Đêm cuối cùng Damascus là La Mã

Đêm 18, rạng ngày 19-9-634, thành Damascus có một lễ hội. Cho dù ngôi thành ấy, lúc đó vẫn thuộc lãnh thổ của đế quốc Đông La Mã (Byzantine) đang bị bao vây bởi trùng điệp quân Hồi giáo thuộc đế chế Rashidun Caliphate suốt gần một tháng qua, thì lễ hội ấy vẫn cứ được tổ chức.

Chỉ có điều, thông tin về lễ hội đã bị Khalid ibn al-Walid - chỉ huy của đoàn quân vây thành - nắm được. Và ông cấp tốc hành động. Damascus thất thủ. Từ phương Đông, quân Hồi đã mở toang được cánh cửa đột phá để đánh thẳng vào thế giới La Mã. Thậm chí, chỉ đến năm 711, gần như toàn bộ bán đảo Iberia nằm dưới ách thống trị của những lá cờ nửa vành trăng.

Thanh kiếm của Đấng Allah

Đó chính là biệt danh mà người sau đặt cho Khalid ibn al-Walid, viên đại tướng phá lũy công thành dưới tay nhà tiên tri Muhammad. Ông đã góp công lớn trên tiến trình "dựng nghiệp" dưới cờ Muhammad tại Bán đảo Arab, cũng như khi tiến sang Ba Tư đánh bại những đoàn quân của đế chế Sasanid, chinh phạt vùng Lưỡng Hà ở phương Đông. Và lần này, trên đường công kích những thành lũy Đông La Mã, hướng đến Địa Trung Hải, Khalid cũng vẫn được giao trọng trách tiên phong, bên cạnh Sultan (Hồi vương) Abu Bakr ngự giá thân chinh.

Sức tiến công dũng mãnh của quân Hồi.

Sức tiến công dũng mãnh của quân Hồi.

Nhanh chóng đánh bạt những đội quân đồn trú với sức chiến đấu yếu kém của Byzantine ở các vùng lân cận, Hồi binh hội quân dưới cửa thành Damascus. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm cầm quân dày dạn và sự cẩn trọng, Khalid hiểu rõ rằng đoàn chiến binh Hồi giáo dưới tay mình không đủ phương tiện để thực hiện một trận "công kiên chiến" nhanh gọn. Ông không thể xua quân tế ngựa lên tường thành, cũng không có cách gì giảm thiểu thương vong cho lính của mình trước những tay cung Byzntine được che chắn kỹ lưỡng, từ trên cao bắn xuống.

Do đó, ông chọn một cách tiếp cận khác. Những kẻ chinh phạt Arab bao vây thành phố từ mọi phía, cắt đứt mọi nguồn cung cấp và thông tin liên lạc. Đến cuối tháng 8-634, Damascus đã bị chia cắt hoàn toàn với phần còn lại của đế chế Đông La Mã.

Thực ra, chiến thuật của người Hồi giáo Arab rất đơn giản: Làm cho thành phố này lâm vào cảnh chết đói, hoặc không còn sức chịu đựng, cho đến khi họ đầu hàng. Một kế hoạch xưa cũ, nhưng vẫn luôn hiệu quả trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Tất cả sáu cổng vào thành phố đều được canh gác nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Khalid ra lệnh không cho bất cứ nhân tố Byzantine nào được phép tiếp cận Damascus, và trù hoạch sẵn những phương án "vây thành, diệt viện".

Vào đầu tháng 9, Hoàng đế La Mã Heraclius đã cử một đội quân đến giải vây. Khalid, tập hợp khoảng 10.000 người của mình, bày trận mai phục. Ông đánh kẹp quân đội Byzantine từ hai phía, dễ dàng hủy diệt đoàn viện binh này. Chiến thắng thần tốc cũng như tốc độ của các đội kỵ binh du mục cho phép Khalid lập tức siết chặt vòng vây trở lại quanh thành phố Damascus, trước khi quân phòng thủ có thể tổ chức bất kỳ cuộc đột kích nào.

Phải đến một tuần sau, khi những cơ hội đã thực sự trôi qua, chỉ huy đơn vị đồn trú của La Mã ở Damascus - một viên tướng tên Thomas, theo các nguồn thư tịch cổ - mới quyết định tổ chức phá vây. Những nỗ lực của người Byzantine bắt đầu bằng cơn mưa tên trút vào các chiến tuyến Hồi giáo. Bộ binh Byzantine, được hỗ trợ bởi lực lượng cung thủ trên tường thành, hàng ngũ chỉnh tề lao qua những cánh cổng. Tuy nhiên, chờ đợi họ là những khối đội hình hàng vạn quân Hồi giáo được sắp xếp cực kỳ vững chắc. Cuộc tấn công của quân phòng ngự, dĩ nhiên, không đem lại kết quả nào. Bản thân Thomas cũng bị thương, bởi một mũi tên bắn vào mắt (theo trang War History), khi đang xông pha giữa đám loạn chiến.

"Thanh kiếm của Đấng Allah" đã sẵn sàng chém xuống nhát quyết định.

Một di tích cổng La Mã còn sót lại tại Damascus.

