Đêm đông bên phin cà phê

Đêm đông lạnh, ngồi một mình bên phin cà phê chảy từng giọt, tỏa hương thơm, tôi miên man nghĩ về cái thú của người Hà Nội xưa.

“Giọt mưa thu tí tách rơi”

Đất Hà thành hoa lệ thời ấy, đi qua các phố Tây, phố ta, tôi đã thấy nhiều hàng cà phê, trước mặt mỗi người khách đều có chiếc phin nhỏ cứ chờ “giọt mưa thu tí tách rơi” vào tách sứ đặt trong bát nước sôi. Mùa đông giá lạnh, khách kéo sụp mũ phớt, dựng đứng cổ áo veston, bâng khuâng suy nghĩ hoặc trò chuyện rủ rỉ trong khói thuốc thơm lan tỏa. Nhớ những năm 1940 thế kỷ trước, cà phê Tống ở chợ Đuổi, cà phê Ngôn ở ngõ Hàng Giầy là hai hàng nổi tiếng một thời Hà Nội 36 phố phường.

Còn những ông ký sở công, sở tư, những bác thợ lương ít, cả cách học sinh nghèo đi học trọ, sáng sáng lại chỉ uống cà phê noa (đen) hoặc cà phê ô le (sữa) ăn với bánh Tây của những người gánh răng theo lối ghi sổ, cuối tháng lương hoặc nhận được tiền nhà gửi lên sẽ trả. Chỉ có điều cà phê ấy pha bằng túi vải mới nhanh, cho kịp giờ đi làm, đi học.

Cà phê đi kháng chiến

Rồi cà phê theo người Hà Nội đi kháng chiến. Từ trí thức, công chức đến văn nghệ sĩ - giờ đây số đông đã đi xa hoặc già làm rồi - vẫn còn nhớ Cống Thần, chợ Đại, Đông Quan, Yên Mô, Phát Diệm, Đống Năm, Diêm Điền, Rừng Thông, Ct. Bố, Bố Hạ, Đại Từ... - những vùng tự do đông vui trên các nẻo đường thời chống Pháp thiếu thốn, gian khổ trăm bề nhưng hàng cà phê vẫn mọc lên trong những mái gianh đơn sơ, thấp thoáng mái tóc bồng bềnh, mái tóc thề và cánh áo trắng thêu bộ dế của các bà, các cô thiếu nữ dịu dàng, e lệ, có nụ cười và cách tiếp khách rất là Nội.

Nửa đêm khuya lạnh, đội biệt động Thủ đô của ông Tạ Đình Đề đập liếp quán cà phê ông Nhân ở vùng Vân Đình. Biết khách quen, chủ quán trở dậy, thắp đèn, mở liếp. Mấy chiến sĩ biệt động súng ngắn bên hông, nắm chặt tay ông bạn Hà Nội và ngồi chờ. Khi phin cà phê chảy những giọt đầu tiên, các chàng trai sành sỏi bôi vào điếu thuốc thơm, rít mạnh hơi dài như xua đi nỗi mệt nhọc của cuộc hành quân đường dài. Khi cà phê chảy hết, người không dùng đường, người chỉ dùng tí chút, chứng tỏ họ là dân đã... nghiện nặng.

Hà Nội trong kinh tế thị trường có hàng trăm tiệm cà phê “bung” ra, chân phương như cô gái đồng nội, không có tiếng nhạc rên rĩ.

Cứ nhấp từng ngụm nóng ran, cảm nhận cái vị đắng ngọt nơi đầu lưỡi, kể rằng, lan ra trong miệng và ở cổ họng, mới thấy cái mê ly. Cái khoái cảm của cà phê phin đặc sánh. Rồi họ trả tiền, cảm ơn, lại lao vào bóng đêm dày đặc. Đập liếp đòi uống giữa canh hai, canh ba vắng lặng, còn những chàng trai Vệ quốc, quần áo lấm bụi trường chinh - vốn là thanh niên các liên khu, học sinh Hà Nội, từng là tự vệ sao vuông, dũng cảm và lãng mạn tiểu tư sản - lại cả các Tướng Hoàng Sâm, Hoàng Minh Thảo nữa chứ. Các văn nghệ sĩ cuốc bộ vài chục cây số đến quán để tìm nhau, uống với nhau một tách do chính tay người Hà Nội pha.

Cà phê nối liền một dải

Ngồi đây mà lòng nhớ về mặt hồ Gươm xanh màu cốm hàng phượng vĩ nở chói chang đường Cổ Ngư đầy ắp kỷ niệm. Và nhạc phẩm “Cô hàng cà phê” của Phạm Duy đã ra đời từ chợ Dầu, cửa ngõ vùng tự do.

Trong khi ấy, ở Hà Nội tạm chiếm, những năm 1951-1960, lại nổi lên nhiều tiệm cà phê nhưng có tiếng vẫn là cà phê Nhân từ vùng Vân Đình trở về. Tiệm nào cũng đông khách vì một lẽ là cà phê ngon pha bằng phin. Những năm 1960, Hà Nội xuất hiện tiếp những cà phê Giảng - Cầu Gỗ, cà phê Hói - Bà Triệu (từ phở chuyển sang), cà phê Nhĩ - Chả Cá ...

