Đền Cẩu Nhi di tích độc đáo giữa Hà thành

Nằm trầm mặc giữa hồ Trúc Bạch trên đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), với cây cối bao phủ, ít ai biết rằng, nơi đây chính là Đền Thủy Trung Tiên (dân gian gọi là Cẩu Nhi) với những nét độc đáo, huyền bí không phải ngôi đền nào cũng có.

Đền Thủy Trung Tiên Từ (dân gian còn gọi là Cẩu Nhi) nhìn từ xa

Những câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết

Ai đã từng đi qua hồ Trúc Bạch chắc hẳn không khỏi một lần thắc mắc về sự tồn tại của một ngôi đền nhỏ với cây cối um tùm bao năm u tịch, hoang vắng. Khung cảnh ấy như khắc họa cho ngôi đền nhỏ một màu sắc huyền bí. Nhưng đi sâu tìm hiểu mới thấy, ngôi đền này từ xa xưa nó đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt.

Bia đá xưa nay còn tồn tại trong phương đình của đền có chép: Di tích Cẩu Nhi có bắt nguồn từ một truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian đến sự kiện vua Lý Thái Tổ lên làm Vua và dời đô về thành Thăng Long. Các sử liệu của nước Nam ghi rõ về sự xuất hiện của ngôi đền và lý giải tại sao lại có tên là Cẩu Nhi. Nguyên là trong Đại Việt sử ký toàn thư, quyển II, kỷ Nhà Lý, có đoạn chép rằng: “Trước ở viện Cam Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ Thiên Tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Đến nay, Vua sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm” (Vua Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (934) dời đô về Thăng Long năm Canh Tuất 1010).

Sách “Tây Hồ chí” do Dương Bá Cung (1794 - 1868) có viết về đền Cẩu Nhi. Dương Bá Cung người làng Nhị Khê, đỗ cử nhân năm 1821, làm Đốc học, có công sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi. Năm 2000, Bùi Hạnh Cẩn dịch “Tây Hồ chí” và in trong tập “Thăng Long thi văn tuyển” (NXB VH-TT). Trong mục “Núi sông”, có ghi:

"Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có Miếu Chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn” và Núi Khán: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý. Trước khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, ở chùa Thiện Tâm trên núi Ba Tiêu - châu Bắc Giang có một con chó trắng mang thai vượt sông trên núi Khán sinh một con. Người người lấy làm lạ. Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi đều hóa. Vua nghe chuyện, bảo đó là Phúc Thần, bèn cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi ở dưới hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên".

Tài liệu thần tích trong Ngọc phả cổ lục cũng chép về sự xuất hiện của tục thờ “Thần Khuyển” khi cho rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất... Được biết, nơi đây, đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu.

Sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” (NXB HN-1995) khi giới thiệu về vùng Hồ Tây, cụ Nguyễn Văn Uẩn viết: “Lên đến gần đường đê Yên Phụ, ta thấy còn mấy di tích lịch sử nữa: Ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, đền này có từ thời Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng Thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (bà tiên dưới nước).

Bãi bể hóa nương dâu, thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ khiến những câu chuyện được chép trong sử liệu cũng mang màu sắc dân gian tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo nhưng vẫn sống động và được lan truyền trong đời sống tâm linh của biết bao người.

Đền Cẩu Nhi xưa

Thăng trầm của một di tích

Có lẽ, sẽ không có một di tích nào trên dải đất hình chữ S này lại có một ngôi đền mà tên gọi của nó khiến cả giới sử học đương thời phải tranh luận suốt một thời gian mà vẫn chưa có thống nhất.

