Đem lại hòa bình, thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Quyền tự do hàng hải và trật tự trên biển tuân thủ luật pháp quốc tế là một trong những thành tố quan trọng nhất cho hòa bình, ổn định, cùng thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các diễn giả tham gia đối thoại. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Các diễn giả tham gia đối thoại. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Quyền tự do hàng hải và trật tự trên biển tuân thủ luật pháp quốc tế là một trong những thành tố quan trọng nhất cho hòa bình, ổn định, cùng thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là nội dung được nhiều học giả Nhật Bản và quốc tế nhấn mạnh trong Đối thoại Nhật Bản-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được tổ chức tối 21/1 tại Đại học Meiji, thủ đô Tokyo.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Đối thoại Nhật Bản-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với chủ đề “Trật tự hàng hải và sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Diễn đàn quan hệ quốc tế Nhật Bản (JFIR), Diễn đàn toàn cầu Nhật Bản (GFJ), Viện nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Đại học Meiji (MIGA), Cơ quan hợp tác quốc tế Đại học Meiji, Quỹ “Pathfinder Sri Lanka” và “Routledge Studies on Think Asia” đồng phối hợp tổ chức, có sự tham gia của các giáo sư chính trị, nhà quân sự hàng đầu Nhật Bản và một số nước tham dự.

Đánh giá về vai trò và vị trí của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nguyên Tư lệnh Hải quân Sri Lanka Jayanath Colombage cho rằng đây là khu vực hết sức quan trọng đối với kinh tế toàn cầu, là dòng chảy của dầu khí và hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, trật tự hàng hải tại khu vực này đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức.

Để đảm bảo hòa bình, ổn định và cùng thịnh vượng, các bên cần triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế, phát triển quan hệ đối tác quân sự, an ninh, ngoại giao nhằm đạt được sự tin tưởng, hạn chế tối đa, tránh những xung đột làm leo thang căng thẳng.

Cùng chung quan điểm với nguyên Tư lệnh hải quân Sri Lanka, giáo sư Sato Koichi, Đại học Oberlin Nhật Bản, nhấn mạnh hoạt động duy trì tự do hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có sự tham gia tích cực của Mỹ.

Theo giáo sư Sato Koichi, Mỹ đã gia tăng đáng kể hoạt động duy trì tự do hàng hải tại khu vực, đặc biệt trên Biển Đông. Nếu như năm 2015, Mỹ chỉ có một hoạt động duy trì tự do hàng hải quy mô trên Biển Đông, đến năm 2018 đã tăng lên 5 hoạt động lớn.

Động thái của Mỹ và những thay đổi trong môi trường an ninh cũng đã khiến Nhật Bản ngày càng can thiệp sâu hơn vào các hoạt động an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng với việc củng cố lực lượng phòng vệ, Nhật Bản cũng hướng tới hình thành một lực lượng quân sự đa phương.

Giáo sư Sato Koichi, Đại học Oberlin Nhật Bản phát biểu tại đối thoại. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Những thay đổi của lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng được nguyên Trung tướng Lực lượng phòng vệ mặt đất Bansho Koichiro đề cập. Theo ông Koichiro, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đã có sự thay đổi lớn, trong đó đặc biệt việc Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường hoạt động quân sự trên biển, khiến Nhật Bản phải củng cố sức mạnh lực lượng phòng vệ; phát triển mở rộng thêm những căn cứ quân sự ở đảo xa nằm phía cực Nam như Yonaguni, Ishigaki, Miyako…; đẩy mạnh chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở”; củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ; thúc đẩy liên kết quân sự với các nước, trong đó có việc đưa trở lại Bộ Tứ Nhật-Mỹ-Ấn Độ-Australia để tạo sự cân bằng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong liên kết Nhật-Mỹ-Ấn-Australia nhằm duy trì tự do hàng hải và trật tự theo pháp luật trên biển, nguyên Trưởng ban thông tin chiến lược hải quân Mỹ Kerry Gershaneck đặc biệt đánh giá cao vai trò của Mỹ và Nhật Bản là hai nhân tố trung tâm cho sự thành công của liên kết này, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, hai nước cần tích cực xây dựng những nhiệm vụ chung để phối hợp giữa các lực lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dem-lai-hoa-binh-thinh-vuong-cho-khu-vuc-an-do-duongthai-binh-duong/549730.vnp