Cơ hội bất ngờ

Nhưng, mọi chuyện thậm chí còn dễ dàng hơn quá nhiều, so với dự tính của Khalid là phải chờ đợi đến khi quân thủ thành thực sự kiệt quệ.

Sáng 18/9, một kẻ phản bội bản địa - tên là Jonah - mật báo cho Khalid về lễ hội sẽ diễn ra đêm đó, trong thành. Lễ hội ấy tạo cho quân Hồi cơ hội tập kích vào những phòng tuyến đã trở nên mỏng manh đi rất nhiều. Động cơ của Jonah, như ghi chép để lại, là muốn được hưởng quyền miễn trừ cho mình cũng như cho vị hôn thê - người vợ mà y chưa được phép cưới do chiến sự diễn ra. Jonah thậm chí còn sẵn sàng cải đạo sang làm một tín đồ Hồi giáo. Điều éo le là sau này, khi thành đã bị phá, người vợ chưa cưới ấy lại từ chối thành hôn với y.

Không có đủ thời gian để lập một kế hoạch phối hợp công kích cho toàn quân, Khalid quyết định tự dẫn cánh quân dưới trướng mình xông vào cổng phía Đông, nơi kiên cố nhất, và vì thế cũng bị phòng thủ lơ là nhất, không có lính bảo vệ trên đỉnh. Theo những gì được kể lại, những thân binh thiện chiến nhất của Khalid cùng ông trèo tường bằng tay từ bên cạnh cổng. Lên đến đỉnh, họ buộc dây vào tường và thả chúng cho đoàn quân đang đợi ở dưới. Kế đó, Khalid dẫn thân quân của mình tiến vào, giết lính canh cổng, mở tung cửa thành.

Thomas đã cố gắng cứu Damascus lần cuối. Ông cử các phái viên đến cổng Jabiya để nói chuyện với Abu Ubaidah, người chỉ huy của quân Hồi ở phía ấy, và đề nghị đầu hàng, bàn giao thành phố một cách hòa bình. Abu Ubaidah, bất chiến tự nhiên thành, chấp nhận các điều khoản, do tin rằng Khalid cũng sẽ đồng ý.

Tin tức được gửi đến tất cả các cánh quân đang bao vây kín Damascus. Sau bình minh, Abu Ubaidah và các chỉ huy khác tiến vào thành từ hướng của họ, trong khi cánh quân Khalid vẫn đang chiến đấu, đánh giết hăng say. Họ gặp nhau ở trung tâm thành phố. Tại đó, Khalid miễn cưỡng gật đầu với thỏa thuận đầu hàng mà Abu Ubaidah đã tiếp nhận từ Thomas.

Đó là một thỏa thuận kỳ lạ, xét từ góc nhìn hiện đại, với các điều khoản: Không ai bị bắt làm nô lệ, không đền đài thờ tự nào bị làm tổn hại, không có gì bị coi là chiến lợi phẩm, và sẽ có một hành lang an toàn để Thomas cùng những người dân không muốn ở lại rút đi. Song, thỏa thuận này lại chỉ có hiệu lực trong vòng ba ngày.

Bởi vậy, sau ba ngày đó, Khalid dẫn kỵ binh truy đuổi đoàn người chạy trốn, và bắt kịp họ trong một cơn mưa, trong trận Marj-ud-Debaj. Thomas bị giết. Vợ của ông, tức là con gái Hoàng đế Byzantine Heraclius, bị bắt. Rất nhiều của cải bị cướp đoạt. Rất nhiều người trở thành nô lệ.

Nhưng quan trọng hơn, sau khi bị tiến chiếm, Damascus trở thành một trung tâm văn hóa của tôn giáo Hồi giáo. Nó được chỉ định làm kinh đô đầu tiên của Syria và sau đó là thủ đô của đế quốc Umayyad Caliphate hùng mạnh. Thành phố này trở thành biểu tượng mới cho sự hợp nhất của văn hóa Arab, với tiếng Arab là ngôn ngữ chính thức, và Hồi giáo chiếm vị trí độc tôn. Nó đánh dấu sức cường thịnh của một thế lực mới đang trỗi dậy, phủ bóng đen uy hiếp toàn cõi cựu lục địa Nó là nguyên nhân sâu xa để gần 400 năm sau, thế giới phương Tây đi vào kỷ nguyên của các cuộc Thập tự chinh.

Từ cánh cửa mở Damascus, chỉ mất vài thập kỷ, thiết kỵ Hồi giáo đã tung hoành khắp duyên hải Bắc Phi, và các hạm đội của họ cũng ngang dọc trên Địa Trung Hải, chia sẻ quyền bá chủ với hạm đội Byzantine. Trong khi đó, vượt qua eo biển Gilbraltar, quân Hồi rầm rập đổ vào bán đảo Iberia, rồi họ thực sự trở thành chủ nhân của các miền đất Tây Ban Nha hiện đại suốt 7 thế kỷ.

Damascus, cho phần đông cư dân vẫn theo Chính thống giáo Đông phương, không bao giờ còn là một phần của Byzantine cũng như nền văn minh La Mã nữa.

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/dem-cuoi-cung-damascus-la-la-ma-i668696/