Đêm trăng thương

Tôi cúi xuống và lại phải sửng sốt trước đôi tay tròn, có những ngón thon nhỏ, nuột nà, móng sơn màu vàng sẫm đang nhẹ nhàng đỡ lấy bình trà từ tay chồng để rót ra chén mời khách. Tôi đưa tay đón chén trà, bàn tay tôi phút chốc gần bàn tay cô, thật là một trời một vực giữa cái thô thiển và cái thanh tú...

Đã lâu lắm, tôi mới lại nằm ngủ giữa trời.

Nguyên do, tôi làm nhà, mấy hôm sang ngủ nhờ nhà hàng xóm. Hôm nay, tôi ra thành phố tìm bạn bè, tính vay mớ tiền để cất thêm tầng lầu cho nốt một lần xây dựng nhưng tiền không có mà người lại là ngà hơi men, vợ tôi nặng nhẹ, tôi mới vác phản kê giữa sân nằm ngủ một mình.

Khuya. Tôi giật mình tỉnh giấc, hoảng hốt thấy chỗ nằm sáng rực như phơi giữa trời. Tôi ngước lên thấy vầng trăng vằng vặc gác đầu đỉnh mùng. Vầng trăng tròn to, lơ lửng giữa bầu trời quang quẻ không gợn mây, lồ lộ như cái đĩa bạc mới được đánh bóng. Ánh trăng xanh soi rõ cây cối, vườn tược. Không gian vắng vẻ, im lìm. Tôi có cảm giác như đang bị nhìn trộm, bị theo dõi, liền chui ra khỏi mùng, rảo bước quanh vườn.

Hàng râm bụt ướt sương đêm, quệt vào lá lành lạnh. Mấy cái hố móng đào dở, lẹp nhẹp đất bùn, nửa sáng nửa tối. Đống cừ tràm chưa đóng, dưới ánh trăng trông dài lớn hơn ban ngày. Tôi trèo lên nhún nhảy đôi chân cho có tiếng cọt kẹt xua tan bầu không khí im ắng đe dọa. Một làn gió thoảng qua đưa đến hương hoa chanh tinh khiết cuối vườn.

Thế là căn nhà mơ ước sắp thành hiện thực. Tôi sắp thoát cảnh nhà tranh vách lá, mùa mưa nước ngập nền, dế, kiến, mối rào rào bốn phía. Niềm vui đến gần thì lo âu cũng kéo tới, nơm nớp sợ hạnh phúc chờ đợi bị cướp mất. Cơm đến miệng còn rơi. Do đó, tôi đi tìm bạn bè, quyết lên thêm tầng lầu cũng còn nhằm mục đích tự trấn an cho vững tâm. Dự kiến không thành và lúc này những hình ảnh ban chiều hiện về.

Tôi vừa lên thành phố đã gặp mấy người bạn, trong đó có Văn Thịch, một người bạn thân thiết, gắn bó mười mấy năm quân ngũ. Văn Thịch sinh ra ở nông thôn, trong gia đình nông dân nghèo, mẹ anh đi đập đất ngoài bãi, đẻ rơi anh nên lấy luôn cái âm thanh cực nhọc mà đặt tên. Anh lớn lên trong đất cát, đi bộ đội ở chiến trường, lăn lộn trong chiến hào nên bộc trực, gan góc. Ra quân anh được ở thành phố rồi lấy vợ, con của một gia đình khá giả lại là con một nên bắt rể.

Vợ anh đẹp có tiếng, mới mười sáu, mười bảy tuổi con trai đã rập rình đầy cửa, chẳng hiểu sao Văn Thịch tầm ngẩm, tầm ngầm mà vớ bở. Cô vợ xinh đẹp và hiền lành nên gia đình hạnh phúc. Quả số đào hoa không kể trắng đen. Đồng đội cũ nghe tin đều mừng cho anh, "tiền vận lắng đắng, hậu vận thanh nhàn".

