Đếm ngược thời gian vệ tinh 'made in Việt Nam' chính thức được phóng lên quỹ đạo

Vào lúc 7h50 sáng ngày mai (18/1), vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản.

Vệ tinh MicroDragon sẽ chính thức được phóng lên quỹ đạo vào ngày 18/1. Ảnh: JAXA

Theo dự kiến trước đó, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam và 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo vào ngày 17/1. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, nhiều mây, lịch phóng vệ tinh sẽ được chuyển sang ngày 18/1. Toàn bộ quá trình phóng vệ tinh lên quỹ đạo sẽ được JAXA tường thuật trực tiếp trên Youtube, thời gian bắt đầu từ lúc 9h25 (giờ Nhật Bản) tức 7h25 (giờ Việt Nam).

Khoảng 1 giờ 5 phút sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon sẽ tách khỏi tên lửa đẩy trên bầu trời Cuba. Khoảng 1-2 ngày sau trạm mặt đất có thể thu nhận những tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh. Sau khoảng thời gian hoạt động thử nghiệm từ 1-3 tháng trên vũ trụ, vệ tinh sẽ vận hành ổn định.

Kế hoạch trình diễn và ra mắt sơ bộ sự kiện phóng vệ tinh cũng chuyển sang ngày 19/1.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho hay, vệ tinh MicroDragon sẽ được tách khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 511 km với vận tốc là 7.6 km/s.

Vào lúc 7h50 sáng 18/1, vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo. Ảnh: JAXA

Được biết, vệ tinh MicroDragon là sản phẩm trong khuôn khổ của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ "Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 01 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản".

MicroDragođược phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ năm 2013 - 2017.

Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Tính đến 9/2017, toàn bộ vệ tinh đã được lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm đúng theo yêu cầu của JAXA. Sau đó vệ tinh được lưu trữ và bảo dưỡng định kỳ tại phòng sạch của Đại học Tokyo và được chuyển cho Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản để chờ phóng.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/dem-nguoc-thoi-gian-ve-tinh-made-in-viet-nam-chinh-thuc-duoc-phong-len-quy-dao-a259728.html