Đêm trắng nghĩa trang

Từ lâu tôi đã nghe những câu chuyện ly kỳ, thú vị về đêm ở các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS). Vừa tò mò, vừa muốn tìm cảm giác lạ, tôi đã rủ một đồng nghiệp đến qua đêm tại NTLS huyện Vĩnh Hưng.

Đây là NT vùng biên, chỉ cách biên giới mấy cây số, nơi có số mộ vô danh nhiều nhất trong các NT tỉnh Long An. Đêm ở NT, tôi biết thêm nhiều điều thú vị hơn cả những chuyện được nghe đồn đại trước đó.

Biên cương mồ viễn xứ

Rời TP.Tân An, tôi và phóng viên (PV) Hùng Anh (Báo Sài Gòn Tiếp Thị) theo QL62 đi về hướng biên giới. Khi đồng hồ xe chỉ km 90, chúng tôi cũng vừa đến NTLS huyện Vĩnh Hưng. Cách đó chừng 1km là thị trấn Vĩnh Hưng. Xa xa về hướng tây, trên cánh đồng lúa thấp thoáng bóng cây thốt nốt, ấy là biên giới. NT rộng 6ha, được xây dựng tươm tất, có hàng rào kiên cố, ngăn cách với bên ngoài bằng các hồ sen. Khắp nơi đều có cây xanh, cây kiểng. Mộ LS được ốp đá màu trắng. Anh Hồ Văn Thương - người quản trang - đang bận tiếp khách: Gia đình LS ở tận Hưng Yên cùng với nhà ngoại cảm đến tìm mộ người thân.

Sau một hồi “vận công”, nhà ngoại cảm cho biết LS cần tìm không có trong số hơn 2.000 ngôi mộ vô danh trong NT mà còn nằm ở biên giới. Chúng tôi đi biên giới với họ, hẹn tối về NT ngủ với anh Thương.

Chứng kiến cảnh những người thân ở tận miền xa vào vùng biên tìm kiếm trong vô vọng phần mộ LS sau mấy mươi năm kết thúc chiến tranh, tôi càng thấm thía mấy câu thơ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - Áo bào thay chiếu anh về đất...”.

Chúng tôi trở lại NT khi trời đã sụp tối, người quản trang vẫn chưa kết thúc công việc, anh còn nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho lễ đón nhận hài cốt LS mới tìm được bên nước bạn. Anh Thương trố mắt khi biết chúng tôi dự định ở lại qua đêm. Suốt 15 năm làm quản trang, đây là lần đầu tiên anh tiếp khách ban đêm. Đèn bảo vệ NT được bật lên, hàng ngàn ngôi mộ trắng toát như làm cho NT thêm sáng.

Hồi sinh ở nghĩa trang

Hơn 9 giờ đêm, mâm rượu “dã chiến” được bày ra trên nền NT cạnh mộ các LS. Không ai bảo ai, chúng tôi kẻ thịt người rượu dâng mời các LS. Phóng viên Hùng Anh khấn: “Sắp tới ngày 27.7, kính mời các LS dùng chung rượu nhạt, cho phép chúng tôi ở lại tối nay...”. Cạnh mâm rượu là cây khế kiểng cổ thụ có hình thế rất đẹp, mà theo PV Hùng Anh - người rất mê chơi cây kiểng - nó phải có số tuổi bằng một đời người. Anh Thương cho biết, cây khế này trước đây ở Văn phòng UBND huyện, do ít được chăm sóc nên bị chết khô, nằm lăn lóc.

Thấy tiếc, anh Thương chở về NT chăm sóc cầu may. Không ngờ cây khế sống lại, ngày càng đẹp hơn. Mới đây có người hỏi mua giá 50 triệu đồng, tất nhiên là chẳng ai bán, vì đó là tài sản của các LS. Từ sau vụ cây khế quý hồi sinh ở NT, hễ ai có cây kiểng bị chết, họ đều kêu anh Thương chở về NT. Không phải tất cả, nhưng không ít cây đã sống lại giống như cây khế. Người ta đồn rằng cây sống lại nhờ “linh khí” trong NT.

Chuyện cây là vậy, còn chuyện người thì sao? Vợ chồng anh Thương quê ở vùng biển Thạnh Phú (Bến Tre). Họ cưới nhau ngay sau giải phóng miền Nam, rồi đẻ một mạch 7 đứa con. Không đất sản xuất, lâm cảnh nghèo khó, năm 1989 anh chị dắt díu nhau đến ĐTM khai hoang làm ruộng. Không vốn, ít kinh nghiệm (ở quê, anh chị chỉ quen trồng dừa), lại con nhỏ nheo nhóc, vợ chồng anh Thương trồng lúa không hiệu quả, càng nghèo đói. Lúc đó, Phòng Thương binh - Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng cần người quản trang mà chưa có ai chịu nhận.

Dành sự chăm sóc đặc biệt mộ liệt sĩ Lưu Trọng Nông - Ảnh: N.P.Đ

Anh Thương xin vào làm để “kiếm gạo nuôi con”. Một năm sau NTLS cần thêm 1 lao động, chị Mỹ (vợ anh) lại xin vào. Dù là lao động “nòi”, nhưng nhiều lúc vợ chồng anh cũng đuối trước hàng đống công việc của khu NT rộng 6ha, nhiều lúc các con phải phụ giúp anh chị. Cứ vậy, dưới bàn tay của vợ chồng, con cái anh Thương, khu NT ngày càng tươm tất, khang trang để đến nay là NT đẹp nhất tỉnh Long An.

