Đêm siêu trăng ở ngôi chùa lạ

Chùa ở thôn Đa Tro (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nhìn ra hồ thủy điện Hàm Thuận như một bức tranh tuyệt đẹp.

Siêu trăng đúng mùa Phật Đản.

Siêu trăng đúng mùa Phật Đản.

Thật ra, chùa có tên là Quan Âm, nhưng có người gọi là chùa Thiên Mai, vì có hàng ngàn gốc mai. Có người gọi là chủa Bưởi vì quanh năm ngập hương bưởi. Có người gọi chùa Tiên vì cảnh đẹp. Tôi gọi là “Chùa Lạ” vì chưa quen. Bởi ít ai biết về chùa. Từ google, facebook đến nhiều người dân trong huyện, trong tỉnh.

Trước khi trở lại khảo sát tour mới ở Hàm Thuận – Đa Mi (tôi từng đến vào 2006), giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Thuận dặn Phải ghé chùa Quan Âm. Chùa mới mà tuyệt vời”. Đến chùa, ngỡ ngàng vì cảnh quan, lại được thầy trụ trì tiếp đón nồng hậu. Đêm ở lại chùa đúng dịp siêu trăng Phật Đản 2564.

Thầy trụ trì trước ngôi chùa.

Rau trái tự trồng ở vườn chùa.

Chùa nhỏ, chính điện chừng hơn trăm mét vuông, đơn sơ và chân mộc, chỉ có mái và vách sau, không có cửa, có cổng. Bàn thờ Phật cũng giản dị, gần gũi đến bất ngờ. Nằm ở độ cao 864m, cạnh quốc lộ 55, cách quốc lộ 20 chừng 30 km. Chùa ở thôn Đa Tro (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nhìn ra hồ thủy điện Hàm Thuận như một bức tranh tuyệt đẹp.

Chùa hẹp, khởi dựng từ năm 2000, nhưng vườn rộng tới 7,3ha. Có mấy chục loài cây ăn trái, mấy chục loại rau củ và hàng trăm loài thực vật. Nhiều thứ là “kỳ hoa dị thảo”. Có loài thực vật người viết mới thấy lần đầu như chuối sen, phật thủ, ngải cứu tím, trái chùm ngây (tưởng là đậu), trái trà (ngỡ là nhãn tím), bông sầu riêng như lẵng hoa, bông cau kiểng… Hay như cây mít cao kều mà trĩu quả, còn cây bằng lăng như cây sào cắm đầy bông…

Hàng mai bên đường dẫn lối vào chùa.

Hồ thủy điện nhìn từ chùa.

Chuối sen.

Ngoài hai thầy trụ trì, có hai nam phật tử làm công quả, vài tịnh thất bốn bề lộng gió. Phòng khách, chỉ có mái, luôn sẵn ấm nước vối, trà xanh, trà olong, trái cây và bánh. Mọi thứ đều cây nhà lá vườn, tự sản, tự tiêu. Chùa không có tủ lạnh hay tủ đông.

Ngoài chuông đồng lớn, trong chùa toàn dùng vỏ bom, vỏ đạn làm kẻng báo giờ. Tôi đã viếng hàng ngàn chùa ở Việt Nam và các nước, chưa có chùa nào lạ như vậy. Từ con người đến thiên nhiên. Chùa tĩnh lặng, an nhiên. Vào chùa, lòng nhẹ tênh và phấn chấn, quên hết mọi xô bồ phố thị.

Chùm hoa sầu riêng.

Hoa và trái phật thủ.

Vỏ bom đạn được tái sử dụng.

Thích nhất là sáng sớm, cầm chén trà nhâm nhi, đón bình minh, nhìn ra hồ chập chùng đồi núi như nhắc khéo “Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh sổ trản trà/Nhật nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia” (bài thơ "Bán dạ tam bôi tửu". Nghĩa bài thơ: Buổi tối ba chén rượu/ Sáng ra uống chén trà/Ngày nào cũng như thế/Thầy thuốc không đến nhà).

Ban ngày trời dịu mát, tối se lạnh. Đêm vàng trăng dạo quanh chùa, cảnh quan hư ảo, thơm ngát hương trời đất, côn trùng nhẹ nhàng hòa tấu, mơ màng đất Phật giữa đời thường.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dem-sieu-trang-o-ngoi-chua-la-23572.html