Đêm ở cù lao Long Khánh

Chúng tôi đến cù lao Long Khánh (H. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) vào một buổi chiều hạ tuần tháng tám. Mây đen cuồn cuộn kéo về cùng những cơn gió thổi liên hồi mang hơi nước từ sông Tiền lên nghe lành lạnh. Chiếc phà vừa cập bến cũng là lúc trời đổ mưa, chúng tôi đã cảm nhận được cái mát lạnh từ cơn mưa đầu mùa ở miền Tây Nam bộ.

Chúng tôi đến cù lao Long Khánh (H. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) vào một buổi chiều hạ tuần tháng tám. Mây đen cuồn cuộn kéo về cùng những cơn gió thổi liên hồi mang hơi nước từ sông Tiền lên nghe lành lạnh. Chiếc phà vừa cập bến cũng là lúc trời đổ mưa, chúng tôi đã cảm nhận được cái mát lạnh từ cơn mưa đầu mùa ở miền Tây Nam bộ.

Một góc cù lao Long Khánh.

Một góc cù lao Long Khánh.

Chuyện kể ở cù lao

Từ bến phà An Thạnh về ấp Long Hậu, (xã Long Khánh A, H. Hồng Ngự), chúng tôi có cảm giác như đi lạc vào một nơi xa xăm nào đó. Những tuyến đường bê-tông ngoằn ngoèo, quanh co đi qua các cánh đồng thơm mùi lúa chín. Những căn nhà sàn nằm cách biệt nhau bởi một mảnh vườn rộng, sum suê hoa trái... Đang miên man dõi theo những cánh cò chiều, chiếc xe 7 chỗ ngồi đưa chúng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh xuống bỗng dừng lại bên ngôi nhà cấp bốn, rộng và thoáng mát. Anh Nguyễn Văn To (chủ nhà) đon đả mời chúng tôi vào nhà nghỉ ngơi, làm vệ sinh và thay quần áo. Bữa cơm tối đã được chủ nhà sắp sẵn từ lúc nào không hay. Dù mệt vì đã đi qua một chặng đường khá dài nhưng nhìn mâm cơm với các món ăn đang bốc hơi thơm lừng chúng tôi cảm thấy đói và muốn ngồi ngay vào bàn. Trong mâm cơm, ngoài những đĩa thịt gà nuôi thả vườn còn có những món ăn đặc sản của miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, đĩa thịt ếch um măng tươi vàng ươm và những lát cá Trám to để đầy cả cái đĩa lớn được bày biện khá bắt mắt. Những ly rượu nếp trắng nấu tại địa phương được rót ra, mọi người cùng mời và chúc phúc cho nhau. Vừa ăn, vừa trò chuyện, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện gia đình, quê hương, làng xóm...

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu, anh Nguyễn Văn To kể, cù lao Long khánh nằm giữa dòng chảy của phần hạ nguồn sông Mêkông từ Campuchia chảy qua. Cũng là điểm giữa của vùng Tân Châu (Châu Đốc) và vùng Hồng Ngự (Đồng Tháp). Cù lao nằm giữa đường thủy vận chính từ sông Mêkông nên người Việt đã sống ở đây từ thế kỷ 19 và có thể sớm hơn. Được phù sa của sông bồi đắp nên ngành nông nghiệp rất phát triển, cây trái tốt tươi, mùa màng thường được bội thu. Mỗi mùa nước lớn cá đổ về sông Mêkông hằng hà sa số, có thể dùng lưỡi câu không móc mồi thả xuống cũng câu được cá bự...Và con cá trám nặng hơn 4 kg mà chúng tôi được chủ nhà chiêu đãi hôm nay cũng được bà con nông dân bắt từ dòng sông này.

Miền đất hứa

Năm 2008 xã Long Khánh cũ được chia làm 2 xã Long Khánh A và Long Khánh B, trong đó xã Long Khánh A thuộc huyện Hồng Ngự. Toàn xã có hơn 19,50 km², với 17.757 nhân khẩu. Long Khánh cũng như các địa phương khác thuộc huyện Hồng Ngự được thành lập vào năm 1930, nằm giáp với tỉnh Preyveng của Campuchia. Từ khi cha ông đặt chân đến khai khẩn vùng đất này, nhân dân luôn đứng lên đấu tranh để chiến thắng thiên tai và kẻ thù xâm lược, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân lại hăng hái bắt tay vào xây dựng quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên từ cuối năm 1975 đến năm 1979, bọn Pôn-pốt, Iêng-xary đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhân dân lại một lần nữa đứng lên đập tan mọi âm mưu xâm lược của chúng, góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nhân dân nước bạn Campuchia.

Được thiên nhiêu ưu đãi, bà con nông dân đã tận dụng diện tích mặt nước dọc sông Tiền để nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Thanh Toàn, sinh năm 1979, hiện đang sở hữu khá lớn diện tích mặt nước để nuôi cá lóc (tràu) thịt và ương nuôi cá tra bột. Ông Toàn cho biết, là địa phương có đặc sản cá lóc khô nổi tiếng cả trong Nam, ngoài Bắc. Để có được thương hiệu đó, trong nhiều năm qua bà con nông dân Long Khánh đã đào ao nuôi, hàng năm xuất bán được hàng trăm tấn cá, thu nhập được hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, đã sản xuất được cá tra bột chất lượng, bởi vì kỹ thuật ương nuôi từ cá bột lên cá giống không tốt sẽ dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, giá thành sản xuất tăng, lợi nhuận giảm. Vì vậy, bà con đã nghiên cứu, áp dụng những quy trình kỹ thuật ương cá tra giống đạt chất lượng góp phần tạo nên thế mạnh về sản lượng cá tra xuất bán hàng năm đứng đầu trong cả khu vực.

Hơn 11 giờ khuya nhưng điện vẫn sáng choang từ trong nhà ra ngoài đường, tiếng nói, tiếng cười râm ran giữa chủ và khách vẫn liên hồi. Biết chúng tôi hài lòng với việc chuẩn bị cho lễ rước dâu về Quảng Nam vào sáng mai, chú rể (em trai út của tôi) cao hứng hát bài Hồng Ngự mang tên em của tác giả Tô Thanh Tùng "...Hồng Ngự ơi tôi sẽ không bao giờ quên/ Tôi vẫn hay gọi tên em trong những đêm dài lưu luyến/ Em yêu ơi em nào biết trong yêu thương tôi thầm ước/ Sẽ có ngày có ngày sống mãi bên em..." thật tình cảm và da diết.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_212436_dem-o-cu-lao-long-khanh.aspx