DeepStrike Mỹ diệt mục tiêu chính xác tuyệt đối, trở thành khắc tinh tên lửa Nga

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Raytheon của Mỹ tuyên bố đã thử thành công một đầu đạn tiên tiến cho tên lửa đạn đạo thế hệ mới, tạo tiền đề cho cuộc kiểm tra đánh giá toàn diện vũ khí này vào cuối năm nay.

 “Thử nghiệm này trên nền tảng bài đánh giá thiết kế sơ bộ thành công của DeepStrike, cho thấy chúng tôi đang tiến nhanh đến mức nào”, tiến sĩ Thomas Bussing - phó chủ tịch Raytheon Advanced Missile Systems cho biết.

“Thử nghiệm này trên nền tảng bài đánh giá thiết kế sơ bộ thành công của DeepStrike, cho thấy chúng tôi đang tiến nhanh đến mức nào”, tiến sĩ Thomas Bussing - phó chủ tịch Raytheon Advanced Missile Systems cho biết.

Với công nghệ tiên tiến cũng như chuyên môn về thiết kế và phát triển tên lửa, Raytheon có vai trò đặc biệt trong việc cung cấp cho quân đội loại tên lửa đối đất tầm xa tốt nhất có thể, ông Bussing nói thêm.

Loại vũ khí được nhắc đến phía trên chính là tên lửa đạn đạo thế hệ mới DeepStrike - sản phẩm nằm trong khuôn khổ chương trình quân sự Long-Range Precision Fire (LRPF) - tạm dịch là "Vũ khí chính xác tầm xa".

Mục tiêu của chương trình LRPF là cho ra đời loại vũ khí công nghệ cao, có tầm bắn rất xa. Chương trình này gồm cả giai đoạn phát triển, thử nghiệm bắn đạn thật để đảm bảo thiết kế hoàn chỉnh và sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2019.

Bộ quốc phòng Mỹ và Raytheon đã ký một hợp đồng trị giá 116,4 triệu USD với nội dung "hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ sản xuất cho chương trình LRPF” vào cuối năm 2016, sản phẩm chính là tên lửa DeepStrike.

Tầm bắn của tên lửa DeepStrike trong khoảng 60 - 499 km, xa hơn nhiều so với con số 300 km của hệ thống M270 MLRS và M142 HIMARS đời cũ, và nhỉnh hơn một chút so với 480 km của Iskander-M.

Tập đoàn Raytheon nhấn mạnh rằng, tên lửa DeepStrike thế hệ mới sẽ có kích thước chỉ bằng một nửa nhưng đầu đạn nó mang theo thì mạnh hơn các loại tên lửa đang có trong trang bị của quân đội Mỹ.

Không chỉ có tầm bắn xa hơn, độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu của tên lửa DeepStrike do Raytheon nghiên cứu phát triển hơn thế hệ tên lửa cũ.

Tập đoàn Raytheon đã chính thức tích hợp DeepStrike vào hệ thống pháo phản lực bắn loạt M270 MLRS và M142 HIMARS để thay thế cho các loại đạn tên lửa có trong biên chế mà theo họ thì đã lỗi thời.

Hệ thống DeepStrike có thể bắn hai tên lửa từ một ống phóng đơn, điều này không chỉ giảm chi phí mà còn tăng công suất thiết bị lên tới 40% so với hệ thống ATMS hiện tại.

Quân đội Mỹ xác định rằng chương trình vũ khí này là ưu tiên hàng đầu và đã đẩy nhanh tiến độ mua lại tên lửa để cung cấp khả năng sớm trong năm tài chính 2023.

Giai đoạn đầu tên lửa DeepStrike chỉ có thể sử dụng từ bệ phóng M142. Một quan chức chương trình tuyên bố rằng các hệ thống cũ trên nền tảng M270 cần phải cập nhật trước khi phần mềm mới có thể được tích hợp.

Tuy nhiên có thể dự báo rằng quá trình này sẽ không tốn quá nhiều thời gian sửa đổi, bởi nền tảng M142 HIMARS lẫn M270 MLRS là hai vũ khí được xem là có chung nguồn gốc .

Theo văn phòng chương trình phát triển vũ khí của Raytheon, tiến độ thực hiện với thời gian hiện tại phản ánh sự tăng tốc của lịch trình đã được phê duyệt.

Điều này cũng phù hợp với mong muốn của lãnh đạo quân đội Mỹ về khả năng khởi động trong năm tài chính 2023, hoàn thành thử nghiệm trong năm tài chính 2024 và bắt đầu sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn.

Tên lửa DeepStrike của Mỹ được xem như "sát thủ Iskander", nó sẽ lĩnh vai trò tấn công, tiêu diệt tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật của quân đội Nga trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-deepstrike-my-diet-muc-tieu-chinh-xac-tuyet-doi-tro-thanh-khac-tinh-ten-lua-nga/811635.antd