Để xứng danh hai chữ Nhà Báo!

Nghề báo là một nghề cao quý nhưng đầy nguy hiểm, đó là câu nói cửa miệng củanhững người làm nghề, đặc biệt là những 'cây đa cây đề' trong nghề báo đã thấm thíavới mọi nhọc nhằn, gian khó mà nghề báo đem lại.

Nhà báo tác nghiệp trên biển. Ảnh: Huy Long

Nhà báo tác nghiệp trên biển. Ảnh: Huy Long

Mỗi năm đến ngày 21/6 (Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam), tôi cùng các đồng nghiệp trẻ lại trăn trở, suy nghĩ về nghề, để viết làm sao cho đúng và trúng, trở thành một nhà báo tử tế, “bút lửa”...

Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết

Tôi đã từng được đọc nhiều bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe giảng về đạo đức, phong cách viết của Người từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, đôi khi chỉ là những bài chân dung về một người tốt, một tấm gương điển hình chiến đấu, lao động giỏi, một hoàn cảnh biết vượt lên số phận... Tôi mang theo những điều răn dạy ấy vào thực tiễn nghề nghiệp trong suốt hơn 10 năm qua. Mỗi thời mỗi khác, cuộc sống biến động, đổi thay nhưng có những điều trở thành vĩnh cửu trong đó có những bài học mà suốt những năm tháng ấy tôi chưa đủ năng lực để cảm nhận hết.

Khi bắt tay vào nghề, viết những bài báo đầu tiên, nhìn thấy những cảnh đời khổ hạnh, những trái tim nhân hậu, những học sinh nghèo vượt khó, những hoàn cảnh thương tâm... trên mọi nẻo đường Tổ quốc, tôi mới hiểu rằng sự cao quý của người làm báo không phải là quyền lực, danh lợi mà ở trái tim, tấm lòng và chữ tâm với nghề nghiệp. Đứng trước cuộc sống sôi động, soi chiếu vào những điều trong sách vở mới hiểu: Với nghề báo nếu chỉ giản đơn một chữ “học” e rằng chưa đủ, bởi nghề ấy đòi hỏi người viết phải lăn lộn, dấn thân và thực sự yêu nghề.

Tham gia làm báo ngay từ khi còn đang học, tôi thực sự trở thành người viết báo chuyên nghiệp tính đến nay cũng vừa tròn 12 năm. Đối với nghề báo, tôi là người có duyên nợ và nhiều may mắn. Tôi bén duyên với nghề báo bằng niềm yêu thích, đam mê từ nhỏ, được học nghề và bước chân vào làng báo không nhiều khó khăn. Thế nhưng, luôn xác định không có con đường nào trải thảm đỏ cho mọi thành công và tất nhiên cũng không có những giọt mồ hôi nào đổ xuống vô nghĩa trên con đường sự nghiệp. Xuất phát từ đam mê, càng làm nghề càng đam mê, tôi hiểu những nhọc nhằn của nghề nghiệp cũng hiểu rằng, đạo đức luôn là thứ quan trọng nhất, là tiêu chí được đưa lên hàng đầu trong nghề nghiệp của chúng ta.

Có thể nói rằng, chưa bao giờ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại được nhắc đến nhiều như mấy năm gần đây. Người chiến sỹ của thời bình vẫn được coi là người xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, tạo nên dư luận, định hướng dư luận. Vai trò của người làm báo được đánh giá rất cao và do vậy trách nhiệm của họ càng nặng nề trước nhân dân và xã hội. Thế nhưng, hiện nay có không ít người làm nghề vi phạm đạo đức, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, viết những bài báo sai sự thật, không khách quan, gây ảnh hưởng cho cá nhân, tập thể, xã hội... làm giảm uy tín, danh dự của người làm báo nói chung.

Tôi nghĩ rằng, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của người làm báo là sự trung thực từ trong suy nghĩ, trong việc làm, nhất là khi sáng tạo các tác phẩm báo chí. Bác Hồ đã dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần viết, cần nói, chớ viết càn”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”... Những lời răn dạy ấy, ngắn gọn, súc tích nhưng thực sự trở thành kim chỉ nam cho tôi mỗi khi cầm bút viết. Tôi nghĩ đó cũng là những bài học vô giá mà Bác để lại, không chỉ đối với những nhà báo trẻ tuổi mà đối với tất cả những người cầm bút hôm nay.