Chuyện nhà thơ Lưu Trọng Lư

Khi men rượu đã thấm, trời cũng đẫm sương đêm, người quản trang làm chúng tôi bất ngờ khi ngân nga mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư: “Em không nghe rừng thu - Lá thu kêu xào xạc - Con nai vàng ngơ ngác - Đạp lên lá vàng khô”. Có ngay câu trả lời vì sao một người ít học làm quản trang lại thuộc thơ Lưu Trọng Lư: Nhà thơ đã từng đến đây. Yên lặng, anh Thương kêu chúng tôi đứng dậy đi theo anh đến bên một ngôi mộ, trên mộ bia ghi: “LS Lưu Trọng Nông - SN 1954 - QQ Ba Đình Hà Nội - Hy sinh 30.1.1975”. Người quản trang kể rành rọt về người LS: “Anh là con trai thứ năm của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Anh sinh năm 1955, nhưng để được tòng quân năm 1972, anh đã khai lớn hơn 1 tuổi. Anh hy sinh đúng 3 tháng trước ngày miền Nam giải phóng trong trận đánh mở màn chiến dịch, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 2, Sư 5) của anh hy sinh gần hết...”.

Kề bên mộ của LS Lưu Trọng Nông là mộ của LS Nguyễn Văn Lược, quê Tam Hiệp - Ninh Bình, hy sinh 30.4.1974. Kế đó là mộ một người trai Hà Nội khác: LS Nguyễn Quốc Toán - Gia Lâm, Hà Nội. Rồi lại một ngôi mộ người trai Hà Nội: LS Đỗ Quang Huyên, sinh năm 1954, hy sinh 13.1.1975. Thấy ngờ ngợ, tôi lục danh bạ điện cho anh Đỗ Quang Hạnh ở Ban Văn hóa - Thể thao Báo Lao Động hỏi xem anh có người thân nào hy sinh ở Long An. Từ Hà Nội, anh Hạnh kể: “Đỗ Quang Huyên là anh ruột của mình. Anh tòng quân năm 1973, hy sinh bên bờ sông Vàm Cỏ Tây...”.

Anh Thương cho biết, trong số hơn 1.000 ngôi mộ có tên, khoảng 3/4 là các LS quê miền Bắc. Các anh hy sinh chủ yếu ở lứa tuổi 18 - 22, khi mới rời ghế nhà trường. Làm quản trang, anh Thương kiêm luôn cả việc tìm kiếm, cất bốc mộ LS. Anh đã tham gia tìm được gần 100 hài cốt LS nằm dọc theo biên giới. Mỗi trường hợp tìm mộ LS là một câu chuyện cảm động. Có lần một người mẹ đã ôm hôn hài cốt của đứa con dù xương cốt vừa mới lấy lên từ huyệt.

Trường hợp khác, một phụ nữ cùng đứa con trai bỏ nhiều tháng trời đi lùng khắp các NTLS từ Quảng Trị tới Cần Thơ để mong tìm được mộ chồng. Khi sức đã cạn, tiền đã hết, hai mẹ con bà đến NTLS Vĩnh Hưng và gặp ngay mộ người thân. Người vợ mừng vui đến ngất xỉu, khi tỉnh lại bà chỉ đứa con và thều thào nói: “Thằng bé này thế nào, lúc đi chiến đấu ảnh thế ấy”.

Với những người như anh Thương, hài cốt LS là vô giá, phải tìm cho bằng được nếu có thể. Một lần, khi thi công công trình, Cty Đồng Tháp 1 phát hiện hài cốt LS. Khi khai quật lên, hài cốt không có đầu. Dò tìm, anh Thương biết số đất được máy xúc múc lên khi thi công đường. Đến công trình, đoạn đường mới làm đã phẳng mặt, đang vuốt taluy. Anh đề nghị đào đường tìm sọ, nếu không có sọ anh chịu chi phí. Công việc đã không phụ anh, sọ của người LS được tìm thấy sâu dưới nền con đường liên xã.

Chuyện ma ở nghĩa trang

Càng về khuya, cảnh vật như càng “nghĩa trang” hơn. Theo đề nghị của chúng tôi, đèn bảo vệ được tắt hết để tiết kiệm điện và để “các anh ngủ”. Đêm đen bao trùm, các hàng cây xung quanh NT in bóng lờ mờ lên nền trời. Bóng cây lay động như thể có gì đó thoát ẩn thoát hiện. Thỉnh thoảng có tiếng động vang lên xung quanh, có thể do chó mèo, chim đi ăn đêm va chạm vào đâu đó. Màu trắng mờ các ngôi mộ làm tôi liên tưởng tới áo trắng trong truyện ma được nghe kể hồi nhỏ...

Đề tài cuối cùng chúng tôi bàn là “chuyện ma” trong NT. Anh Thương cho biết, trong suốt 15 năm ngủ trong NT, anh chưa một lần “bị các anh nhát”. Thế nhưng, anh cho biết, không ít trường hợp những người thợ thi công công trình trong NT đang đêm hốt hoảng xách gói đi kiếm nhà trọ, vì “bị kéo giò”, “bị đòi trả chỗ ngủ”... Có trường hợp người thợ quả quyết chiếc xe ủi đất bỗng tự di chuyển một đoạn.

Anh Thương kể, trong lần đi dự họp mặt các quản trang tiêu biểu toàn quốc năm 2007, anh được nghe các đồng nghiệp kể những câu chuyện rất ly kỳ, như: Nửa đêm khắp NT vang lên các điều lệnh chiến đấu, sáng sớm cả thảm cỏ bị giẫm nát... Anh Thương có ý chờ một lần được “gặp”, nhưng có lẽ không bao giờ. Anh tin, nếu thực sự trong NTLS có “ma” thì không bao giờ có tiếng “ma” khóc, mà là những bước chân hành quân, những tiếng hô tiến công...

Theo Lao Động

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/phong-su-dieu-tra/dem-trang-nghia-trang-203821.html