Đến cùng người nghèo

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Với truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tất cả đều có chung một tấm lòng với người nghèo, tích cực chăm lo cho người nghèo để có điều kiện thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Tiếp PV Tinh hoa Việt, bà Đỗ Thị Ngọc Hân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc - khẳng định: tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, đến hết năm 2019, dự kiến còn khoảng 1,46% hộ nghèo.

Bà Đỗ Thị Ngọc Hân (thứ 2 từ phải qua) trao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.

Bà Đỗ Thị Ngọc Hân (thứ 2 từ phải qua) trao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.

PV: Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai những hoạt động cụ thể nào trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019, thưa bà?

Bà Đỗ Thị Ngọc Hân: Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 10/KH-BVĐ, ngày 26/9/2019 đến hơn 200 đơn vị hành chính, sự nghiệp và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để triển khai tổ chức vận động, ủng hộ, đồng thời tổ chức phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019.

Ngay tại lễ phát động, các đại biểu đã trực tiếp hỗ trợ gần 150 triệu đồng và trên 3 tỷ đồng ủng hộ vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh. Bên cạnh đó, UB MTTQ Vĩnh Phúc đã hướng dẫn, chỉ đạo Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, phối hợp tổ chức vận động bằng các hình thức phù hợp với tình hình địa phương, triển khai rà soát các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, đặc biệt là các hộ khó khăn về nhà ở, đồng thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ hộ nghèo nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức tốt việc vận động và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trùng lặp tạo hiệu quả thiết thực hỗ trợ người nghèo.

Xin bà cho biết kết quả nổi bật trong công tác chăm lo, hỗ trợ người nghèo của tỉnh; đặc biệt là công tác hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh đến nay?

- Chương trình "Xóa đói, giảm nghèo" đảm bảo an sinh xã hội là một trong những chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc của cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, tỉnh chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với hàng nghìn tỷ đồng được huy động từ các nguồn lực khác nhau để chăm lo cho người nghèo. Từ nguồn huy động được, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ về giống vốn, tư liệu sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo đi học, hỗ trợ khám, chữa bệnh, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó nổi bật nhất là công tác hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là tỉnh nghèo, còn rất nhiều hộ khó khăn về nhà ở, thậm chí còn nhiều nhà tranh tre, nứa lá. Nhưng đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã xóa hoàn toàn nhà tranh tre, nứa lá, hỗ trợ xây dựng gần 20.000 ngôi nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Theo số liệu khảo sát, thống kê của MTTQ các cấp, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn gần 500 hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, phấn đấu đến 2020, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không còn hộ nghèo.

Trong quá trình tổ chức, vận động Quỹ “Vì người nghèo”, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn, hạn chế gì, thưa bà?

- Kết quả công tác vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Về việc huy động nguồn lực giúp đỡ người nghèo, một số nơi chưa huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo cần là việc làm thường xuyên, liên tục, tuy nhiên đa số các đơn vị vẫn chỉ tập trung vào Tháng cao điểm “Vì người nghèo” dẫn đến hiệu quả vận động, xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp chưa cao. Việc tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo còn lúng túng, nhất là về hình thức, phương pháp hỗ trợ về giống vốn, tư liệu sản xuất còn hạn chế, vẫn nặng về hỗ trợ khó khăn đột xuất và xây dựng nhà Đại đoàn kết. Hiện nay, nhiều chương trình vận động, ủng hộ còn chồng chéo trong đối tượng vận động, đối tượng hỗ trợ dẫn đến hiệu quả công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” bị hạn chế.

Để rà soát hộ nghèo đảm bảo chính xác, đúng đối tượng và không để hộ nghèo nào không được quan tâm, hỗ trợ, MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện việc đó như thế nào, thưa bà?

- Với phương châm “Không để hộ nghèo, hộ chính sách nào không có ít nhất một tổ chức hỗ trợ”, không để hộ nào rơi vào hoàn cảnh cùng cực mà không được MTTQ và các đoàn thể phát hiện, giúp đỡ, trong thời gian qua, MTTQ tỉnh đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ cơ sở, đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, rà soát những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn theo định kỳ để xây dựng các phương án hỗ trợ, giúp đỡ, đồng thời tăng cường các hoạt động phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, MTTQ các cấp tiếp tục đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ hộ nghèo về giống vốn, phát triển kinh tế, khuyến học, khám chữa bệnh, học nghề… qua đó giúp các hộ nghèo có tiền đề để thoát nghèo bền vững.

Xin bà cho biết, một số giải pháp chính để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác an sinh xã hội, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của Vĩnh Phúc trong thời gian tới?

- Trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UB MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, nhất là vận động các doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời, phải tuyên truyền, vận động người nghèo nâng cao ý thức, ý chí phấn đấu để người dân thực sự thoát nghèo; MTTQ các cấp tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực giúp đỡ người nghèo. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp làm nòng cốt trong việc rà soát các hộ nghèo đang gặp khó khăn để có kế hoạch, phương án hỗ trợ phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh để nguồn hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất; đẩy mạnh sự phối hợp giữa MTTQ các cấp với nhau, MTTQ với các đoàn thể, MTTQ với các tổ chức, đơn vị tài trợ và các cấp, các ngành nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tránh chồng chéo, tăng hiệu quả huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo. Hiện nay trên địa bàn Vĩnh Phúc vẫn còn gần 500 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, vì vậy từ nay đến năm 2020, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp sẽ tổ chức huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 100% hộ nghèo.

Trân trọng cám ơn bà!

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/den-cung-nguoi-ngheo-tintuc452480