Đêm không ngủ của những 'thiên thần cứu hộ' trên đường phố Hà Nội

Khi màn đêm buông xuống, người người trở về nhà sau ngày làm việc dài vất vả cũng là lúc những 'thiên thần cứu hộ' của FAS Angel bắt đầu công việc.

Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người. Có những nạn nhân may mắn được cứu sống nhờ được cấp cứu kịp thời, có những người chỉ vì vài giây muộn màng đã mang theo những thương tật suốt đời hoặc ra đi mãi mãi.

Từng bị bỏ rơi trong chính một tai nạn giao thông kinh hoàng nhiều năm về trước, anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel vẫn còn ám ảnh với những phút giây nằm lại trên đường chờ cứu hộ tới.

Đó là vào năm 2016, anh Việt gặp một tai nạn nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Bị xe máy tông trúng, Việt nằm bất tỉnh trên đường. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm bất động giữa làn đường, cơ thể đông cứng vì những vết thương, duy chỉ có đầu óc vẫn minh mẫn. Anh kể lại, khi đó bản thân cứ ngóng người qua đường với hi vọng được cứu giúp nhưng chỉ thấy những ánh mắt e dè rội vội vàng đi qua.

Cuối cùng, cũng có một người qua đường quyết định đưa anh Việt đi cấp cứu. Nhờ đó, anh may mắn thoát khỏi những hiểm nguy nhưng suốt nhiều năm sau anh vẫn ám ảnh với hình ảnh những ánh mắt vô cảm khi anh đau đớn nằm bên đường.

Cũng chính từ những trải nghiệm đáng quên ấy, với mong muốn không ai bị rơi vào tình cảnh như mình trước đây, anh Việt quyết định thành lập một nhóm sơ cứu lưu động chuyên giúp đỡ những người gặp nạn trên đường, hoạt động chủ yếu ở khu vực Hà Nội.

FAS Angel (First Aid Support Angel) gồm những người tài xế được lập nên từ tháng 9/2019.

Ban đầu FAS Angel chỉ có 5 thành viên là các tài xế xe ôm với nguồn lực tài chính đều tự thân mọi người trong nhóm trích ra từ khoản tiền chạy xe ít ỏi của mình. Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy ý nghĩa nhân văn của tổ chức, nhiều tài xế khác cũng xin tham gia cùng. Cho đến hiện tại con số thành viên của nhóm là hơn 30 người.

Hàng đêm, nhóm sẽ đi vòng quanh các tuyến phố của Hà Nội, hỗ trợ những nạn nhân không may bị tai nạn trên đường, kịp thời sơ cứu nạn nhân và đưa tới bệnh viện. Từng đó thời gian đội của anh Việt đã cứu được khoảng 1.000 người.

"Đội chính là "gia đình" của tôi, thúc đẩy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, xây dựng lại niềm tin giữa người Việt với người Việt, giữa cộng đồng với cộng đồng" - anh Phạm Quốc Việt - người sáng lập FAS Angel chia sẻ.

17h00 chiều một ngày tháng 5, thời tiết Hà Nội oi bức và khó chịu, lúc này nhiệt độ ngoài trời đang là hơn 50 độ C. Nhận được tin báo cấp cứu, anh Vũ Văn Quí – một thành viên nhóm FAS Angel ngay lập tức từ đường Trường Chinh qua tới nơi nạn nhân gặp tai nạn trong vòng 3 phút. Anh hết sức bình tĩnh dìu nạn nhân vào lề đường và thực hiện việc sơ cứu thuần thục. Nếu không có màu áo xanh Grab, chắc hẳn nhiều người xung quanh vẫn tưởng Quí là nhân viên y tế. Khi nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, anh vội bàn giao cho người thân rồi rảo bước vào dòng người chẳng kịp nhận lấy lời cảm ơn từ người bị nạn đang trong cơn rối ren.

Còn đối với anh Phạm Quốc Việt, đã bao năm nay những câu chuyện về những vụ tai nạn thương tâm, hình ảnh đâu đó không may có những người gặp nạn bơ vơ giữa đêm và những ám ảnh quá khứ đã luôn thôi thúc anh lên đường hằng đêm.

Trong những chuyến đi đặc biệt của mình, anh Phạm Quốc Việt kể lại, có những đêm, anh tưởng như không thể ngủ được. Đó là khi anh gặp những ca tai nạn nặng, xong sơ cứu nạn nhân anh vội đưa vào bệnh viện nhưng không thể liên hệ với thân nhân. Vậy là, anh lại một mình làm thủ tục nhập viện, rồi một mình nằm co ro trên chiếc ghế hành lang phòng bệnh để trông người bị nạn.

