Đến Côn Đảo để trải nghiệm và lắng lòng

Sau bao nhiêu lần lỡ hẹn, tôi mới đến được Côn Đảo - một hòn đảo nhỏ xinh, yên bình, không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp nằm giữa biển khơi.

Nhiều người nói, đến Côn Đảo thường có cảm giác nặng nề, lạnh lẽo nhưng tôi lại không thấy thế. Côn Đảo đón tôi bằng một cơn mưa bóng mây đến và đi đều rất nhanh. Sau đó là chan hòa ánh nắng...

Vẻ đẹp yên bình, nên thơ của Côn Đảo.

Vẻ đẹp yên bình, nên thơ của Côn Đảo.

Có thể đi máy bay từ Cần Thơ hoặc TP.HCM ra Côn Đảo nhưng tôi chọn cách ngồi tàu cao tốc từ bến Trần Đề (Sóc Trăng) trong gần 3 giờ để đến với hòn đảo này.

Ở Côn Đảo có rất nhiều chỗ để tham quan. Và địa điểm nào cũng để lại cho tôi những ấn tượng, những cảm xúc mạnh hơn bất cứ nơi nào tôi từng đến.

Chỉ với một chiếc xe máy thuê của khách sạn với giá rất hợp lý, chúng tôi đã khám phá ngang dọc hòn đảo xinh đẹp này. Đi xe máy là cách di chuyển thuận lợi nhất bởi các con đường trên đảo đều rợp bóng cây và thưa vắng người qua lại.

Ngay sáng đầu tiên đặt chân lên đảo, tôi và mọi người trong đoàn đã đến thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, được xem là “địa ngục trần gian” thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ.

Thời Pháp thuộc, nơi đây đã giam giữ những chiến sĩ hoạt động cách mạng chống lại chính phủ thuộc địa, sau đó lại được Mỹ sử dụng để giam cầm tù binh trong cuộc chiến chống Mỹ.

Hệ thống nhà tù - nơi từng được mệnh danh là "địa ngục trần gian".

Trại Phú Hải là trại giam lớn và cổ nhất trong hệ thống nhà tù Côn Đảo, được thực dân Pháp xây dựng năm 1862 và sửa lại năm 1896. Khu trại thiết kế có 33 phòng giam, trong đó có 10 phòng giam tập thể, 20 xà lim hay còn gọi là hầm đá, 1 hầm xay lúa, 1 khu đập đá cho tù nhân lao động khổ sai và 1 phòng giam đặc biệt chuyên dùng để tra tấn tù nhân bằng những cách hết sức tàn bạo.

Tiếp đến là Trại Phú Tường (chuồng cọp kiểu Pháp), gồm hai khu, mỗi khu 2 dãy, mỗi dãy 20 chuồng. Ngoài ra, còn có 60 phòng không có mái che được gọi là “phòng tắm nắng”.

Còn Trại Phú Bình (chuồng cọp kiểu Mỹ) được Mỹ Ngụy xây dựng thêm năm 1971 cũng không nằm ngoài mục đích giam giữ và tra tấn tù nhân.

Du khách tham quan nhà tù Côn Đảo.

Phải tận mắt chứng kiến những gì còn lại ở các nhà tù này (dù chỉ là những bức tượng mô phỏng) mới hiểu được vì sao nơi đây được gọi là “địa ngục trần gian”.

Sau khi đi tham quan các trại giam, chúng tôi vòng ra cầu tàu lịch sử 914, được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cầu tàu 914 được khởi công xây dựng vào năm 1873, từ khi khởi công cho đến lúc hoàn thành, đã có 914 người ngã xuống tại đây (con số này chỉ mang tính ước lệ).

Buổi chiều, chúng tôi đi lễ chùa Núi Một (Vân Sơn Tự). Từ sân chùa, phóng tầm mắt nhìn xuống có thể thấy toàn cảnh thị trấn Côn Đảo và vịnh Côn Sơn với nước biển trong xanh thăm thẳm, thấy hồ An Hải với bát ngát sen thơm. Đứng ở đây, bỗng thấy tâm hồn thật thư thái, tự tại, những bon chen đời thường như bay biến hết, chỉ thấy lòng nhẹ, tâm an.

