Đếm xe BOT Cai Lậy nhưng không công bố: Chuyện bình thường!

Việc không công bố các số liệu luôn có sự tính toán cũng như chủ định về lợi ích của chủ đầu tư.

Quan trọng phương án cuối cùng

Ngày 13/12, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ cho biết: "Việc đếm xe đi qua trạm BOT Cai Lậy đã hoàn thành, Tổng cục đường bộ cũng đã có phương án, còn số liệu đếm xe chỉ nhằm phục vụ tính toán cho các phương án sắp tới nên chưa thể công bố được.

Và đây chỉ là một dữ liệu ngoài ra còn nhiều dữ liệu khác để tìm ra phương án xử lý cho BOT Cai Lậy. Còn việc lựa chọn phương án nào thì cuối tháng Bộ GTVT và Chính phủ sẽ xem xét, cân nhắc là dùng phương án nào".

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho biết: "Việc không công bố là có kỹ thuật của chủ đầu tư, vì nếu đưa ra người dân sẽ có nhiều suy nghĩ, nhiều tính toán ảnh hưởng không tốt đến phương án chung, nên việc không công bố với chủ đầu tư là chuyện bình thường.

Nhưng điều quan trọng là phương án cuối cùng, tức là vị trí đặt trạm thu phí có thay đổi hay không, mục đích cuối cùng là địa điểm trạm thu phí đặt ở đâu chứ không phải phí bao nhiêu.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy

Cho nên chuyện người dân cần biết chỉ là phương án cuối, còn số liệu xe đi qua bao nhiêu không cần biết, vì nếu đưa ra rất phức tạp.

Bởi vì con số như thế rồi nếu mà liên quan đến vấn đề đặt trạm thu phí ở đâu, tại sao lại đặt ở tuyến QL1, thay vì tuyến đường tránh, lúc đó nó sẽ lộ hết ra các tính toán trước đây của Bộ GTVT, cơ quan chức năng và chủ đầu tư.

Nên để cho tình trạng hiện nay dịu đi, họ không công bố con số, coi đó là con số kỹ thuật, nhưng dân chỉ nghĩ phương án có lợi cho dân không, đảm bảo hài lòng dân không, nên cứ chờ xem kết quả cuối cùng ra sao.

Tất nhiên, khi dân đã biết con số thì không làm khác được, cho nên buộc phải bí mật đưa ra con số đó, để thực hiện phương án, tính toán, đạt được mục đích của họ. Ở đây việc không công bố là có mục đích, có tâm lý, cả về mặt xã hội, tính toán, chứ không phải con số nào cũng công bố được.

Ví dụ, người dân thắc mắc tại sao đặt trạm ở chỗ này, chỗ kia thì mới công bố nhánh này mật độ đi lại là 10 người/ngày, nhưng cũng có 3000 người/ngày, nên buộc điều chỉnh để đảm bảo nguồn thu, cũng như đảm bảo mật độ đi lại chống ùn tắc, đó là cách chủ đầu tư bao biện".

Bên cạnh đó, theo ông Thủy, chọn phương án đúng hay không thì do cơ quan chức năng quyết định chứ không phải người dân, nên cần phải xem bài toán này họ sẽ giải quyết ra sao, phải để cho Bộ GTVT, chủ đầu tư tính toán với nhau là chính.

Còn nếu chủ đầu tư sợ không thu hồi vốn được thì Bộ GTVT phải tính toán để cho họ thấy nếu tôi bắt anh đổi vị trí sang đường nhánh thì vẫn đảm bảo trong 10 năm anh thu hồi được vốn.

Còn nếu không tính toán được thì không chứng minh được nhà đầu tư biết thế nào. Người dân không cần biết quá nhiều, làm rối, phức tạp thêm vấn đề.

Nút thắt là vị trí đặt trạm thu phí ở đâu, Bộ GTVT nên chịu thiệt

Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, tất cả các chuyên gia đều chỉ rõ nút thắt của vấn đề là vị trí đặt trạm Cai Lậy, giờ chỉ cần đổi trạm đó vào tuyến đường tránh là sẽ xử lý được vấn đề.

Khi chuyển trạm thì Bộ GTVT phải tính toán, qua con số mật độ đi lại thấy không thể để phí 20.000đ/lượt, thì tăng lên 25.000đ/lượt, 12 năm mới thu hồi được vốn, thống nhất chủ đầu tư đồng ý thì cứ như vậy thực hiện.

"Vị trí trạm thu phí là một yếu tố rất quan trọng liên quan đến tâm lý của người dân, người dân muốn cái gì cũng phải minh bạch, đúng luật, không được "qua mặt người dân", cứ nghĩ dân không biết gì, lừa được dân, thì dân rất bức xúc, tạo ra trào lưu, dân phản ứng ngay.

Còn nếu dân đồng thuận thì việc nào cũng xong, vì thuận lòng dân làm gì cũng dễ. Việc đặt trạm thu phí sai không những liên quan đến vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề tâm lý, gây bức xúc cho dân, dân thấy thiếu tôn trọng.

Vấn đề quan trọng nhất là công bằng chứ không phải nhiều hay ít, phải minh bạch, đúng Luật, xây dựng đoạn đường nào thì đặt trạm thu phí ở đó, chứ không phải làm kịch bản thu chỗ khác lấy tiền của dân.

Ở đây việc đặt trạm trên QL1 là không được, kể cả chỉ thu 300 tỷ đồng rồi di dời trạm cũng sẽ bị phản đối như phương án 4 bên Tổng cục đường bộ đưa ra.

Nếu Bộ GTVT thông minh thì hãy dứt khoát không đặt trên QL1, phải chuyển ngay vào đường tránh, phải chấp nhận chịu thiệt, thậm chí trả tiền cho chủ đầu tư.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dem-xe-bot-cai-lay-nhung-khong-cong-bo-chuyen-binh-thuong-3348953/