Đề xuất xử lý nghiêm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Đó là một trong những ý kiến được nhiều đại biểu là lãnh đạo các huyện, thành phố có đông số lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đề xuất lên Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH trong Hội nghị tuyên truyền vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng hạn vừa mới được tổ chức tại Thanh Hóa.

Lao động bất hợp pháp làm mất cơ hội của nhiều người

Theo số liệu thống kê, số lao động tại Thanh Hóa đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS từ năm 2010 đến nay là 6.753 người, đứng thứ 2 cả nước, sau Nghệ An. Số lao động tại Hàn Quốc chỉ chiếm trên 10% tổng số lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài nhưng số tiền gửi về chiếm đến 35%. Những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, pháp lý, thu nhập cao… Tuy nhiên, hiện nay nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hay chuyển chủ vì lý do không chính đáng và không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Thân nhân, người lao động, lãnh đạo các địa phương có đông lao động tại Hàn Quốc tham dự tại Hội nghị tuyên truyền vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng hạn.

Từ năm 2016 đến tháng 7/2018, tại Thanh Hóa số lao động hết hạn hợp đồng phải về nước là 2.101 lao động. Trong đó, năm 2016 là 982 lao động, về nước được 538 người, 444 người chưa về nước; Năm 2017 là 983 lao động, về nước được 613, còn lại 370 chưa về nước; Trong 7 tháng đầu năm 2018 số lao động hết hạn về nước là 136 lao động nhưng cũng chỉ có 74 người về nước đúng hạn, còn lại 62 người chưa về nước.

Ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “So với năm 2016, năm 2017 tỉnh Thanh Hóa có 2 huyện ra khỏi danh sách các huyện bị tạm dừng tuyển chọn vì đã nỗ lực giảm số lượng lao động cư trú bất hợp pháp và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước xuống dưới mức quy định là Thiệu Hóa và Quảng Xương. Tuy nhiên, năm 2018 TP Thanh Hóa đã bị dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc, nâng con số bị dừng tuyển chọn lao động của cả tỉnh lên 5 địa phương gồm các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn và TP Thanh Hóa. Ngoài ra có trên 10 địa phương có tỷ lệ lao động bất hợp pháp nằm trong ngưỡng báo động có nguy cơ bị tạm dừng tuyển chọn. Số lao động cư trú bất hợp pháp có giảm, nhưng vẫn tập trung nhiều ở Đông Sơn 271 người; Hoằng Hóa 155 người; TP Thanh Hóa 113 người; Triệu Sơn 61 người; Nga Sơn 66 người. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc mà còn làm mất đi cơ hội của nhiều lao động thực sự có nhu cầu khác ở địa phương bị cấm tuyển chọn” – ông Tùng nói.

Địa phương đề xuất xử lý nghiêm

Đứng đầu cả tỉnh với 271 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Đình Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết: “Việc quản lý thời gian làm việc của lao động tại nước sở tại chưa thật sự chặt chẽ, điều này đã tạo điều kiện cho lao động khi hết hạn hợp đồng dễ có cơ hội cư trú, làm việc bất hợp pháp. Thời gian lao động bị phạt khi cư trú bất hợp pháp là 5 năm mới được quay trở lại Hàn Quốc làm việc là quá dài, nhiều lao động cư trú bất hợp pháp muốn về nhưng vì thời gian phạt dài, cơ hội trở lại Hàn Quốc ngày càng khó, điều này đã gây khó khăn lớn cho việc tuyên truyền, vận động lao động hết hạn về nước. Để kết hợp quản lý chặt chẽ lao động, tránh tình trạng hết hạn ở lại cư trú bất hợp pháp, đối với các đơn vị đưa người đi XKLĐ cần phải có trách nhiệm phối hợp, quản lý lao động. Cục quản lý lao động ngoài nước cần phải thông tin chặt chẽ tình hình lao động về địa phương, qua đó các huyện, xã nắm bắt, cập nhật tình hình cụ thể để có biện pháp tuyên truyền vận động lao động khi hết hạn về nước đúng quy định. Bên cạnh đó Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu tiên, tuyển dụng cho người lao động khi hết hạn về nước có công việc, thu nhập ổn định như việc giới thiệu tuyển dụng cho các công ty Hàn Quốc đang đóng tại Việt Nam…” – ông Thông nói.