Nguyên nhân bởi di tích này có tên gọi là Thủy Trung Tiên Từ thờ Mẫu Thoải và thờ Thần Cá được tồn tại vào những năm 50 của thế kỷ 19 và ngôi Thủy Trung Tiên Từ được xây ngay trên đất của đền Cẩu Nhi xưa nên người ta đã đặt tượng một chú chó nhỏ vào trong đó để thờ nhằm “hiện thực hóa” những câu chuyện vốn lưu truyền xưa nay về sự tích ngôi đền. Điều này khiến việc đi tìm cho câu trả lời có hay không sự tồn tại của đền Cẩu Nhi và nếu có trong lịch sử, đền này thờ Thần Cẩu Nhi, thờ Mẫu Thoải hay thờ Cá”, cho đến nay, vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Theo lý giải của GS. Phan Huy Lê - người trực tiếp dịch Đại Việt sử ký toàn thư nói: Chính ông đã tìm thấy chữ “bến Thần Cẩu” và rằng chuyện thờ Chó đã có ở người Việt ít nhất từ năm 1254 (đời Lý)! Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, tục thờ Chó bị phai nhạt. Kết quả là trên cái đền ở giữa hồ Trúc Bạch đã có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau: Lớp thờ Chó - thờ Mẫu Thoải và thờ Cá.

Để có được khu thờ tự khang trang trở thành điểm đến du lịch, tín ngưỡng cho du khách như hiện nay, đền Cẩu Nhi phải trải qua những thăng trầm của tạo hóa khi chỉ còn là phế tích. Cái tên Cẩu Nhi có lẽ chỉ còn một số người biết đến nếu năm 2005 Sở VHTT&DL Hà Nội không có ý định phục dựng lại ngôi đền do trước đây đã trở thành phế tích. Song mọi chuyện không hề dễ dàng nếu như dự án án trùng tu không có con số dự kiến đầu tư tới 20 tỷ đồng và vấp phải sự phản đối của một số nhà sử học khi cho rằng, những sử liệu về việc thờ Cẩu Nhi là không có tính xác thực và nơi đây chỉ thờ thờ Mẫu Thoải hay thờ Cá. Để rồi dự án này phải “treo” suốt một thời gian dài.

Bà Đỗ Thị Kim Dung (đại diện Ban quản lý đền) cho biết, năm 1980, đền bị dỡ bỏ để làm sân chơi, nhà kho cho hợp tác xã. Sau đó, tiếp tục được dựng thành quán giải khát và là nơi cho các đôi cưới tập thể vào cuối tuần. Trên khu đất đền Cẩu Nhi xưa nay chính giữa còn tồn tại một ngôi phương đình theo hình bát giác. Trong phương đình có văn bia bằng đá giải thích vì sao có đền thờ Cẩu Nhi và đền thờ này do ai lập nên. Trên văn bia cũng ghi rõ, việc trùng tu tôn tạo phương đình này được Trung tâm Bảo quản và Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin hoàn thành vào 4/6/1988. Ngoài ra, ở mặt sau của văn bia là tượng thờ Ngọc Hoàng và một chú chó đá nho nhỏ. Bên phải phương đình có lầu thờ cô Chín và quan ngũ hổ.

Kỷ niệm 990 năm Thăng Long, với mong muốn khôi phục lại những vẻ đẹp của Thăng Long - Hà Nội xưa, người dân đã kiến nghị khôi phục lại ngôi đền. Đến năm 2014, dự án được phê duyệt. Năm 2015, dự án được triển khai và sau 2 năm phục dựng, đền đã được khánh thành vào ngày 20/8/2017. Tuy vậy, khi đền được khánh thành Ban Quản lý quyết định đặt tên đền là đền Thủy Trung Tiên Từ chứ không phải Cẩu Nhi.

Cái tên Cẩu Nhi “chính danh” đã không còn nhưng vẫn in đậm trong tâm thức của người dân. Nếu ai đã từng đặt chân tới ngôi đền độc đáo này sẽ thấy, hình ảnh đầu tiên khi bắt gặp đó là đôi chó đá ngay trên đầu cầu đá bắc qua hồ Trúc Bạch thay thế cho cây cầu gỗ mục nát xưa kia. Đôi chó đá được đặt ngay vị trí đầu tiên như thể hiện quan niệm tâm linh của người Việt khi đặt chó như một linh vật với ý nghĩa sẽ mang lại may mắn. Song, đây cũng như một lời gửi gắm tới du khách nhớ tới tên gọi Cẩu Nhi khi xưa…

Thụy Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/den-cau-nhi-di-tich-doc-dao-giua-ha-thanh-1249375.html