Đền Đế Thích: Nghe chuyện Trương Ba, xem cá 'cõng hồn'

Nhiều người nghĩ rằng, câu chuyện dân gian 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' là hoàn toàn hư cấu.

Chuông và khánh đồng cổ ở đền Đế Thích.

Chuông và khánh đồng cổ ở đền Đế Thích.

Nhưng không ngờ, Trương Ba là nguyên mẫu có thật. Chính vợ chồng ông đã dựng am thờ Đế Thích để rồi có ngôi đền là di tích như hiện nay.

Ba dòng họ Trương

Sự tích này là nguồn cảm hứng để Lưu Quang Vũ dựng thành vở kịch nổi tiếng cùng tên. Tuy nhiên, ông đã viết thêm cái kết cho vở kịch của mình với một bi kịch mang thông điệp: “Mọi thứ nên tuân theo quy luật của tự nhiên, mọi sự kháng cự với quy luật đều trở nên kệch cỡm”.

Sự nổi tiếng cùng với những huyễn hoặc tâm linh của câu chuyện “mượn xác hàng thịt” đã khiến nhiều người nhầm tưởng rằng, Trương Ba là nhân vật tưởng tượng, không có thật trong kho tàng truyện cổ Việt Nam. Nhưng có về đền Đế Thích, người ta mới biết tường tận hơn về một con người có tài đánh cờ ở làng cổ Liêu Hạ.

Làng Liêu Hạ thuộc xã Tân Lập (Yên Mỹ - Hưng Yên) là nơi phát tích của câu chuyện này, cũng là nơi ở của vợ chồng Trương Ba. Có lẽ, những dấu vết còn lại và những sắc phong vua ban thời Lý đã chứng minh về chuyện ly kỳ ấy.

Làng Liêu Hạ ngày nay đã đông đúc dân cư, kiến trúc cũng đang dần đô thị hóa nhưng cách bố trí trục đường hình bàn cờ từ xửa xưa vẫn không thay đổi. Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Chính (là người địa phương) thì đến nay, hậu duệ của Trương Ba ở làng Liêu Hạ vẫn còn nhưng khá rắc rối để xác định.

Ông Trương Đăng Khai, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập nói rằng, có đến 3 dòng họ Trương ở Liêu Hạ. Vì quá lâu đời lại không có gia phả rõ ràng chép lại các chi, các ngành nên không xác định được dòng họ Trương nào là hậu duệ Trương Ba.

Bởi vậy, ở nơi mà Trương Ba đã sinh sống, tất cả những dòng họ Trương đều có quyền nhận mình là hậu duệ Trương Ba. Ngôi đền Đế Thích vừa là chốn tâm linh được công nhận là di tích lịch sử, lại vừa là từ đường chung của dòng họ Trương ở Liêu Hạ.

Theo thống kê của ban chấp hành Trương tộc, có khoảng 25 tộc họ Trương sinh sống ở 9 huyện và TP Hưng Yên. Nhưng có lẽ đông đảo nhất được quy tụ tại huyện Văn Lâm. Tại đây có lăng đá mà Thái phi Trương Thị Ngọc Chử, vợ của Tấn Quang Vương Trịnh Bính, mẹ của chúa Trịnh Cương xây dựng để tỏ lòng hiếu thảo với dòng tộc.

Họ Trương còn là dòng họ nhân đức nổi tiếng trong vùng, ăn ở hiền hòa, cứu giúp người nghèo khổ, làm đường, làm cầu, làm đền chùa… đều góp công góp sức. Theo gia phả họ Trương và các tài liệu liên quan thì từ nhiều đời trước dòng họ Trương đất Như Kinh nổi tiếng có tài ca hát, văn chương, đặc biệt nhờ tài năng vượt trội mà họ thường được lưu diễn trong phủ chúa, cung vua.

Ghi danh này, vua Lê Cảnh Hưng có làm đôi câu đối truy tặng như sau: “Năm mươi năm, may áo diễn tuồng xưa, rực rỡ sân son truyền nghiệp đẹp/Ức vạn thuở, tóc da ơn thấm đẫm, rành rành bút đỏ chép công to”.

Ngày là hàng thịt, tối là Trương Ba

Nhà nghiên cứu Trần Quốc Chính khẳng định Trương Ba là nhân vật có thật.

Theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Chính, Trương Ba là người đánh cờ giỏi nổi tiếng trong vùng, ông có tính cách hiền hòa, ăn nói cư xử nhẹ nhàng với mọi người, nhưng hiềm nỗi vợ chồng họ lại không có con. Ngược lại, gia đình người bán thịt lại hay bất hòa. Hàng thịt có với vợ một người con gái, vì không thỏa mãn điều đó nên ông thường xuyên đánh vợ mình.

Một hôm, Đế Thích thấy Trương Ba đánh cờ quá hay nên đã hạ giới để chơi cùng và tặng 3 nén nhang để khi nào muốn chơi cờ với ông thì cứ đốt nén nhang đó. Không lâu sau, Trương Ba chết và cô vợ vô tình thắp nén nhang mà Đế Thích tặng Trương Ba.

Đế Thích thấy “tín hiệu” thì lập tức hạ giới. Biết chuyện, vì thương bạn mất sớm và muốn vợ Trương Ba bớt buồn rầu nên ông hứa sẽ làm Trương Ba sống lại. Lúc ấy, ông hàng thịt cũng qua đời mà Đế Thích không tìm được xác Trương Ba nên cho hồn người bạn nhập vào xác anh hàng thịt.

Trương Ba phục sinh trong thân xác anh hàng thịt thì mới ngỡ ngàng chạy về với vợ. Vợ ông thay vì vui mừng lại bất ngờ, sợ hãi vì lúc này bà không nghĩ đó là chồng mình. Sau khi nghe Trương Ba kể lại thì bà mới tin. Còn vợ anh hàng thịt thì oan ức, ghen tuông cứ nằng nặc đó là chồng mình rồi cả hai bà vợ cùng nhau kiện lên quan trên.