Hay có những đêm, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, anh gặp tới 4 vụ va chạm, hàng chục người bị thương, có những người anh phải bất lực nhìn họ ra đi mãi mãi.

“Những lúc đó lòng tôi nặng trĩu. Hãy đừng vội vàng để xảy ra tai nạn thương tâm như vậy!”, anh Việt buồn rầu chia sẻ.

Anh ngậm ngùi kể lại: “Trong thời gian đi làm công việc thiện nguyện này, anh bắt gặp không ít những hoàn cảnh éo le nhưng không thể giúp người bị nạn được điều gì. Một phần nào đó, tôi cũng đã ở bên họ trao cho họ ít hy vọng và bên cạnh họ khi họ sắp “rời đi”. Tôi đã ở bên rất nhiều nạn nhân của những vụ tai nạn nặng. Họ đã nắm chặt lấy tay tôi, đôi mắt của họ ám ảnh tôi bởi những khao khát được giúp đỡ, được cứu sống”.

Làm công việc "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng" nhưng có không ít lần anh Việt phải đối diện với nguy hiểm để cứu sống nạn nhân của những vụ mâu thuẫn đâm chém nhau giữa đêm.

“Có lần một thanh niên không hiểu vì lý do gì bị một nhóm thanh niên khác chém trọng thương trên đường Nguyễn Xiển. Lúc mình tiếp cận thì thanh niên này mất rất nhiều máu và cánh tay phải bị tổn thương nghiêm trọng với nhiều vết chém”, anh Việt kể lại.

Thấy vậy anh Việt đã dừng xe và cố can ngăn đám thanh niên rồi cùng một số người dân ở đó băng bó cho người bị nạn. Thế nhưng sau khoảng 10 phút thì tốp thanh niên kia quay lại với đông người hơn và có đầy đủ vũ khí nóng. Mọi người xung quanh bỏ chạy hết chỉ còn nạn nhân, Việt đành phải dồn hết sự dũng cảm đứng ra che cho nạn nhân và nói: “Nó sắp chết đến nơi rồi! Chúng mày còn muốn giết người sao!”. Sau đó, Việt lại tiếp tục ngồi và băng bó cầm máu cho nạn nhân. Số người kia đứng nhìn một lúc thấy vậy rồi cũng bỏ đi.

Anh nhớ lại với giọng run rẩy: “Lúc đó bản thân mình rất sợ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi mình và nạn nhân có thể mất mạng”.

Trong một lần khác có một người mẹ trẻ chở hai đứa nhỏ đi học trên đường Trường Chinh. Lúc dừng đèn đỏ, Việt có nhắc chị đội mũ bảo hiểm cho con và nhận được cái nhìn khó chịu của người phụ nữ kia. Khoảng 2 phút sau, anh Việt phát hiện tai nạn phía trước vội chạy tới thì phát hiện nạn nhân chính là 3 mẹ con kia.

Thật không may, bé gái bị gãy tay trái do người mẹ vừa đi vừa sử dụng điện thoại. Còn bé trai nhỏ hơn bị rách trán. Thấy vậy Việt vội dừng xe lại giúp đỡ 3 mẹ con mà lòng không khỏi trăn trở, giá người mẹ kia cẩn thận hơn chút thì điều đáng tiếc đã không xảy ra.

"Qua công việc thiện nguyện đã làm tôi nhận thấy việc sơ cấp cứu ban đầu thật sự quan trọng. Người bị nạn thường rất hoảng sợ và sự quyết định việc chữa lành sau này có hiệu quả cao hay không phụ thuộc lớn vào việc sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. Đây chính là điều cốt lõi để tôi xây dựng lên FAS Angel", anh Việt chia sẻ.

Trong dòng nhật ký ngày 9/6/2020, anh Việt viết: “Đêm nay tôi lại đi tuần, vẫn như mọi ngày tôi vẫn mong muốn mọi sự bình an đến với tất cả. Để tất cả chúng ta có thể an lành giấc ngủ bên người mình yêu thương!”.

Mỗi câu chuyện và những trăn trở của anh Việt cùng đồng đội đủ để mỗi chúng ta nhận ra rằng, lòng tốt thực sự là những hi sinh của bản thân cho cộng đồng. Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé nhưng đáng trân trọng của các anh sẽ góp phần xoa dịu đi nhiều nỗi đau và sự cô đơn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/dem-khong-ngu-cua-nhung-thien-than-cuu-ho-tren-duong-pho-ha-noi-d158714.html