Đề xuất xử lý công chức tiêu thụ động vật hoang dã

Các nhà bảo tồn cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Việt Nam cần có các biện pháp quyết liệt cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có việc xử lý các quan chức, cán bộ nhà nước sử dụng động vật hoang dã.

Người tiêu thụ động vật hoang dã thường có tiền, có quyền

Các tổ chức bảo tồn cho biết, tài liệu khoa học đã chứng minh virus corona có nguồn gốc từ dơi và được truyền qua một vật chủ trung gian là động vật hoang dã rồi đến con người. Bài học từ dịch SARS và COVID-19 cho thấy, các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ chúng. Vì vậy, Việt Nam cần có ngay biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn và quyết liệt để dẹp bỏ.

Tại Tọa đàm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý động vật hoang dã tại Việt Nam sáng qua (27/3), bà Hoàng Thị Minh Hồng, đại diện Trung tâm Hành động, liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) chia sẻ, nhiều năm qua, hàng trăm tổ chức bảo tồn đấu tranh cho việc cấm buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc không thành công nhưng SARS-CoV-2 đã khiến Trung Quốc ban hành lập cấm vào 24/2/2020 và có hiệu lực ngay lập tức. Việt Nam cũng cần có lệnh cấm tương tự khi chúng ta không chỉ là thị trường mà còn là điểm trung chuyển lớn về động vật hoang dã.

Bà Hồng nêu thực tế, phần lớn người dùng động vật hoang dã là người có tiền, có quyền, có địa vị như quan chức, doanh nhân thành đạt nên rất khó thay đổi quan điểm. Pháp luật Việt Nam đã đầy đủ nhưng thực thi còn yếu, ngay trên nhiều diễn đàn lớn vẫn nhan nhản thông tin liên quan đến cách dùng động vật hoang dã.

Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm LPSD chia sẻ, Việt Nam cần có nghị định giống như Nghị định 100 xử phạt rượu bia trong lĩnh vực quản lý động vật hoang dã. Trong đó xây dựng hoạt động tố giác người sử dụng động vật hoang dã. Các bộ ngành, cơ quan nhà nước cần có quy định cấm cán bộ công chức, viên chức tiêu thụ, trưng bày động vật hoang dã, có hình thức xử lý nặng nếu phát hiện.

Đại diện Cục Kiểm lâm chia sẻ, ngay chính ngành kiểm lâm cũng có một số cán bộ trưng bày động vật hoang dã, vì vậy cần có đạo đức công vụ của ngành, cấm sử dụng, trưng bày động vật
hoang dã.

Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất cần quy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần thường xuyên cập nhật các loài trong danh mục quý hiếm vì với tốc độ khai thác như hiện nay, nhiều loài thông thường sẽ sớm nằm trong danh mục quý hiếm.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đại diện Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục kết hợp với các tổ chức bảo tồn và cơ quan chức năng tổ chức điều tra, ngăn ngừa và đấu tranh với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã.

Loài cầy vòi hương được coi là vật truyền nhiễm bệnh SARS lên người vào năm 2003

Loài cầy vòi hương được coi là vật truyền nhiễm bệnh SARS lên người vào năm 2003

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Cục phó Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Trong đó sẽ xem xét các ý kiến đề xuất ở trên.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4/2020.

Thời gian qua, nhiều tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế có thư kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban hành một nghị quyết cấm hoạt động sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quyết liệt cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-xuat-xu-ly-cong-chuc-tieu-thu-dong-vat-hoang-da-1630933.tpo