Có một lần, tôi gặp Văn Thịch thấy anh mập mạp, hồng hào khác hẳn trước đó, cứ như vừa được lột da. Anh vồn vã mời tôi ghé nhà nhưng tôi đang mắc công chuyện nên từ chối. Lần này gặp lại, tôi bất ngờ thấy anh xuống sắc nhiều quá. Vẫn béo trắng nhưng bơ phờ. Ánh mắt mệt mỏi, u buồn, khi cười vẫn u buồn, còn bình thường đôi mắt cứ ngơ ngác đâu đâu. Khóe miệng xuất hiện nhiều nếp nhăn chán chường và mái tóc đã có nhiều sợi bạc. Tôi ngạc nhiên:

- Cuộc sống dạo này thế nào?

- Bình thường thôi - Văn Thịch trả lời và nở nụ cười nhợt nhạt.

- Mấy đứa con rồi?

- Hai đứa, đều đã lớn.

Tôi lại hỏi:

- Vợ con khỏe cả chứ?

- Vẫn như cũ.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Minh họa: Phạm Minh Hải

Tôi hỏi mấy người bạn về cuộc sống của Văn Thịch. Tất cả nói kinh tế vẫn vững, vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan, năm nào cũng được công nhận "Gia đình văn hóa". Tại sao Văn Thịch lại có vẻ thiểu não? "Thôi, tìm hiểu làm gì, còn đông đủ bạn bè là mừng cái đã" - Mấy người bạn khuyên tôi. Nhưng cái bản chất lính hay quan tâm đến đồng đội, bạn bè. Tôi lại còn mục đích mượn tiền, nếu không hiểu rõ căn nguyên thì không mở lời được. Tôi hỏi:

- Nhà của Văn Thịch gần đây không?

Mấy người bạn bảo:

- Thế cậu chưa biết nhà Văn Thịch à?

Tôi trả lời:

- Chưa. Có lần Văn Thịch mời thì tôi lại bận. Hôm nay chắc Văn Thịch rảnh rang.

Văn Thịch ngơ ngác nhìn chúng tôi. Hình như trong bụng Văn Thịch không muốn đưa bạn bè đến nhà nhưng tôi đã nói vậy thì không còn từ chối được.

Ngôi nhà hai tầng ở mặt tiền phố chính. Bước qua cổng, đụng một mảnh sân nhỏ trồng cây cảnh. Có hai ông bà già đang thảnh thơi cắt tỉa, tưới tắm cho cây. Những chậu cây xanh tươi xen mấy khóm hoa tỏa hương man mác, hai ông bà già tóc trắng như tuyết nhàn nhã đi lại tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Văn Thịch giới thiệu cha mẹ vợ. Chúng tôi lại chào. Ông già nhỏ nhẹ trao đổi với Văn Thịch việc tỉa sửa một cây mai vàng. Nét mặt Văn Thịch đột nhiên hoạt bát, sinh động. Anh cúi lom khom, xoay qua xoay lại quanh cây mai, tay nâng cành lá bắt sang trái, bắt sang phải, mắt nheo nheo ngắm nghía. Tôi nói:

- Văn Thịch à, tôi thấy ở một vài nơi, người ta quấn cành mai vào nhau tạo thành vòng tròn, đến mùa nở hoa cũng khéo lắm.

Văn Thịch ngoảnh lại lắc đầu giải thích, trong lúc tay vẫn nâng cành lá:

- Đó là người chơi nghiệp dư. Chơi đúng điệu không quấn cành, buộc tán mà phải nuôi cành, tạo tán giữ dáng tự nhiên cho cây.

Tôi nói:

- Nhưng tự nhiên thì thường rườm rà, không rõ thế, rõ tứ.

Văn Thịch cười khà khà, lắc lư cái đầu ra ý thích thú. Anh đã ngồi xuống bắt đầu cầm kéo cắt tỉa cành mai, vừa làm vừa nói:

- Phải chọn lựa kiên trì nương theo dáng tự nhiên của cây rồi dần dần tạo thế. Chơi cây cảnh kỳ công là vậy.