Sau khi hết hạn hợp đồng, về nước đúng hạn, anh Lê Văn An đang hoàn tất các thủ tục để quay trở lại Hàn Quốc làm việc.

Trong khi đó, theo ông Trần Thế Lưu, phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, một huyện mới thoát khỏi danh sách những huyện bị cấm tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc cho biết: “Chế tài quản lý của Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp gây khó khăn cho việc tuyên truyền vận động lao động về nước đúng hạn bởi một số doanh nghiệp Hàn Quốc muốn sử dụng lao động tay nghề cao, lao động bất hợp pháp thì việc quản lý đóng thuế là không có. Chế tài xử phạt với cả doanh nghiệp và lao động vi phạm thấp, trong khi đó với những lao động lành nghề thu nhập cao dễ được chủ lao động Hàn Quốc tuyển dụng nên nhiều lao động sẵn sàng bỏ ra ngoài để làm việc” – ông Lưu chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho rằng: "Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết của gia đình trong việc vận động con em về nước đúng hạn cần phải đưa thêm tiêu chí vận động lao động về nước đúng hạn là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu của địa phương. Bởi nếu địa phương nào có đông lao động cư trú bất hợp pháp, vi phạm quy định chung của cả hai nước thì trách nhiệm của người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ…” – ông Tâm nói.

Trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng đúng theo quy định và là một trong những lao động mẫu mực đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để quay trở lại Hàn Quốc làm việc, anh Lê Văn An ở huyện Hoằng Hóa chia sẻ: “Sau khi hết hạn hợp đồng về nước, tất cả các lao động không vi phạm đều được tạo điều kiện thuận lợi để làm thủ tục khi có nhu cầu quay lại Hàn Quốc làm việc. Với những lao động khi làm việc tốt, không vi phạm còn được công nhận là lao động mẫu mực, khi trở lại Hàn Quốc làm việc đều được ưu tiên, được chủ sử dụng ký hợp đồng luôn..” – anh An chia sẻ.

Anh An cũng cho biết thêm: “Đối với những lao động hết hạn hợp đồng đúng hạn về nước thời gian chờ đợi để quay lại Hàn Quốc làm việc lâu, số người dự thi trên máy tính nhiều nhưng số lượng tuyển dụng lại ít nên rất nhiều lao động sợ không trúng tuyển, không còn cơ hội quay lại làm việc. Ngoài ra chênh lệch thu nhập giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài quá xa, lao động khi trở về khó tìm kiếm việc làm lâu dài với thu nhập ổn định nên khi hết hạn hợp đồng sẵn sàng bỏ ra ngoài để kiếm thêm ít vốn làm ăn…” – anh An nói.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Tất cả các lao động tham gia chương trình EPS tại Hàn Quốc đều được hưởng các chế độ, chính sách như lao động Hàn Quốc. Người lao động cần phải thực hiện đúng quy định, đúng thời gian ngay từ ban đầu để có cơ hội tiếp tục trở lại Hàn Quốc làm việc. Nếu vi phạm thì sẽ bị mất số tiền ký quỹ, số tiền này sẽ được chuyển về hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra người lao động còn bị phạt, bị cấm nhập cảnh lại Hàn Quốc theo quy định của pháp luật… Do vậy, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động lao động hết hạn về nước đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều lao động có cơ hội làm việc Hàn Quốc ” – bà Lan thông tin.

MỘC MIÊN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa-de-xuat-xu-ly-nghiem-lao-dong-cu-tru-bat-hop-phap-d81165.html