Tới sau ngày đất nước nối liền một dải, nguồn cà phê từ trong Nam tràn ra phong phú, phố phường, vỉa hè Thủ đô nhan nhản hàng cà phê. Cũng từ đó, cái thú cà phê phin hầu như không còn nữa. Chính vì thế, không ít người Hà Nội gốc nghiện cà phê, đành quay về nhà pha lấy để dùng vào mỗi buổi sáng, sau bữa điểm tâm, có khi uống xong đi làm luôn, không cần ăn lót dạ.

Thế nào là cà phê ngon?

Nhà báo thể thao Trịnh My (80 tuổi), làm Báo Tin Mới từ năm 1938, nay đã mất, nghiện cà phê từ thuở còn cà phê gánh rong phố Hà Nội. Buổi sáng là giờ uống của ông. Khi ba thìa cà phê đầy trong phin bắt đầu nhỏ giọt, ông mới kể rằng cà phê du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1920, bắt đầu từ Metropole, Coq door... những khách sạn của Tây, và chẳng bao lâu lan ra ngoài, về các tỉnh. Rồi câu chuyện người Tây đưa nhiều giống cà phê sang trồng từ Bắc vào Nam, nghe thật lôi cuốn. Trả lời câu hỏi: “Thế nào là cà phê ngon?”. Ông khẳng định: “Dù có hạt cà phê chồn ăn rất hiếm thấy hay hạt cà phê Buôn Mê Thuột mà không có kỹ thuật rang, xay và phối chế với cà phê khác thì chưa chắc đã có tách cà phê thơm ngon”.

Lại nói đến đận vào tham quan cố đô Huế, đoàn nhà báo hưu trí Hà Nội rất ngạc nhiên khi thấy trong quán cà phê Sérénade ở sân Hội nhà báo Thừa Thiên - Huế, các nhà báo đang trò chuyện bên những chiếc phin cà phê trắng xóa các dãy bàn. Không ngờ ở cố đô Huế vẫn còn cái thú cà phê phin!

Tới khi vào Sài Gòn, buổi sáng ngồi nhấp ly cà phê ở vỉa hè với cánh nhà báo trẻ, lại có cảm giác như uống nước vối loãng pha đường. Trái lại, người Sài Gòn dùng cà phê ở mấy quán tư nhân có tiếng ở Hà Nội, rất ưng ý vì chất đậm đặc, vị đắng, hương thơm cứ vương mãi nơi vòm miệng. Còn người nước ngoài sống ở Hà Nội công nhận cà phê Việt Nam tuyệt vời nhưng lại không uống đặc vì họ đã quen “gu” cà phê hòa tan. Nhân đây, cũng cần biết Thụy Sĩ và Pháp không có cây cà phê nhưng lại đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê hòa tan đóng hộp.

Cà phê “danh bất hư truyền”

Rồi đầu năm vừa qua, ông bạn học cũ ở Pháp gửi thư về chúc Tết, không quên hỏi “Những tiệm cà phê cũ có còn không?”. Tôi đã trả lời ông bạn vong niên biết Hà Nội trong kinh tế thị trường có hàng trăm tiệm cà phê “bung” ra, chân phương như cô gái đồng nội, không có tiếng nhạc rên rĩ bởi chủ tiệm hiểu tâm lý khách tới đây để mượn cái không gian yên ắng mà thủ thỉ tâm sự lứa đôi hoặc bàn chuyện làm ăn, trao đổi thông tin mới, bên ly cà phê quyến rũ.

Và một số chủ tiệm nổi tiếng thời xưa như cà phê Nhân ở ngõ Hàng Hành, cà phê Hói ở Bà Triệu, cà phê Giảng ở Hàng Gai, cà phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, cà phê Thái ở Triệu Việt Vương... vẫn còn đó. Chỉ khác bây giờ đã chuyển sang thế hệ mới, con cháu nhờ vào cái tiếng cũ của cha ông mà ăn lộc. Khách đông cả ngày lẫn đêm nhưng từ lâu các tiệm quen dùng cà phê pha sẵn, chỉ việc hâm thật nóng, phải chăng để tăng nhanh vòng quay khách hàng?

Tôi cũng nói để ông bạn biết thứ cà phê khách sạn Metropole đang phục vụ du khách từ các đại dương, châu lục xa xôi, là cà phê của ông Nhân đấy. Các bạn ở Đại sứ quán Nga, bà con Việt Kiều gốc Hà Nội, trước khi rời Việt Nam, thường đến mua cà phê Nhân về làm quà. Châu Âu, châu Mỹ thiếu gì các loại cà phê nổi tiếng toàn cầu nhưng cà phê Nhân từ lâu đã thuộc loại “danh bất hư truyền” uống một lần nhớ mãi cái hương vị riêng ấy.

Nhà báo Thọ Cao

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/dem-dong-ben-phin-ca-phe/759325.antd