Tôi vẫn chưa chịu:

- Cũng có những khuyết tật tự nhiên không khuất phục được.

- Đúng rồi, đúng rồi - Văn Thịch sôi nổi nói - Có những khuyết tật chỉ hạn chế phần nào chứ không làm mất được. Dù vậy vẫn phải giữ thân, cành tự nhiên. Tự nhiên mới đẹp, tự nhiên mới đẹp.

Cha vợ của Văn Thịch bảo:

- Thôi các con vô nhà chơi, sao đứng trò chuyện ngoài này.

Văn Thịch trao kéo cho cha vợ, đưa chúng tôi vào phòng khách. Căn phòng rộng, trên trần treo chùm đèn pha lê, dưới nền trải thảm xanh. Hai bên sửa sổ buông màn vàng nhạt, giữa phòng đặt bộ salông bọc nhung đỏ sẫm. Khung cảnh sang trọng, ngăn nắp, nền nếp. Văn Thịch mời chúng tôi ngồi. Anh cũng ngồi, dạng hai chân khệnh khoạng như ngồi dưới chiến hào thuở nào và tỉ mẩn pha trà.

- Ô, có khách mà sao không cho em hay trước? Em chào các anh ạ.

Một giọng nói thánh thót. Tôi ngẩng nhìn, từ trên cầu thang uyển chuyển bước xuống một người phụ nữ đầy đặn, bận đồ đầm bằng lụa trắng, chân, tay và vai để hở lộ nước da trắng tươi muốn hơn cả vải lụa. Chào hỏi xong, trên khuôn mặt trái xoan kiều diễm nở một nụ cười đẹp như hoa. Chà! Tôi xuýt xoa trong bụng.

Văn Thịch hơi khép đôi chân, vẫn tỉ mẩn pha trà, nói trong cổ họng:

- Vợ tôi đấy.

Vợ Văn Thịch đã xuống gần. Tôi lại thấy rõ, cô có làn da mịn màng, tươi sáng rất hiếm gặp ở lứa tuổi của cô. Làn da nuột nà như thể phản chiến được ánh sáng, làm sáng cả phòng khách, phản chiếu được cả thời gian để không có mảy may nếp nhăn. Khuôn mặt còn được trang điểm khéo léo làm cho vẻ đẹp vốn có càng thêm hoàn mỹ. Đôi mày được tỉa kĩ càng, mảnh như một sợi chỉ uốn cong trên hàng mi được đánh màu phớt xanh mơ màng. Cô nhìn tôi hỏi:

- Hình như anh mới đến nhà em lần đầu ạ?

Tôi hơi giật mình vì sự chú ý, vội trả lời:

- À đúng rồi. Cũng là lần đầu tiên được gặp cô.

Tôi cúi xuống và lại phải sửng sốt trước đôi tay tròn, có những ngón thon nhỏ, nuột nà, móng sơn màu vàng sẫm đang nhẹ nhàng đỡ lấy bình trà từ tay chồng để rót ra chén mời khách. Tôi đưa tay đón chén trà, bàn tay tôi phút chốc gần bàn tay cô, thật là một trời một vực giữa cái thô thiển và cái thanh tú. Cô lại nở nụ cười mê ly và liếc về phía tường. Tôi nhìn theo, có một tấm gương gắn ở đó. Bên ngoài, tôi và vợ Văn Thịch ngồi chéo nhau qua chiếc bàn nên khá cách nhau nhưng trong gương, mặt chúng tôi lại kề nhau. Ảo ảnh kề cận mỹ nhân làm tôi bối rối và chạm phải ánh mắt của vợ Văn Thịch trong gương thì tôi đâm ra mắc cỡ như bị bắt quả tang sự vụng trộm. May mà vợ Văn Thịch đã ngồi xuống cạnh chồng thản nhiên nói:

- Anh cũng là bạn chiến đấu của nhà em phải không ạ? Em thật kính nể các anh. Bây giờ, có lẽ chỉ còn cựu chiến binh các anh là còn quý trọng, nâng niu tình đồng chí, đồng đội.