Từ Vân Sơn Tự đi xuống, chúng tôi vào lễ An Sơn Miếu, nơi thờ bà Phi Yến, vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh, người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước nhưng lại có một cuộc đời đầy bi thương.

Một địa điểm nữa không thể không đến khi ra Côn Đảo là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi an nghỉ của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng và người yêu nước từ năm 1862 đến năm 1975. Nơi đây hiện có hơn 2.000 mộ liệt sĩ, trong đó có mộ của các nhà yêu nước nổi tiếng như Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong…

12h đêm tại nghĩa trang Hàng Dương, sương khói mơ hồ, những đốm nhang trên mộ liệt sĩ lập lòe như đom đóm, mùi hương trầm thoang thoảng... Khi tôi bước chân vào đây là thấy ngập tràn cảm giác linh thiêng nhưng lại rất ấm áp.

Giữa đêm, cả khuôn viên nghĩa trang lung linh đèn nến. Từng đoàn người ôm hoa, bưng lễ tiến vào đài tưởng niệm dâng hương, chầm chậm, nhẹ nhàng đi giữa các hàng mộ, thắp những nén nhang thơm lên từng ngôi mộ liệt sĩ...

Hệ thống loa phát với âm thanh vừa đủ nghe những câu hát “mùa hoa lê ki ma nở...”, những người đứng trước mộ chị Võ Thị Sáu cũng vừa chắp tay vừa khe khẽ hát bài hát này. Khói hương và sương đêm trộn lẫn vào nhau mờ ảo... Giữa không gian ấy, có cảm giác như quá khứ và hiện tại, thực và hư, âm và dương, ngày và đêm đã hòa lẫn vào nhau, không còn phân biệt nữa...

Tôi để ý thấy hoa ở Côn Đảo có màu sắc rất rực rỡ. Nhất là hoa giấy. Chưa thấy ở đâu hoa giấy có màu rực rỡ đến thế! Bạn có thể bắt gặp hoa giấy ở bất cứ đâu trên đảo: Lúc được cắt tỉa gọn gàng thành từng giàn trang trí cho những con đường, lúc khoe sắc bên hiên nhà, lúc lại đỏ rực hoang dã nổi bật ngay ven rừng...

Ngoài những di tích lịch sử, khi đến Côn Đảo không thể bỏ qua các bãi biển cát trắng tinh, thơ mộng, bình yên. Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, chúng tôi đi xe máy trên con đường rất đẹp xuyên qua rừng đến bãi Đầm Trầu, bãi biển được cho là đẹp nhất Côn Đảo.

Hồ An Hải bát ngát sen thơm.

Chúng tôi mải mê vừa tắm biển vừa ngắm hoàng hôn mà trời tối lúc nào không biết nên khi quay về được trải nghiệm một cảm giác rất “đau tim”. Đoạn đường rừng lúc trước chúng tôi đi khi trời còn sáng đẹp là thế thì bây giờ trở nên vắng ngắt, tối đen vì không có đèn đường, cũng không một bóng người qua lại. Vài lần chúng tôi giật thót thấy nhập nhòe từ ánh đèn xe máy cái bóng “người”. Đi đến sát mới phát hiện ra đó là những chú khỉ.

Đến Côn Đảo, nếu để khám phá được hết những địa điểm ở đây có thể bạn sẽ phải mất hàng tháng vì có quá nhiều cảnh đẹp, quá nhiều nơi thú vị để trải nghiệm.

Hoàng hôn buông ở bãi Đầm Trầu.

Tuy nhiên hiện nay, Côn Đảo đã bắt đầu phải đối mặt với vấn đề môi trường vì rác thải ngày một nhiều và việc thu gom, xử lý chưa thực sự hiệu quả.

Vì thế nếu đến Côn Đảo, bạn hãy nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, để giữ cho Côn Đảo mãi là “thiên đường du lịch”, là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. /.

Ngọc Hân/VTC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/den-con-dao-de-trai-nghiem-va-lang-long-1072522.vov