Đề xuất xóa sổ BOT Cai Lậy: Càng thêm bất cập?

Bỏ BOT Cai Lậy nhưng lại có phương án hoàn vốn đầu tư trong thu phí BOT TP.HCM - Trung Lương càng dẫn đến bất cập 'không đi phải trả tiền'.

Ngày 12/10/2019, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải khu vực miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ bày tỏ nhiều ý kiến băn khoăn trước đề xuất bỏ trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng lại tính phương án hoàn vốn trong việc thu phí trở lại BOT TP. HCM - Trung Lương.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 11/10/2019, chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy. Đồng thời, tổ chức thu phí trở lại ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Hai việc này nhằm bảo đảm cho việc trả nợ vay và xóa bỏ trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang.

BOT Cai Lậy dừng thu phí gần 2 năm nay vì người dân phản ứng.

BOT Cai Lậy dừng thu phí gần 2 năm nay vì người dân phản ứng.

Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề nghị cho đơn vị này tổ chức thu phí hoặc giao cho Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang tổ chức thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đề xuất phương án tài chính hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.

Ông Nguyễn Văn Tình - chủ một doanh nghiệp ôtô vận tải ở Tiền Giang cho biết, nếu việc xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy mà tính phương án hoàn vốn đầu tư vào việc thu phí BOT TP. HCM - Trung Lương thì chắc chắn phí thu sẽ tăng lên.

BOT Cai Lậy được mở ra là để thu phí hoàn vốn đầu tư tuyến đường tránh Cai Lậy, trong khi đó có nhiều xe di chuyển qua BOT TP. HCM - Trung Lương không đi tuyến đường tránh Cai Lậy. Từ đó dẫn đến bất cập "không đi cũng phải trả tiền".

"Cái gốc bức xúc ở BOT Cai Lậy khiến nhiều người phản đối là việc trạm đặt sai vị trí, dẫn đến việc không đi cũng phải trả tiền.

Nay nếu xóa bỏ thì "cái gốc" đó không những không được giải quyết mà dẫn đến mâu thuẫn nặng hơn, nhiều xe không đi qua tuyến đường tránh Cai Lậy mà vẫn phải trả tiền hơn. Chính vì thế, có thể sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn an ninh trật tư nghiêm trọng hơn" - ông Tình cho biết.

Theo ông Tình, điều căn bản nhất tại các dự án BOT là xe đi bao nhiêu trả tiền bằng đó. Chỉ cần thay đổi vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy về đúng hai đầu tuyến đường tránh Cai Lậy thì chắc chắn giải quyết được vấn đề chứ không cần phải xóa bỏ trạm.

Đồng quan điểm, ông Trần Bá Lương - chủ doanh nghiệp vận tải ở Bến Tre cho rằng, nếu xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy nhưng xe chủ yếu di chuyển qua tuyến QL1A (không đi qua đường tránh) nhưng vẫn phải trả phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh Cai Lậy là điều vô lý.

Ông Lương đặt ra câu hỏi: Trong trường hợp tính phí hoàn vốn đầu tư đường tránh Cai Lậy vào việc thu phí BOT TP. HCM Trung Lương thì chủ đầu tư sẽ tiến hành như nào? Làm thế nào để nhận biết được xe có đi qua tuyến đường tránh Cai Lậy hay không?

Vị này quả quyết: "Nếu đánh đồng việc xe di chuyển qua tuyến đường tránh Cai Lậy với xe chỉ đi ở tuyến QL1A mà thu phí ở BOT TP. HCM - Trung Lương như nhau là điều không thể được, chắc chắn sẽ có sự phản đối của cánh tài xế sẽ xảy ra trong tương lai. Cần dự báo được trước tình hình này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng".

Bản đồ tuyến tránh Thị xã Cai Lậy.

Trong khi đó, theo thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy, thu phí trở lại BOT TP. HCM - Trung Lương mới mới chỉ là đề xuất ban đầu của Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Doanh nghiệp này cũng chưa đưa ra được phương án thu phí cụ thể như thế nào. Trong đó có cả phương án hoàn vốn cho tuyến đường tránh Cai Lậy trong việc thu phí BOT TP. HCM - Trung Lương.

Vân Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-xoa-so-bot-cai-lay-cang-them-bat-cap-3389349/