Vợ Văn Thịch nói thành thật, không hề có ý cạnh khóe. Nhưng nét mặt của Văn Thịch vẫn dửng dưng, có phần miễn cưỡng. Văn Thịch nói:

- Tình nghĩa cựu chiến binh thì hiển nhiên là sâu nặng như thế rồi.

Tôi hỏi:

- Cô làm việc ở đâu ạ?

Vợ Văn Thịch sôi nổi trả lời:

- Em là nhà báo, nhà báo của chồng em. Nói đúng ra, trước kia em có đi làm nhưng từ hồi xóa bao cấp thì ở nhà luôn.

Văn Thịch ngửng lên cười khì một cái, nói:

- Vợ tôi đã làm nhiều việc lắm nghe. Ban đầu đi thêu hàng xuất khẩu nhưng vì kim đâm ngón tay sợ bệnh tim nên xin chuyển sang ngân hàng ngồi đếm tiền. Nghe đồn bụi trong tiền dễ gây bệnh phổi lại xin làm nhân viên bán bách hóa. Đứng nhiều sợ bệnh thận nên bỏ đi tưới cây trong công viên, lại sợ nắng hư da nên chuyển sang điều khiển trò chơi thiếu nhi ban đêm trong khu văn hóa. Lại sợ sương đêm...

Vợ Văn Thịch ngắt lời chồng:

- Thôi, thôi, anh đừng kể tội em nữa mà. Chẳng lẽ những lý do ấy không đúng sao? Vả lại, em đã có chồng thì phải sống dựa vào chồng chứ.

Mấy người bạn cùng nói:

- Phải rồi. Phải rồi. Được vợ như hoa hậu thì nâng niu cũng là niềm hạnh phúc đấy.

Vợ Văn Thịch vẫn giữ nụ cười đẹp trên môi, ngoẻo đầu sang chồng nũng nịu. Và cô đưa mắt liếc về phía chồng nhưng không nhìn chồng mà lại nhìn vào tấm gương bên tường.

Tôi nhận ra, vợ Văn Thịch cười vu vơ hay khi bị chồng châm chọc, cả khi mấy người bạn khen hơi sỗ sàng thì cái cười đều vừa đẹp, vừa khéo y chang như nhau. Đôi môi đỏ son mở ra chừng ấy, nước da trắng mịn màng sáng lên chừng ấy không thêm không bớt. Cái cười không chê vào đâu được, như nét vẽ xuất thần của họa sĩ tài ba, nhưng là nét vẽ nên than ôi đã cố định cái cười ấy trên khuôn mặt đẹp mất rồi! Không còn sự run rẩy kín đáo, không còn sự sôi nổi mặn mà, không còn nét ngượng nghịu hấp dẫn, không còn cho dù nét lẳng lơ, tinh quái. Hoàn mỹ quá nên không thể hoàn mỹ hơn. Lúc đầu thấy cô thỉnh thoảng đưa mắt về phía tôi thì tôi rất thích thú. Nhưng rồi tôi thấy ánh mắt cô dành cho tôi cũng như ánh mắt hướng về mấy người bạn, hướng về chồng và không hơn không kém ánh mắt hướng vô gương thì đâm mất hứng.

Đang vui, một người bạn nói:

- Trong bạn bè chúng ta thì vợ Văn Thịch là chuẩn nhất đấy.

Vợ Văn Thịch có vẻ cảm động, tuy nhiên khuôn mặt sáng trưng không hề thay đổi. Cô nói:

- Để em pha cà phê mời các anh nghe. Ba em vừa được người quen biếu gói cà phê Buôn Ma Thuột thứ thiệt, ngon lắm.

Văn Thịch nhổm đầu khỏi tựa ghế:

- Phải đấy, em làm ngay cho.

