Deadpool 2: Lầy lội, bạo lực và không dành cho người nghiêm túc

Sau thành công của phần đầu, 'Deadpool 2' tiếp tục được ra mắt và phát huy những yếu tố làm nên thành công của phần đầu tiên, đặc biệt là mảng hài hước.

Năm 2016, những người hâm mộ các bộ phim siêu anh hùng được thử cảm giác mới lạ với một nhân vật "phản anh hùng" mang tên Deadpool (Ryan Reynolds thủ vai).

Thay vì sử dụng năng lực để cứu thế giới, nhân vật Wade Wilson/Deadpool lại dùng nó để giải quyết vấn đề cá nhân. Deadpool cũng không cố tỏ ra gương mẫu khi thường xuyên nói tục chửi thề và làm nghề đánh thuê.

Phong cách "lầy lội" kèm theo những màn hành động 18+ khác hẳn với ranh giới an toàn thường thấy tại các phim Marvel giúp bộ phim "Deadpool" thành công rực rỡ.

Bộ phim có kinh phí chỉ 58 triệu USD này phá vỡ hàng loạt kỷ lục doanh thu khi mới ra mắt và trở thành phim hạng R (cấm khán giả dưới 17 tuổi) ăn khách nhất trong lịch sử. Trên nền tảng đó, "Deadpool 2" tiếp tục được ra mắt và phát huy những yếu tố làm nên thành công của phần đầu tiên, đặc biệt là mảng hài hước.

Trong "Deadpool 2," anh chàng lính đánh thuê này rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý sau một biến cố bất ngờ. Để cứu rỗi tâm hồn, anh quyết định tham gia nhóm X-Men và nhận nhiệm vụ cảm hóa dị nhân nhí bất trị Russell có biệt danh "Firefist" (Julian Dennison).

Điệp vụ của chàng Deadpool trở nên khó khăn gấp bội với sự xuất hiện của Cable (Joshn Brolin) - một chiến binh từ tương lai trở về quá khứ để trừ khử Russell. Không thể một mình ngăn chặn Cable, Deadpool đành thành lập một nhóm những người có năng lực với biệt danh "X-Force"...

Điều khiến "Deadpool" thu về tới 783 triệu USD và trở thành phim "X-Men" ăn khách nhất từ trước tới nay là yếu tố độc đáo của bộ phim. Thay vì đưa câu chuyện theo hướng nghiêm túc và đặt trong vùng an toàn "PG-13," êkíp làm phim lại chọn cách trung thành với bộ truyện comic gốc "lầy lội," bạo lực và không dành cho những người nghiêm túc.

Trong phim, nhân vật Deadpool có thể thoải mái phá vỡ "bức tường thứ tư" để trò chuyện trực tiếp với khán giả. Đây là điểm cộng đem lại sự khác biệt lớn giữa "Deadpool" với phần còn lại, bởi không nhiều phim có những nhân vật nhìn thẳng vào ống kính để đàm đạo với người xem như "Deadpool" hay loạt phim "House of Cards."

Đội ngũ marketing cho "Deadpool 2" hiểu được yếu tố ăn điểm của phim và có nhiều đoạn quảng cáo sáng tạo với sự tham gia của những nghệ sỹ, thương hiệu nổi tiếng như Celine Dion, David Beckham hay Manchester United... giúp khán giả càng thêm háo hức với dự án này.

Kết quả một "Deadpool 2" thành công về chất lượng, với đánh giá trên IMDB và Rotten Tomatoes đang lần lượt là 8,3/10 và 88%.

Các câu thoại bông phèng, vui nhộn giúp dàn diễn viên - đặc biệt là tài tử Ryan Reynolds - có thể phát huy tối đa phong cách diễn hài. Sau thành công của phần đầu, Reynolds tham gia phần tiếp theo không chỉ với tư cách diễn viên mà còn đóng góp cho kịch bản. Đây là một sự bổ sung quý giá bởi những ai theo dõi Reynolds trên mạng xã hội đều biết ông xã của Blake Lively là một người hài hước, có nhiều nét tương đồng với chính Deadpool.

Khán giả có thể bật cười thoải mái khi chứng kiến nhân vật Deadpool buông những câu đùa châm chọc những phim của DC, gọi nhân vật Cable là Thanos (diễn viên Josh Brolin đóng Cable vừa thủ vai Thanos trong bom tấn Avengers: Infinity War) hay khi xem đoạn mở đầu đầu phim được dựng lại theo phong cách James Bond...

Để có thể tận hưởng "Deadpool 2" một cách tối đa, người xem không nên đến rạp với tâm thế sẽ xem một phim nghiêm túc. Ngoài ra, khán giả cũng nên có những kiến thức nhất định về văn hóa đại chúng Mỹ. Bằng không, rất nhiều câu đùa thú vị trong phim liên quan tới phim ảnh, người nổi tiếng... sẽ chỉ là những câu thoại vô thưởng vô phạt.

"Deadpool 2" được nhiều nhà phê bình đánh giá là thậm chí còn có chất lượng tốt hơn phần đầu tiên. Câu chuyện được xây dựng tuyến tính chặt chẽ, hợp lý và các nhân vật phụ như Cable, Russell hay cô nàng may mắn Domino (Zazie Beetz) đều có những khoảnh khắc ấn tượng. Phần thoại hài của phim được đại chúng hóa hơn so với tập phim hai năm trước đó, đủ để khán giả có những hiểu biết nhất định về văn hóa đại chúng là có thể hiểu được sự mỉa mai, châm biếm duyên dáng của phim.

Những cảnh hành động của phim được dàn dựng đẹp mắt, đặc biệt là trường đoạn nhóm X-Force tìm cách giải cứu Russell. Cảnh phim trên mang lại tính giải trí cao khi cân bằng được hai yếu tố gay cấn và hài hước khiến khán giả không muốn rời mắt khỏi màn hình. Khi xem phim, người xem nên chú ý tập trung bởi tài tử Brad Pitt có một vai diễn cameo vui nhộn chỉ thoáng qua vài giây. Bên cạnh đó, "Deadpool 2" còn có hai đoạn phim ngắn vô cùng hài hước ở khúc credit cuối phim, trong đó đoạn phim cuối cùng xứng đáng là một trong những after-credit vui nhộn nhất lịch sử điện ảnh.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những điểm trừ, tiêu biểu như cảnh chiến đấu cuối phim được dàn dựng dàn trải, thiếu điểm nhấn cảm xúc.” Phần hai cũng tập trung vào những nhân vật mới và khiến các nhân vật được ưa thích ở phần đầu như Negasonic Teenage Warhead hay Weasel ít đất diễn hơn.

Nhưng đó không phải vấn đề lớn bởi về tổng thể, "Deadpool 2" đã kế thừa xuất sắc thành công của phần đầu tiên, phát huy phong cách "bựa," "lầy lội" độc nhất vô nhị. Tài tử Ryan Reynolds cho thấy anh và Deadpool là "trời sinh một cặp" và thậm chí còn sẵn sàng tự mỉa mai bản thân mình trong phim. Để thưởng thức "Deadpool 2" một cách trọn vẹn, khán giả nên xem qua phần đầu, có những hiểu biết về văn hóa đại chúng Mỹ và đặc biệt là... không nên nghiêm túc quá./.

Hồng Nhung (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/deadpool-2-lay-loi-bao-luc-va-khong-danh-cho-nguoi-nghiem-tuc/503594.vnp