cây bàng vuông ở Trường Sa! Tôi lặng người, cứ thế, bao kỷ niệm nơi đảo xa lại hiện về.

Nhanh thật, thế mà đã hơn một năm, nhớ hôm chia tay đảo Song Tử Tây, cậu lính hải quân hớt hải chạy ra cho kịp tiễn đoàn, hai tay ôm cây bàng vuông, được chiết cành trên đảo. Cô gái biên phòng mừng lắm, nhưng nước mắt cứ trực trào. Không ai biết chính xác cây bàng vuông có mặt ở Trường Sa vào lúc nào, chỉ biết bây giờ ở đây đã có những cây cổ thụ. Tán lá dày, khá cao, lại có lá quanh năm, nên những cây bàng vuông che mát, tạo bóng râm trong mùa nắng nóng trên vùng đảo khắc nghiệt này.

Ảnh: A.T

Ảnh: A.T

Lại nhớ tối đó, cô văn công nghiệp dư ấy đã hát cho anh lính tặng cây bàng. Tôi gợi ý: “Anh muốn nghe lại bài hát đó, được không?”. Rồi cô hát bài “Nỗi lòng gửi anh” rất da diết: “Mắt anh ngôi sao nào/ Bay vào trang giáo án/ Thỏa nỗi nhớ khát khao/ Màu của nước biển xanh/ Màu của đêm trăng thanh/ Màu tình yêu chung thủy/ Biết yêu, chờ đợi anh...”.

Đêm nay hoa bàng vuông đã nở, từng cánh vươn mình bật ra màu trắng sữa, rồi chuyển sang màu tím biếc. Cô gái trẻ tên Tuyền, hằng đêm vẫn mơ lại được đi trên tàu HQ 936 ra Trường Sa, cùng ai đó ra biển, lướt trên những con sóng bạc đầu. Mới hơn một năm thôi, mà cây bàng vuông nhỏ bé ngày nào đã vươn cao, nhìn mà nhớ những người lính đảo quá đi thôi.

Biển đêm

Tôi may mắn có một thời gian được sống gần biển. Đã chứng kiến lúc biển giận hờn, thét gào, nơi bờ cát từng hàng cây bị đốn gãy, nghiêng ngả. Nhưng lần được đi Trường Sa cả chục ngày, lênh đênh trên biển, ăn trên tàu, tối lại mắc võng ngủ trên boong, quả là rất đáng nhớ. Biển đêm lúc đó thật đẹp, nước đen thẫm, sóng lăn tăn đuổi nhau mải miết. Trên trời thi thoảng lại có những đốm hoa lửa, le lói rồi lịm tắt như ai đó đang bắn lên những quả đạn pháo (hay pháo hoa) mà giấu tiệt đường đạn, mãi khi lên trời mới bung nở.

Nhớ lại khoảnh khắc chiều ngày 4/12/1990, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực nam biển Đông, cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần đã ra sức chống chọi với cơn bão. Song đêm đen ập đến, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ và cuốn trôi đem theo cả những người lính còn rất trẻ xuống biển khơi, ngay tại vùng biển này!

Đêm đã muộn, hóa ra còn có một nhà sư cũng đang đứng cạnh tôi, ngắm biển từ lúc nào không biết. Mai là tàu cập bến vào đảo, vị sư sẽ ở lại trụ trì, tôi hỏi: “Thầy ra đảo nhiều lần chưa?”. Thượng tọa nói là đã hai lần, ra để cầu siêu cho những người lính đã hy sinh. Khi được hỏi, đại loại so với đất liền, ra đảo cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, Thượng tọa giãi bày: “Tinh thần vô ngã trong đạo Phật là kim chỉ nam trong cuộc sống hàng ngày”; nghĩa là “không có cái tôi” trong đạo Phật. Biết tôi ít hiểu biết về đạo Phật, thầy giải thích: “Ngày xưa, có những hành giả đi từ núi này sang núi khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác tìm đạo. Những hành giả đó chỉ mang một đôi giày cũ, khoác chiếc áo bạc màu. Họ không bằng lòng với cuộc sống tiện nghi ở trong chùa…”. Thầy cười, rồi nét mặt lại trầm ngâm trở lại.

Biển đang tối thẫm thế, bỗng bên kia mạn tầu, đèn soi của hàng chục thuyền câu mực đồng loạt bật sáng, rực cả một góc trời. Tiếng lách cách của dụng cụ đánh bắt va trên khoang thuyền, cả tiếng lầm rầm chuyện trò của ngư dân, biển như đang thức dậy. Đột nhiên, một cảm giác mơ hồ như thấy nước biển sôi lên, lại những quả đạn pháo như muốn bứt lên khỏi mặt nước, không thấy được đường đi, bay lên trời, nở ra những chùm lửa. Phải rồi, đó là của những người lính đang nằm sâu dưới kia, muốn thắp thêm ánh sáng cho những ai đang ở biển. Những người lính nơi biển xa - họ không bao giờ chết…

Tản văn của Đỗ Quang Hân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/den-dien-bien-nho-ve-truong-sa-151951.html