Đề xuất xây mới, kéo dài nhiều tuyến đường ASEAN tới Việt Nam

Thời gian tới, nhiều tuyến đường bộ kết nối ASEAN sẽ được xây mới, cải tạo hoặc kéo dài tới Việt Nam...

Các nước ASEAN triển khai nhiều dự án kết nối hạ tầng đường bộ, tạo cơ sở cho thúc đẩy vận tải liên vận

Các nước ASEAN triển khai nhiều dự án kết nối hạ tầng đường bộ, tạo cơ sở cho thúc đẩy vận tải liên vận

Việt Nam mở rộng kết nối hạ tầng với ASEAN

Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 11 vừa qua, các Bộ trưởng đã thông qua khung triển khai Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức (AFAMT).

Để hiện thực hóa hiệp định về vận tải này, đồng thời triển khai Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 - 2025, các nước ASEAN đã có nhiều giải pháp, hành động tăng cường kết nối hạ tầng giao thông mặt đất, trong đó có đường bộ. Các nước đã xây dựng các tuyến đường kết nối giao thông đường bộ giữa các nước thành viên cũng như với nước thứ ba, làm cơ sở triển khai các quy định về tạo thuận lợi vận tải liên vận.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, đến nay nhiều tuyến đường bộ kết nối đã được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn ASEAN. Đồng thời, các nước cũng đưa ra các tuyến mới như: Dự án đường bộ đi qua ba nước Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan và mở rộng tới Campuchia, Lào và Việt Nam.

Cùng đó, còn có nhiều tuyến đề xuất kéo dài tới Việt Nam như: Cửa khẩu Tây Trang - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội (AH13); Cửa khẩu Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh (AH1) - Biên Hòa - Vũng Tàu (AH17); Tuyến đường kết nối Campuchia và Việt Nam qua: Sisophon - Siem Reap - Preah Vihear - Stung Treng - Banlung - O Yadav/ Lệ Thanh (Biên giới Việt Nam/Campuchia) và kết nối tới Pleiku - Cảng Quy Nhơn.

Hiện Việt Nam vẫn còn hai tuyến có một số đoạn chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III ASEAN gồm: AH13 đoạn Điện Biên - Tây Trang (18 km) và AH132 đoạn Bờ Y - Kon Tum (73 km) cần được khẩn trương đầu tư, nâng cấp.

Khi áp dụng các thủ tục pháp lý, quy định về tạo thuận lợi vận tải vào thực tế, bao gồm thủ tục hải quan tại cửa khẩu, sẽ tạo thuận lợi lớn cho tăng vận tải liên vận, giảm chi phí, thời gian

Tạo thuận lợi vận hàng hóa, hành khách liên vận

Bộ GTVT cho biết, cùng với triển khai các dự án kết nối hạ tầng đường bộ, các nước ASEAN cũng đã thúc đẩy triển khai các Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia (AFAFIST), Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hàng khách qua biên giới bằng đường bộ (CBTP).

Theo đó, Hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT) sẽ được thực hiện thông qua thí điểm Hệ thống hải quan quá cảnh (ACTS), trong đó Việt Nam là một trong những nước thí điểm tại hành lang kinh tế Đông - Tây. Khung pháp lý cho việc thực hiện Hệ thống hải quan quá cảnh (ACTS) đã có hiệu lực và việc chuẩn bị cho hệ thống thí điểm này cũng đang được tích cực triển khai. Các nước tham gia thí điểm dự kiến trong năm 2020 bao gồm: Malaysia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Còn Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận tải hành khách qua biên giới (CBTP) đã được ký tại Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 23 năm 2017. Việc thực hiện thí điểm đang được lập kế hoạch và chuẩn bị giữa các nước ASEAN liên quan. Hướng dẫn thực hiện Hiệp định đã được xây dựng và Sổ tay về thủ tục cho khu vực công và tư cũng đang được xây dựng nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Hiệp định này.

"Với việc triển khai các thủ tục pháp lý này, khi vào giai đoạn triển khai vào thực tế, sẽ đem lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp vận tải và cả người dân các nước, giúp giảm thời gian, chi phí vận tải, từ đó thúc đẩy vận tải hàng hóa, hành khách liên vận giữa các nước cũng như vận chuyển logistics, thúc đẩy du lịch, kinh tế”, Bộ GTVT thông tin.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/viet-nam-mo-rong-ket-noi-ha-tang-duong-bo-voi-asean-d445662.html