Đến đền Phương Giai nhớ tiếng trống Xô viết ở Kỳ Anh

Tháng 6/1930, tại đền Phương Giai (xã Kỳ Bắc), Đảng bộ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chính thức ra đời, lãnh đạo Nhân dân tiến hành những cuộc đấu tranh với kẻ thù thực dân, phong kiến; mở đầu là phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Trong không khí tĩnh lặng ở đền Phương Giai, ông Nguyễn Tiến Chưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Kỳ Anh kể cho chúng tôi nghe chặng đường đấu tranh trong những ngày đầu mới thành lập Đảng bộ huyện.

Đền Phương Giai, nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh, nay đã được trùng tu khang trang, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Sau khi thành lập, Đảng bộ chỉ có 2 chi bộ, đến tháng 9/1930 phát triển lên 9 chi bộ với 93 đảng viên. Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng và lực lượng tự vệ của Đảng cũng được kiện toàn, tổ chức và phát triển; trong đó nổi bật là Nông hội đỏ, được tổ chức ở 27 thôn với gần 900 người.

Đây cũng là thời điểm cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh từ điểm khởi đầu của công nhân Bến Thủy đã lan rộng khắp các huyện trong tỉnh, trong đó có Kỳ Anh cũng vùng lên đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến.

Ông Vịnh cho PV xem những trang tài liệu lịch sử viết tay được lưu giữ cẩn thận.

Tại xã Kỳ Phong, ông Võ Tiến Vịnh (SN 1956), người có 25 năm làm cán bộ HTX và nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phong, hiện còn lưu giữ tài liệu lịch sử viết tay của những đảng viên thời kỳ trước để lại.

Ông kể, theo lịch sử Đảng bộ xã, Chi bộ Tuần Tượng đã lãnh đạo, tổ chức quần chúng Nhân dân Kỳ Phong đấu tranh bằng nhiều hình thức. Đặc biệt ngày 9/9/1930, Chi bộ đã tổ chức quần chúng tập trung về Cồn Riềng (Yên Hạ) cùng xứ Voi tham gia cuộc biểu tình lớn nhất của Nhân dân huyện Kỳ Anh trong thời kỳ 1930-1931.

Đến cuối năm nay, xã Kỳ Phong phấn đấu đạt chuẩn xã NTM.

Lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Anh ghi lại: Vào tháng 9/1930, Huyện ủy chủ trương tổ chức cuộc tổng biểu tình thị uy, đưa yêu sách cho tri huyện. Các chi bộ, đảng viên tỏa ra vận động quần chúng nhân dân các tổng; đêm 6 và 7/9, tự vệ luyện tập để bảo vệ biểu tình. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình, Huyện ủy viên được phân công là tổng chỉ huy cuộc biểu tình.

Sáng ngày 9/9/1930, quần chúng Nhân dân ở các xã trong huyện trống mỏ rộn vang, cờ búa liềm phấp phới tập trung ở Cụp nước mắm (Kỳ Thọ) theo đường quốc lộ tiến thẳng về huyện lỵ. Đoàn người cứ thế đông dần, lên đến 5 ngàn người, xếp hàng, nắm tay nhau dài hàng cây số, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn đế quốc - phong kiến”.

Ông Nguyễn Tiến Chưởng chia sẻ về những trang lịch sử oanh liệt của Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Anh trong những ngày đấu tranh cách mạng.

Ở ngã ba đường rẽ vào huyện, thông lại Trần Đình Xí và hai lính lệ đứng ngăn đoàn biểu tình nhưng đã bị bắt trói giải về huyện. Khi đoàn biểu tình vào đến nơi, huyện đường vắng tanh vì tri huyện và nha, lại chạy hết. Người dân đốt cháy huyện đường, mở cửa trại giam giải phóng tù nhân. Trong chút chốc, chính quyền cấp huyện của thực dân, phong kiến tay sai ở Kỳ Anh sụp đổ dưới sức mạnh của quần chúng.

“Cuộc biểu tình khổng lồ ngày 9/9 là đỉnh cao trong phong trào 1930-1931 ở Kỳ Anh. Mặc dù sau cuộc biểu tình, phong trào cách mạng ở Kỳ Anh bị thực dân, phong kiến khủng bố, đàn áp nhưng tinh thần yêu nước, đấu tranh của Nhân dân đã được nhen nhóm, như bếp than hồng âm ỉ chờ ngày thổi bùng thành ngọn lửa lớn” - ông Chưởng nhấn mạnh.

Thôn Hồ Hải (làng Yên Hạ trước đây), nơi sinh ra và lớn lên của liệt sỹ Lê Quế

Trở lại xứ Voi, địa chỉ đỏ trong những ngày gây dựng, phát triển tổ chức Đảng ở Kỳ Anh, chúng tôi được biết, chợ Voi, với các hoạt động giao thương sôi động hiện nay, chính là điểm hoạt động bí mật thuận lợi của các chiến sỹ cách mạng.

Đồng chí Bùi Thị ở Cẩm Xuyên lấy vợ về Kỳ Bắc làm thợ may ở gần chợ là người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kỳ Anh. Được tổ chức phân công, đồng chí Bùi Thị đã bồi dưỡng và kết nạp thêm các đồng chí Nguyễn Tiến Liên (quê ở Kỳ Bắc, sống tại xã Kỳ Phong) và Nguyễn Trọng Bình (Kỳ Tiến), sau này các đồng chí đều là những đảng viên - chiến sỹ cách mạng ưu tú của Đảng.

Những người cao tuổi, am hiểu về chặng đường lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Anh kể, trong cuộc biểu tình thị uy lớn nhất của Kỳ Anh, hưởng ứng cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, có 2 liệt sỹ đều là người xã Kỳ Tiến. Đó là Huyện ủy viên, Tổng chỉ huy cuộc biểu tình Nguyễn Trọng Bình và đồng chí Lê Quế, Tự vệ trưởng.

Đồng chí Lê Quế bị bắn khi cùng đoàn biểu tình ở Tổng Cấp Dẫn - Yên Hạ (Kỳ Tiến) trên đường về Voi, xảy ra đụng độ khi gặp ô tô của Phó sứ và giám binh Hà Tĩnh. Còn đồng chí Nguyễn Trọng Bình bị bắt sau cuộc biểu tình không lâu và bị thực dân Pháp đem ra chém ngày 2/1/1930.

Xã nông thôn mới Kỳ Tiến hôm nay .

Trên quê hương của 2 liệt sỹ, nay đang náo nức phong trào xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến Lê Hoài Nam cho biết: “Đảng bộ và Nhân dân xã đang tập trung hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm nay và phấn đấu đến năm 2024 sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.

“Nối tiếp mạch nguồn truyền thống cách mạng, thế hệ hôm nay luôn đoàn kết, nỗ lực cao nhất, phấn đấu xây dựng quê hương khang trang, tươi đẹp, xứng đáng với công lao và xương máu của các thệ tiền bối cách mạng cho cuộc sống thanh bình hôm nay” - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến chia sẻ.

Vũ Huyền

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xay-dung-dang/den-den-phuong-giai-nho-tieng-trong-xo-viet-o-ky-anh/198279.htm