Quả thực nhìn nhận khách quan về làng báo, có rất nhiều điều khiến tôi chạnh lòng. Nhiều tờ báo chạy theo lợi nhuận, thông tin sai sự thật, đưa thông tin giật gân câu khách, cướp, giết, hiếp tràn ngập trên mạng Internet... là những vấn đề đã đang và tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp hiện nay. Rất nhiều hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề này, rất nhiều những người cầm bút có tâm với nghề đau đáu tìm hướng giải quyết, nhưng sự việc vẫn diễn ra, ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Thiết nghĩ, soi chiếu vào những điều Bác dạy năm xưa, mong mỏi những người làm báo hôm nay một lần nhìn lại bản thân, đánh giá lại mình. Tôi chưa phải là người có kinh nghiệm trong nghề, không phải là người đã đi qua những năm tháng dài để có sự cống hiến nhiều trong nghề, nhưng với trái tim của một người trẻ nhiệt huyết, đam mê và thực sự mong muốn những bài viết của mình đi vào cuộc sống, hữu ích và góp phần phát triển đất nước, tôi trân trọng từng chữ, cẩn trọng từng bài viết và suy ngẫm từng điều Bác Hồ dạy. Cố nhà báo Hữu Thọ từng nói: Người làm báo phải giữ mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc. Trong câu nói ấy, vị nhà báo lão thành chiêm nghiệm về cái tâm của người cầm bút, gửi gắm thế hệ trẻ những giá trị đích thực của nghề nghiệp.

Làm báo cần lắm lửa say mê. Ảnh: TL

Ngắn gọn, súc tích tránh dài dòng, lan man

Mỗi lần đặt bút viết, tôi vẫn nhớ đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyên: “Kinh nghiệm của tôi là: Khi viết một bài báo thì tự hỏi viết cái gì? Viết để làm gì? Viết cho ai xem? Viết vì mục đích gì?”. Đây là bài học đầu tiên của tôi khi bắt đầu học môn chuyên ngành báo chí. Tôi từng nghĩ điều này thực sự đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng khi bước chân vào nghề tôi mới hiểu làm được điều đó không phải dễ dàng, nhất là trong đời sống người người chạy đua với thời gian, báo chí cạnh tranh nhau từng giây, từng phút.

Có thể nói, Hồ Chủ tịch là bậc thầy trong nghề báo, những lời khuyên của Người đến nay vẫn là chân lý không thay đổi. Trước khi cầm bút, đặt ra những câu hỏi ấy sẽ giúp người làm báo định hướng được cách viết, tư duy một cách khoa học về sự việc và tất nhiên sẽ không bị lệch lạc tư tưởng mà... bẻ cong ngòi bút.

Không chỉ biết mình viết gì, về ai, để làm gì mà còn hiểu được rằng những gì mình viết ra sẽ giúp ích được gì cho xã hội, cho nhân dân?! Đó thực sự là một bài học không còn trong sách vở mà vô cùng cần thiết cho thực tiễn nghề nghiệp của chúng ta. Bất cứ đi đâu, viết về ai bao giờ tôi cũng vạch sẵn trong đầu câu hỏi ấy, vì thế khi tiếp cận đối tượng, vấn đề, tôi cảm thấy công việc vô cùng thuận lợi, dễ thành công.

Mỗi người một phong cách viết, Bác Hồ cũng vậy. Cách viết của Bác xưa nay vẫn là viết ngắn gọn, súc tích tránh dài dòng, lan man. Có lẽ vì thế những bài báo của Bác thường để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc, có sức nặng to lớn trong việc cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân cũng như là đòn chí mạng đánh vào kẻ thù xâm lăng. Đây là một phong cách mà mỗi người làm báo hiện đại hôm nay luôn luôn hướng tới. Trong thời buổi bùng nổ thông tin, viết ngắn gọn sẽ giúp cho độc giả dễ dàng tiếp nhận và thực tế là họ đang ngày càng ít thời gian để đọc những bài báo dài. Học tập cách viết của Hồ Chủ tịch đến hôm nay, với riêng tôi, vẫn là một khó khăn lớn.

