Đến 90% công nhân lao động khu công nghiệp đang thuê trọ tại khu dân cư

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động di cư chiếm 70-80%, nhưng có tới 90% số lao động này thuê trọ trong khu dân cư với nhà trọ nhỏ, ẩm thấp…

Chiều 27/4, báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức chương trình tọa đàm chuyên đề số 1 năm 2023 với chủ đề “Chỗ ở và nhà ở – Nhu cầu cấp bách của công nhân”.

Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 30/11/2011.

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Quỹ AFV Tạ Việt Anh cho biết: Chủ đề nhà ở xã hội nóng hơn trong những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng nhanh. Trong khi mục tiêu về quỹ đất cho nhà ở xã hội và số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng đều chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng thu thập ý kiến của người dân, cơ quan, các bộ ngành trong cả nước, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều, cả nước mới quy hoạch, bố trí được 36,34% diện tích đất so với nhu cầu đến năm 2020.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với công bằng, tiến bộ xã hội.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Khảo sát tại 16 tỉnh thành cho thấy 41% người lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên thu nhập hiện nay thấp nên việc cho vay trả góp thì phải tầm 10-20 năm mới trả hết nợ mua nhà xã hội. Do đó, đây là bài toán khó.

Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Triển khai đề án thiết chế công đoàn trong đó có xây dựng các nhà ở xã hội cho công nhân hiện đang vướng về Luật Đất đai, Luật Nhà ở và hiện Tổng Liên đoàn lao động cũng đã có đề xuất để tháo gỡ khó khăn này, trong đó có việc giao cho Tổng Liên đoàn lao động xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động.

Hiện có 35 tỉnh thành giới thiệu địa điểm rộng từ 3 ha đến 7 ha để xây dựng dựng khu nhà ở cho công nhân. “Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì việc xây dựng chỉ trong 1 năm là xong. Hiện nay, mới có Hà Nam xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân lao động với 244 căn và Tiền Giang mới xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng”, ông Lê Văn Nghĩa cho biết.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết: Khó khăn với các khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn là quỹ đất, vốn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mặn mà lắm với xây dựng nhà xã hội cho công nhân bởi lợi nhuận không cao.

XM-LP/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/den-90-cong-nhan-lao-dong-khu-cong-nghiep-dang-thue-tro-tai-khu-dan-cu-20230427194311747.htm