Quan hỏi người bán thịt nhận ai là vợ, anh ta chỉ vào vợ Trương Ba. Quan hỏi cách làm thịt lợn như thế nào, anh ta nói không biết. Lại hỏi đến cách đánh cờ, anh ta trả lời rất thạo. Viên quan lấy làm khó xử vì hồn của người này mà xác của người kia, mới gọi vợ Trương Ba hỏi nhỏ xem trong khi chồng còn sống có làm điều gì đặc biệt không.

Vợ Trương Ba thật tình kể lại việc Đế Thích xuống đánh cờ và cho 3 nén nhang thần. Viên quan cho đòi riêng người bán thịt đến hỏi có biết Đế Thích không, anh ta trả lời như vợ Trương Ba nói. Vì thế quan xử rằng: “Ban ngày sẽ trở thành anh hàng thịt, tối sẽ trở thành Trương Ba”.

Giai thoại kỳ lạ đó sau này được nhà nghiên cứu Trần Quốc Chính biên soạn lại thành một cuốn sách có tên: “Dấu ấn làng Đình Sơn”. Câu chuyện này gắn liền với di tích lịch sử đền Thiên Đế hiện nay. Cũng vì câu chuyện quá ly kỳ, đầy màu sắc huyễn hoặc nên nhiều người cho rằng có sự bịa đặt. Tuy nhiên, người địa phương lại tin câu chuyện đó có thật, mà những dấu tích còn lại đã chứng minh điều đó.

Dấu tích Trương Ba có thật

Với người Liêu Hạ, cá đá là bảo vật truyền đời.

Một trong những dấu tích chứng minh “hồn Trương Ba, da hàng thịt” chính là di tích lịch sử đền Đế Thích. Sau khi được nhập hồn vào xác anh hàng thịt, vợ chồng Trương Ba cảm kích trước ơn huệ của Đế Thích thì mới lập một cái am nhỏ ở phần đất thổ cư của mình để ngày đêm hương nến.

Chưa hết, ngoài ngôi đền thiêng thờ Đế Thích thì còn một con cá bằng đá mà tương truyền là kình ngư để hồn Trương Ba cưỡi về nhập vào xác anh hàng thịt. Đồng thời, cá đá còn theo dòng sông Cốc đội một chiếc khánh đá vào trong am Đế Thích. Sau đó, cá xuôi dòng và dừng lại trong giếng cổ Nho Lâm.

Vào thời nhà Lý dưới triều vua Lý Thánh Tông đất nước thái bình thịnh trị, biết đến câu chuyện lạ cá đá đội khánh đá ở Liêu Hạ, thái tử Quốc công và hai Lý công chúa đã về đây xây dựng ngôi đền. Đền cứ mỗi lần bị hỏng lại được xây dựng, tôn tạo nhưng đến năm 1954 thì chỉ còn lại phế tích trong khu đất hoang của gia đình Trương Ba.

Người ta đành xây lại ngôi đền Đế Thích ở một khu đất khác. Ông Nguyễn Khắc Mạnh, Trưởng ban quản lý đền dẫn chúng tôi ra giếng cổ Nho Lâm để tận mắt thấy con cá đá trong huyền thoại. Giếng cổ có hình dáng như một quả bàng, nước rất trong và mát.

Ông Mạnh khẳng định: “Giếng không bao giờ cạn nước dù đem máy ra bơm suốt ngày đêm. Giếng tuy không sâu nhưng có mạch nước phun lên rất mạnh. Giếng từng là nơi cung cấp nước cho cả làng cả xã, vì thế giếng cổ còn là bảo vật thiêng của cả làng”.

Theo quan sát của chúng tôi, một tảng đá xanh rêu phong nằm dưới đáy giếng. Tảng đá dài khoảng 1,5m có hình dáng như một con cá. Ông Mạnh bảo rằng, con cá đá và rất nhiều cổ vật khác trong đền Đế Thích là những bằng chứng cho câu chuyện có thật về nhân vật Trương Ba.

Theo thống kê của ông Mạnh, cổ vật quý ở đền Đế Thích khá đa dạng. Từ những pho tượng Đế Thích cưỡi trâu, cưỡi cá, cưỡi rùa đến những khám thờ, sắc phong vua ban và chuông đồng, khánh cổ. Riêng chiếc khánh đá cổ, vì không thể bảo quản được nên bị vỡ vụn. Đó cũng là điều đáng tiếc ở ngôi đền này.

Biết được ngôi đền có nhiều cổ vật quý nên không ít lần bị kẻ gian nhòm ngó. Năm 2012, kẻ gian đã đột nhập đền Đế Thích và lấy đi nhiều cổ vật quý hiếm. Trong số đó có 6 lọ lục bình, 1 cây đèn Chu Đậu, và một chậu sành cổ. Trước đó, kẻ gian đã vào đền lấy đi bức tượng Đế Thích có 8 tay đang cưỡi trâu. Tuy nhiên, vài ngày sau bức tượng lại xuất hiện ở nguyên vị trí cũ.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quốc Chính xuất bản cuốn sách “Dấu ấn làng Đình Sơn”, mô tả câu chuyện cùng những dẫn chứng thuyết phục chứng minh nhân vật Trương Ba là có thật. Tuy nhiên, riêng phần mộ của Trương Ba hiện ở đâu thì ông Chính cũng như dòng họ Trương ở Liêu Hạ vẫn chưa tìm thấy.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/den-de-thich-nghe-chuyen-truong-ba-xem-ca-cong-hon-2GtxAvrMg.html