Đề xuất xóa trạm BOT Cai Lậy

Chủ đầu tư đề xuất Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT chấp nhận chủ trương xóa trạm BOT Cai Lậy.

Ngày 11-10, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cùng đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) và Bộ GTVT đã làm việc tại trụ sở dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại Tiền Giang.

Thu phí trở lại cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Báo cáo cùng đoàn giám sát của UBKTQH tại buổi làm việc, chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết hiện đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã dừng thu phí nhiều tháng qua. Điều này dẫn tới việc không kiểm soát được lưu lượng và tải trọng phương tiện lưu thông. Do lưu lượng xe quá nhiều đã gây hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn giao thông trên đoạn cao tốc này.

Nếu tình trạng kéo dài, khi hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến sẽ sụt giảm do đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị hư hỏng. Điều này sẽ dẫn tới việc phá vỡ phương án tài chính của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Để có giải pháp đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất với UBKTQH về việc sớm quản lý, duy tu, bảo trì và thu phí trở lại đối với dự án này.

Cũng theo chủ đầu tư, dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy đang có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp từ hiện trạng này. Đồng thời, nhà đầu tư dự án cũng đang lâm cảnh khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn tín dụng của ngân hàng vì bị ngừng thu phí gần hai năm. Do vậy, phía chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất UBKTQH kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT, nhà đầu tư, đề xuất Chính phủ chấp nhận chủ trương giải pháp tổng thể xóa trạm BOT Cai Lậy. Đồng thời tổ chức thu phí trở lại đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Hai việc này nhằm đảm bảo cho việc cho vay và xóa bỏ trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang.

Đồng thời, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề nghị cho đơn vị tổ chức thu phí hoặc giao cho Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang tổ chức thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đề xuất phương án tài chính hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.

Phó Chủ nhiệm UBKTQH Nguyễn Đức Kiên khảo sát tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Phó Chủ nhiệm UBKTQH Nguyễn Đức Kiên khảo sát tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đảm bảo đủ vốn cho dự án

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, báo cáo cùng đoàn giám sát, đại diện chủ đầu tư cũng cho biết sau khi Bộ GTVT chuyển dự án về cho UBND tỉnh Tiền Giang và được sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng công trình (tăng hơn 10% so với khối lượng trước đây).

Đến nay tỉnh Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án, đáp ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021. Ngay khi có vốn ngân sách được bố trí 2.186 tỉ đồng và bổ sung vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư, các nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ đáp ứng theo yêu cầu của dự án.

Cũng theo đại diện phía chủ đầu tư, để hoàn thành dự án vào khai thác trong năm 2021, cần phải ký hợp đồng tín dụng và giải ngân nguồn vốn cho dự án. Phía chủ đầu tư cũng kiến nghị UBKTQH xem xét, có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho dự án trong năm 2019.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKTQH, cho rằng với thực tế quản lý, tổ chức dự án do Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì hoàn toàn có thể thông xe đúng tiến độ. Tuy nhiên, theo ông Kiên, kết quả này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có việc sớm giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng mà Ủy ban Thường vụ QH thông qua. “Đoàn giám sát sẽ đôn đốc về nghị quyết của QH và giám sát quá trình giải ngân đảm bảo đủ vốn, đáp ứng cho tiến độ thực hiện dự án” - ông Kiên nói.

Về việc đảm bảo đủ và giải ngân vốn tín dụng (hiện chưa chắc chắn), ông Kiên đề nghị chủ đầu tư dự án phân tích các vướng mắc hiện nay. Đặc biệt là các vấn đề về pháp lý để UBKTQH có kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Phó chủ nhiệm UBKTQH cũng đánh giá cao và ủng hộ các đề xuất trên của Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, hiệp hội về việc thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đặc biệt, phương án tổng thể gắn sự đồng bộ cao tốc với quốc lộ 1 để giải quyết tháo gỡ tồn tại trên quốc lộ 1 mà gần hai năm nay Bộ GTVT chưa giải quyết được tại trạm thu phí Cai Lậy. Ông Kiên cũng đề nghị Bộ GTVT sớm tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp dự án, đề xuất Chính phủ, QH xem xét, quyết định.

Sắp khởi công cầu Mỹ Thuận 2

Cũng trong ngày 11-10, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKTQH, cùng đoàn giám sát của QH, Bộ GTVT đã khảo sát và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long về dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Báo cáo về dự án, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết phía bờ Vĩnh Long có 117 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. TP đã tổ chức đối thoại, người dân có ý kiến và đề xuất xem xét lại giá bồi thường. Dự kiến đến ngày 22-10 tới sẽ phê duyệt phương án, hỗ trợ và cuối tháng 10 sẽ thực hiện chi trả bồi thường, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 11.

Còn theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, đến nay địa phương này đã hoàn thành việc đo đạc lập hồ sơ thửa đất bị ảnh hưởng, vật kiến trúc khoảng 4,0 km/4,8 km (258 hộ/317 hộ). Theo kế hoạch, trong tháng 10 này sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư xã An Hữu. Đến tháng 11, địa phương sẽ chi trả và bàn giao một phần mặt bằng để khởi công.

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/de-xuat-xoa-tram-bot-cai-lay-863447.html