Thế nhưng, quả thực mỗi ngày tôi luôn tự rèn luyện mình để viết những bài ngắn, có chiều sâu nhưng giá trị lớn. Như một nhà văn nước ngoài từng nói: Tôi không có thời gian để viết ngắn! Nghĩa là để viết được ngắn mà hay, sâu sắc đòi hỏi người làm báo phải dành nhiều thời gian gọt giũa, chăm chút cho đứa con tinh thần của mình đến được với độc giả nhanh nhất, trọn vẹn nhất. Khi đó người viết mới thực sự thành công.

Hồ Chủ tịch với Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL

Nghề cao quý!

Mọi người đều nói với tôi rằng, nghề báo thật tuyệt vời, được đi khắp nơi, không nhàm chán, không bó buộc. Tôi nghĩ họ nói đúng, nghề báo là một nghề mà mỗi ngày đều phải làm mới mình, mỗi ngày một điều mới. Làm báo là một nghề đòi hỏi phông kiến thức và hiểu biết rộng, nhạy cảm với cái mới, luôn luôn cập nhật những vấn đề thời cuộc. Đó thực sự là đặc thù cũng là một áp lực không nhỏ trong nghề nghiệp.

Chính vì thế, người làm báo phải học tập, rèn luyện không ngừng, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ làm báo. Kiến thức cần cho mọi người, nhưng với người làm báo, đó là điều kiện tiên quyết trong nghề nghiệp. Đó cũng là điều mà Bác Hồ kính yêu luôn nhắc nhở. Có kiến thức nhà báo mới có thể nắm bắt vấn đề nhanh, mới viết được những bài báo sâu sắc và toàn diện.

Trong quá trình làm nghề, tôi luôn tự nhủ: Những gì mình biết chỉ là một hạt cát, những gì mình chưa biết là cả một đại dương. Vì thế, mỗi ngày tôi đều cố gắng học tập và thu nạp thêm kiến thức, trong sách vở lẫn đời sống. Tôi coi cuộc sống là một trường học lớn cho mỗi người. Và với mỗi người làm báo, dấn thân vào đời sống, ngụp lặn vào hơi thở cuộc sống chính là việc nâng cao nhận thức, trình độ, hiểu biết để từ đó có được những tác phẩm thực sự có giá trị.

Còn nhớ lời cố Nhà báo Hữu Thọ nói đại ý rằng: Bản thân chữ nhà báo đã to lắm rồi. Một công trình kiến trúc đồ sộ, nhưng có ai khắc tên người kiến trúc sư ở đó đâu. Còn một mẩu tin, một bài báo bé tý đều ghi danh người viết. Nghĩa là những nghề khác kiếm tiền xong là thôi, nhưng nghề báo xong vẫn còn tác phẩm tồn tại trên đời và đó là giá trị lớn nhất của nghề nghiệp mang lại mà mỗi người làm báo cần trân trọng.

Trân trọng nghề nghiệp, trân trọng ngòi bút của mình, tôi vẫn nhớ rất kĩ những bài học lớn mà Hồ Chủ tịch đã để lại cho thế hệ hôm nay. Viết báo, làm báo cần lắm sự say nghề, cần lắm một chữ tâm sáng, cần lắm một trí tuệ để nhìn nhận đánh giá mọi sự kiện, vấn đề trong đời sống một cách chính xác, toàn diện. Bài viết có thể chỉ là những cảm nhận cá nhân, những kinh nghiệm còn nhiều hạn chế.

Thế nhưng, tôi coi đây là một cơ hội để giãi bày suy ngẫm về nghề nghiệp, về những lời khuyên dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo trẻ. Và có lẽ đây cũng là một dịp để tôi trắc nghiệm lại mình hôm nay, đã làm được gì, đang làm gì và sẽ phải phấn đấu như thế nào để xứng đáng với danh hiệu mà xã hội ưu ái ban tặng người làm báo, cũng để thực sự xứng danh với hai chữ Nhà báo./.

Văn Kỳ Thanh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/de-xung-danh-hai-chu-nha-bao-n14269.html