Đem triển lãm 'Biển đảo' về với đảo

Thạnh An là hòn đảo nhỏ giữa bốn bề sóng vỗ thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Từ bao giờ, cứ 2 - 3 lần một năm đi triển lãm, đảo đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Trở lại xã đảo Thạnh An vào một ngày ngập tràn nắng và gió, chúng tôi vẫn không khỏi hồi hộp khi lênh đênh trên con đò nhỏ, cũ kỹ, mong manh giữa sóng biển chập chùng, lòng nôn nao bồi hồi như người con đi xa mong ngóng ngày về thăm lại quê nhà.

Từng con sóng lăn tăn, từng tia nắng lấp lánh trên mặt biển cứ như chào đón người trở về.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp với Đồn biên phòng Thạnh An tổ chức vẽ tranh thiếu nhi “Biển đảo quê em”

Rồi mọi mệt mỏi đều tan biến khi chúng tôi thấy được bóng dáng của mấy “chú bộ đội” quân hàm xanh và lũ trẻ đen nhẻm chào đón đoàn ngay tại bến đò. Bộ đội, trai trẻ địa phương vồn vã, nhiệt tình giúp chúng tôi đẩy xe chở mớ dụng cụ triển lãm lỉnh kỉnh về đồn biên phòng. Đảo vẫn nhỏ bé như vậy, chẳng có xe hơi, nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim nhưng đã khang trang hơn, tươi sáng hơn, nhộn nhịp hơn từ khi có điện lưới…

Chỉ kịp hớp mấy ngụm trà chát ngầm, chúng tôi đã vội khuân vác dụng cụ, bộ ảnh triển lãm cùng với anh em Bộ Đội biên phòng Đồn Thạnh An bươn bả ra Nhà văn hóa xã. Vừa trải ảnh triển lãm ra sân, bọn trẻ đã vây lấy chúng tôi reo hò mừng rỡ: “A, con tôm này mình có nè !”. Bộ ảnh “Biển đảo Việt Nam: đẹp và thanh bình” vốn là một sản phẩm hợp tác giữa Ban biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Chỉ hơn 3 tháng mở cửa tại Bảo tàng mà đã có hơn 350.000 người đến tham quan ! Và để đáp lại “lời năn nỉ” nhiệt thành của chỉ huy Đồn Thạnh An khi đi chúc Tết bảo tàng: “Tháng tư này nhớ đem ra đảo nhé !”, chúng tôi quyết tâm in thành một bộ ảnh gọn gàng, chịu được nắng mưa để phục vụ dân đảo, bộ đội và trẻ con. Nắng chang chang như thế mà bà con vẫn tụ tập xem, bàn tán rôm rả: “Ở đây cũng có Lễ hội Nghinh Ông nè”, “Con cá này mình cũng có nè”. Vâng, chúng tôi mong muốn bà con nhìn thấy chính mình trong triển lãm, nhận ra biển đảo Việt Nam thống nhất là vậy, tươi đẹp, giàu có là vậy. Và chính bà con, kể cả lũ trẻ gầy nhom, đen nhẻm này là chủ của biển, của đảo từ ngàn xưa đến bây giờ… Sự háo hức của bà con xã đảo bỗng khiến chúng tôi phấn chấn. Anh Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Trung tâm ảnh Thông tấn xã cao hứng hóa thành “hướng dẫn viên”, say sưa kể về từng con sao biển, từng rặng san hô mà anh đã vất vả lặn hụp dưới đáy biển Trường Sa để chụp ảnh…

Bộ đội biên phòng Đồn Thạnh An cùng nhân viên Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thi công triển lãm tại sân Nhà văn hóa xã

Lần đầu tiên phối hợp với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức cho trẻ con vẽ tranh về biển đảo, Trung tá Nguyễn Huy Luận, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thạnh An không giấu được vẻ bối rối như chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi màu sắc, hình khối đã dần dần hiện rõ trên tranh của các cháu học trò nhỏ trường Trung học cơ sở Thạnh An. Những cảm xúc, ước mơ về biển đảo, về Thạnh An ngày càng đậm đà, rực rỡ. Này là cột chủ quyền ở Trường Sa, này là bờ kè đá sừng sững quanh đảo Thạnh An, này là thuyền thúng, tàu đánh cá của ngư dân… Hình ảnh các chú bộ đội hải quân, biên phòng trở thành “nhân vật chính” trong nhiều bức tranh hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Dường như chỉ ở Thạnh An trẻ con mới có thói quen tô bầu trời màu vàng rực, màu cam tươi, màu hồng cánh sen, có lẽ vì cái nắng gay gắt ở đây đã gắn chặt với cuộc sống của các cháu. Và trên nền trời đó màu áo xanh của chú bộ đội mới sống động, tươi mát làm sao !

Cái nắng, cái gió ở Thạnh An thật lạ, cứ quấn lấy người ta với tất cả vẻ phóng khoáng, mặn mòi của biển. Dưới trời nắng chang chang, da thịt rin rít hơi muối đọng lại như tình người dân đảo lưu luyến khách phương xa. Bận rộn tíu tít với triển lãm và tranh thiếu nhi, chúng tôi chẳng kịp thăm lại những cảnh đẹp của đảo. Nhưng chiều xuống, trên đường về Đồn biên phòng, chúng tôi cũng kịp rảo bước ra bờ kè đá để nghe sóng biển rì rào dưới ánh hoàng hôn.

Trung tá Nguyễn Huy Luận, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thạnh An trao quà lưu niệm cho học sinh tham gia vẽ tranh “Biển đảo quê em”

Hừng đông, chỉ kịp chụp vội mấy tấm ảnh Bộ đội biên phòng đi tuần tra, chúng tôi đã phải “khăn gói” trở về thành phố. Vẫn những “chú” Bộ đội biên phòng và ngư dân bịn rịn tiễn đưa chúng tôi ra tận bến đò. Hình ảnh ngư dân xã đảo tỉ mẩn thu hoạch hàu dưới ánh bình minh, bóng dáng anh bộ đội trẻ măng cứ vẫy tay dù đò ngày càng xa tít khiến chúng tôi nao nao, vui buồn lẫn lộn. Vui vì đảo đã khấm khá hơn, vì bộ đội vẫn được dân thương, dân tin cậy. Buồn vì Bảo tàng chỉ có thể dăm ba lần đem triển lãm ra đảo mỗi năm, chưa đủ đáp ứng “cơn khát” văn hóa, giải trí của người dân trên đảo…

Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dem-trien-l%C3%A3m-%E2%80%9Cbi%E1%BA%BBn-d%E1%BA%A3o%E2%80%9D-v%C3%A8-v%C3%B3i-d%E1%BA%A3o-post10187.html