Đến cuối năm 2020 sẽ không còn tình trạng quá tải công suất nhà máy điện mặt trời

Từ nay đến cuối năm 2020, tất cả các nhà máy điện mặt trời tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất và không còn tình trạng quá tải.

Các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận hiện đang có tổng công suất gần 3.000 MW

Đây là thông tin được ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra ngày 22/7.

“Từ nay đến cuối năm 2020, cùng với các trạm biến áp do EVN đầu tư, phối hợp với TBA 500 kV Trung Nam, tất cả các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ được giải tỏa công suất và không còn tình trạng quá tải”, ông Dương Quang Thành nhấn mạnh.

Trước tình trạng hệ thống truyền tải điện quá tải sau khi các nhà máy điện mặt trời tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển đột biến với công suất lớn, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành các trạm biến áp 500 kV, 220 kV và hiện nay cơ bản giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Liên quan đến vấn đề giải tỏa công suất tại Ninh Thuận - một trong các địa phương có sự phát triển đột biến về năng lượng tái tạo, mới đây Chính phủ đã tạo cơ chế đặc biệt cho phép Tập đoàn Trung Nam đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500 kV Trung Nam - Thuận Nam và đường dây 220 kV, 500 kV.

Dự án này thực hiện trong vòng 6 - 8 tháng và dự kiến sẽ hoàn thành, kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.

Giải tỏa công suất cần sự "góp sức" của cả tư nhân

Ông Trương Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, việc cho phép các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được tham gia vào phát triển các dự án năng lượng đặt ra vấn đề về việc đồng bộ giữa xây dựng nguồn điện và truyền tải để đưa điện năng đi tiêu thụ.

"Bởi điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu thụ phải tiến hành đồng thời, chứ nếu sản xuất ra mà không đưa đi tiêu thụ được thì cũng không mang lại hiệu quả", ông Phương cho biết.

Do đó, Chính phủ đang nghiên cứu chính sách cho phép các nhà đầu tư ngoài khu vực Nhà nước tham gia nhiều hơn vào hệ thống truyền tải điện nhưng không được trái luật. Điều này cho phép khu vực tư nhân được phép tham gia vào các dự án xây dựng đường dây, trạm biến áp nhằm mang sản lượng điện của dự án mình đến đấu nối vào đường trục. Đây là thực tiễn đã được đặt ra mà tỉnh Ninh Thuận là một ví dụ điển hình, ông Phương cho biết.

Lý giải về thông tin các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện nhanh hơn khá nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước mà cụ thể là EVN, ông Phương lý giải, doanh nghiệp Nhà nước hiện chịu toàn bộ chế tài của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, những chế tài này khiến quy trình thủ tục của dự án mất rất nhiều thời gian.

"Doanh nghiệp tư nhân hiện không cần chịu các chế tài này nên họ có thể thực hiện dự án nhanh hơn cả năm trời so với doanh nghiệp Nhà nước", ông Phương nói.

Vì vậy, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, để giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời, song song với việc giảm thiểu những phiền phức, bất cập trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thì cần mở ra cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án truyền tải điện quốc gia để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc gia và vẫn đảm bảo sự phát triển năng lượng cho nền kinh tế.

Còn theo Chủ tịch HĐTV EVN, trong Chiến lược phát triển, EVN cũng đưa ra lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh số hóa và phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chuyển đổi thành doanh nghiệp số.

“EVN phấn đấu đạt 100% trạm biến áp 110 kV được điều khiển xa và không người trực sau năm 2020; đối với trạm 220 kV là sau năm 2025”, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết.

EVN cũng đang nghiên cứu xây dựng các hệ thống nhằm bù đắp sự thiếu hụt của nguồn NLTT vào những thời điểm không phát điện. Cụ thể, Tập đoàn đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thủy điện tích năng ở Ninh Thuận - ngay khu vực phát triển điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, phối hợp với tư vấn của Mỹ nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống tích điện trên toàn hệ thống lưới điện quốc gia, nhằm bảo đảm tích trữ các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//kinh-te-dau-tu/den-cuoi-nam-2020-se-khong-con-tinh-trang-qua-tai-cong-suat-nha-may-dien-mat-troi-3548962.html