Vợ Văn Thịch đứng dậy, thẳng lưng thướt tha bước đi. Cô bê ra bộ đồ pha cà phê bằng inox sáng loáng. Những ngón tay đẹp cử động chậm chạp. Khi cầm cái muỗng inox để xúc cà phê, trước khi xúc cô còn nghiêng muỗng để soi khuôn mặt mình và mỉm cười một cái. Khi xúc đường, cô cũng lại soi mình vào muỗng và cười duyên một cái nữa. Văn Thịch cố ý rề rà xếp mấy cái ly để che những cử chỉ của vợ, nói:

- Xin em nhanh tay cho. Cà phê nguội ngắt là hết thơm đấy em ạ.

Vợ Văn Thịch nghiêng đầu:

- Anh à, vội gì chứ. Chiều nay mời các anh ở lại nhà mình ăn cơm nhé?

Mấy người bạn vung tay nói:

- Lâu rồi chúng tôi mới có dịp gặp nhau đông đủ. Chúng tôi không ăn cơm đâu. Chỉ nhậu và nhậu xỉn mới chịu.

Vợ Văn Thịch gật đầu:

- Nhậu cũng được. Các anh thích món gì, em làm đãi món đó.

Văn Thịch kêu lên:

- Em làm món nhậu cho bọn anh ư?

- Dạ - Giọng vợ Văn Thịch vẫn đều đặn, từ tốn - Lâu nay anh cứ nhậu ngoài quán nên quên là em cũng biết làm món nhậu sao?

Văn Thịch tặc lưỡi:

- Hồi nào có thế thật. Còn bây giờ, nếu em đi chợ thì "tay xách giỏ cá chẳng tránh tanh hôi" lại mất cả cục xà bông thơm và cả buổi trời cọ rửa. Thôi, để bọn anh ra quán thôi.

Khuôn mặt vợ Văn Thịch hơi chùng xuống. Nhưng chỉ chốc lát, khi chúng tôi uống xong ly cà phê thì cô cũng đã ngửng lên, khuôn mặt lại hiện ra đầy đủ nét hoàn mỹ.

*

Văn Thịch mời chúng tôi ra quán như thúc nhau chạy khỏi tọa độ pháo kích hồi nào. Vợ Văn Thịch buồn bã đi theo tiễn chân. Tôi bước chậm, nán lại phía sau, ôn tồn nói lời từ biệt. Vợ Văn Thịch chớp chớp mắt nói:

- Có dịp mời các anh lại ghé nhà em chơi.

Tôi nói nhanh:

- Vâng, vâng. Chúng tôi sẽ ghé.

Vợ Văn Thịch ngẩng lên, khuôn mặt tuyệt mỹ lồ lộ lại nở nụ cười khéo như hoa, ánh mắt đang buồn liếc nhanh sang bên cạnh. Tôi nhìn theo, thấy trên nắm đấm cửa sáng loáng hiện rõ cái cười đẹp của cô thì vội xoay người nhẹ chân vọt theo Văn Thịch.

Mấy người bạn chúng tôi đã ngồi với nhau ồn ào, nhiệt thành, say sưa. Tôi quên luôn chuyện mượn tiền bạc. Về nhà trong tình trạng bèo nhèo, nồng nặc hơi men, vợ tôi mặt nặng mặt nhẹ và tôi bỏ ra sân nằm một mình như đã nói.

