Đền Ấn, một góc tâm linh riêng của Sài Gòn

Lễ hiến tế bằng lửa, xin lộc từ những tràng hoa lài linh thiêng, hay cuộc trò chuyện xuyên không giữa người và tượng đá… là dấu ấn tâm linh rất riêng mỗi khi viếng thăm đền Ấn giáo tại Sài Gòn.

Subramanian Swamy – ngôi đền cổ xưa nhất

Là ngôi đền Ấn đầu tiên được xây dựng tại Sài Gòn, Subramanian Swamy còn được biết đến với tên gọi “Chùa Ông” – như một cách Việt hóa khi người Sài Gòn gắn tên gọi với giới tính của vị thần được thờ tự – nam thần Subramanian Swamy - vị thần quyền lực siêu phàm, quan hệ mật thiết với thần Shiva – tối thần của người Ấn Độ. Một trong những giá trị văn hóa lớn nhất của nơi đây chính là vật liệu xây dựng và đồ dùng trang trí các tượng thần phần lớn đều nhập từ Ấn Độ và do chính thợ thủ công tay nghề cao người Tamil thực hiện.

Hình tượng thờ Linga và Yoni được thần rắn Narga che chở tại chùa Ông

Hình tượng thờ Linga và Yoni được thần rắn Narga che chở tại chùa Ông

Tuy nhiên, nét độc đáo nhất cho lối thờ tự, tín ngưỡng nơi đây chính là bức điện thờ hình tượng linga và yoni được rắn thần Narga che chở. Sự hiện diện này không chỉ thể hiện cho triết lý nhân sinh, âm dương hòa hợp của người Ấn mà nó còn giải thích vì sao Chùa Ông lại là nơi được nhiều người đến chiêm bái, cầu tự về gia đạo, tình duyên.

Khu vực người dân đến cúng bái, cầu tự

Đền Subramaniam Swamy – Chùa Ông – 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Thời gian mở cửa: 8h sáng đến 17h chiều

Mariamman – ngôi đền của những cuộc trò chuyện “xuyên không”

Đền Hindu Mariamman – hay còn gọi Chùa Bà Ấn – được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất của người Hindu giáo ở Sài Gòn. Du khách có thể cảm nhận rõ rệt sự linh thiêng ấy qua cái cách mà thầy tư tế truyền ngọn lửa bình an, tốt lành cho người đi lễ hay ở chính những túi lộc hoa lài mà người giữ đền gói gọn cẩn trọng, trao tặng cho những người có đức tin. Tuy nhiên do quan điểm nam quyền của người Ấn nên du khách nữ khi đến đây chỉ có thể đứng bên ngoài điện thờ để chiêm bái, dâng tặng phẩm vật.

Do quan điểm nam quyền của người Ấn nên du khách nữ khi đến đây chỉ có thể đứng bên ngoài điện thờ để chiêm bái, dâng tặng phẩm vật

Đặc biệt khi đến với chùa Bà vào giờ dâng lễ, bạn sẽ ngỡ ngàng trước những cuộc trò chuyện “xuyên không” tại đây. Những bức tường đá tưởng chừng vô tri vô giác lại trở nên sống động, linh thiêng, lại trở thành cầu nối chuyên chở đức tin, niềm hy vọng của mọi người đến với Bà Mariamman – vị thần của mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Cuộc "trò chuyện xuyên không" giữa người viếng và Bà

Đền Hindu Mariamman – Chùa Bà Ấn – 42 Trương Định

Thời gian mở cửa: 7h sáng đến 19h tối

Giờ lễ chính: 10h sáng mỗi ngày

Lễ lớn hàng năm: Mồng 10 tháng 9 âm lịch – Vía Bà

Sri Thenday Yutthapani – kho báu của Hindu giáo

Và cuối cùng là đền Sri Thenday Yutthapani –hay còn gọi là chùa Ông Tôn Thất Thiệp để phân biệt với chùa Ông - Subramanian Swamy đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Với lối kiến trúc mở, thông thoáng kết hợp với hàng loạt tranh vẽ các vị thần, đặc biệt là thần đầu voi Ganesh cùng hình ảnh các vĩ nhân Ấn xen kẽ những tấm gương khổng lồ đã tạo nên một không gian tín ngưỡng rất riêng cho nơi đây.

Hình ảnh thần đầu voi Ganesh được thờ cúng tại đền

Nếu so với hai ngôi đền Ấn bên trên thì nơi đây khá vắng vẻ vì trước đây đền Sri Thenday Yutthapani chủ yếu chỉ mở cửa cho người Ấn hoặc người góc Ấn đến hành lễ, chiêm bái

Đền Sri Thenday Yutthapani – Chùa Ông – 66 Tôn Thất Thiệp

Thời gian mở cửa: 8h sáng đến 17h chiều.

Bởi Nguồn: Sưu tầm, 07:30, 08/06/2019

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/den-an-mot-goc-tam-linh-rieng-cua-sai-gon-2961.htm