Bây giờ tôi ngồi trên đống cừ tràm, tắm mình trong ánh trăng rười rượi tỏa xuống từ trời cao. Một lúc, ánh trăng và sương đêm xua vợi hơi men trong người, đầu tôi nhẹ nhõm. Nhìn lên mặt trăng tròn vạnh, tôi không còn nghi ngại như lúc nãy mà đã cảm thấy gần gũi, thân thiết. Chao ôi, mười mấy năm lính, cả tuổi thanh xuân của tôi đã đội trăng, tắm sao, chải gió đấy thôi! Cuộc đời chinh chiến kể đâu xiết, bao đêm đi trong ánh trăng, ngủ trong ánh trắng, hít thở ánh trắng, buồn vui đều thấm đẫm ánh trắng. Tôi với trăng là người quen gặp lại. Có câu: "Ba năm không tới, đáng thân cũng chẳng thân". Mấy năm tôi ngủ trong phòng hẹp, dẫu là cây lá nhưng cũng xa rời ánh trăng, đêm nay gặp lại đã không khỏi có giây phút ngỡ ngàng, xa lạ. Còn Văn Thịch ở trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi kín mít như bưng và quá hoàn mỹ nhiều năm trời. Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra nỗi buồn ủ ê của Văn Thịch, con người được đẻ rơi trên đất, lớn lên trong gió bụi, nắng mưa, con người của thiên nhiên cây cỏ.

Gió lại thoảng hương hoa chanh tinh khiết cuối vườn. Tôi bâng khuâng nhắm mắt lại. Thốt nhiên tôi nhớ đến vị canh cua cà ghém của thuở hàn vi, những hạnh phúc nhỏ bé mà đủ đầy, những niềm vui trong trẻo.

Hình như có bước chân khẽ khẽ. Tôi mở mắt. Mặt trăng vẫn trong vắt giữa trời, tỏa ánh sáng bao la. Vườn tược, cây cỏ dưới ánh trăng trở nên huyền ảo, lung linh và mênh mông sâu thẳm. Trong không gian bao la vời vợi ấy, tôi nhận ra sự chạy vạy cho căn nhà của mình thêm một tầng lầu mới nhỏ bé làm sao, có vẻ còn vô lý, vô duyên. Tôi đứng bật dậy, vươn vai, dang hai tay lên trời đêm, hít căng lồng ngực ánh trăng vàng rồi nhảy xuống khỏi đống cừ tràm, bước về tấm phản.

Tôi giật mình: vợ tôi đã ngồi trong đó từ lúc nào, cô gục đầu trong đôi tay khoanh trên gối. Đôi tay để trần đến vai, dưới ánh trăng tràn trề, sáng rực lên. Tôi khẽ khàng ngồi xuống và đặt nhẹ bàn tay lên vầng sáng ấy. Tức thì vợ tôi nắm lấy tay tôi và bật khóc. Tôi nói:

- Thôi, đừng mà. Ban chiều... anh nóng nảy quá.

Vợ tôi nói trong tiếng nấc:

- Em có lỗi với anh. Làm nhà làm cửa phải lo toan bao nhiêu thứ, em không phụ tiếp được gì... Hay là mình cứ làm một tầng thôi, có sao làm vậy anh ạ.

Tôi nhẹ nhàng nâng mặt vợ lên:

- Nhất định rồi. Thôi những chuyện nhỏ nhặt ấy chúng ta đừng nhắc lại nữa nhé.

Vợ tôi ngoan ngoãn gật đầu. Khuôn mặt đẫm lệ bấy giờ đọng đầy ánh trăng, biến mất dấu vết nắng mưa cơ cực, đột nhiên lấp lánh đẹp lạ thường. Cánh tay trần quàng lên cổ tôi và đôi môi mọng ánh trăng từ từ hé cười. Tôi chột dạ, sợ gặp lại nụ cười tuyệt đẹp, trơn tru không chê vào đâu được, nhưng không, một nụ cười ngập ngừng, run rẩy. Đôi môi khó nhọc hé mở, ánh trăng lóe một tia chớp ngọc trên hàm răng và hơi thở nồng nàn.

Hồi sau, vợ tôi mở mắt, khẽ reo lên:

- Ôi, trăng đẹp quá!

Tôi thì thầm:

- Trăng mười sáu em ạ, đêm trăng tròn viên mãn nhất của một tháng.

Giây phút ấy, tôi bật nghĩ, sẽ mời bằng được vợ chồng Văn Thịch về đây, trong một đêm trăng thương ngọt ngào như đêm nay.

Truyện ngắn của Sáu Nghệ

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/dem-trang-thuong-549965/