Đề xuất xây dựng hồ điều tiết ngầm 475 tỷ chống ngập cho TP.HCM

Trao đổi trong hội thảo Tìm giải pháp chống ngập tại TP.HCM được tổ chức sáng ngày 5/12, các chuyên gia cho rằng cách quy hoạch những khu dân cư, đô thị như Phú Mỹ Hưng (quận 7) là một trong các nguyên nhân khiến thành phố ngập nặng.

Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, công tác chống ngập cho TP.HCM vẫn khiến các cơ quan chức năng lúng túng như “gà mắc tóc”.

Người dân TP.HCM sống chung với nước ngập.

Người dân TP.HCM sống chung với nước ngập.

Tình trạng ngập lụt đô thị ở TP.HCM đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1990 và ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các khu vực đang đô thị hóa mạnh như Bình Chánh, Thủ Đức, quận 7, quận 12,…Do việc đô thị hóa đã không được phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị mà lượng mưa có xu hướng gia tăng rõ nét nên việc ngập lụt trở thành bài ca “đến hẹn lại lên”.

Theo các chuyên gia, những khu dân cư, đô thị xem thường quy hoạch thoát nước, phớt lờ quy định lấp kênh rạch thì phải trả diện tích cho mặt nước. Cụ thể hơn, TP.HCM đã từng mắc sai lầm đối với khu dân cư Phú Mỹ Hưng. Khi thiết kế quy hoạch, đơn vị tư vấn kiến trúc đã đưa ra tính toán về độ cao, giữ lại các bể chứa nhằm hỗ trợ khơi thông hướng thoát nước. Tuy nhiên, việc các nhà thầu đổ xô vào vùng đầm lầy để xây dựng vô tội vạ khiến kế hoạch thoát nước bị phá sạn. Hậu quả là nước mưa và triều cường kết hợp không thể thoát về hướng Nam thành phố mà lại chảy ngược vào nội đô, gây ngập trên diện rộng.

Một đơn vị tư vấn quy hoạch đô thị của Nhật Bản cũng từng đề xuất các khu đô thị tại những nơi có nền đất cao phải có hồ dung hòa, dung tích từ 180 – 200 m3 cho mỗi ha xây dựng. Còn các khu vực có nền đất thấp như Nhà Bè, quận 7,…đơn vị này đề xuất mô hình phát triển theo cụm và sử dụng công viên có diện tích phù hợp để làm vùng đệm chống ngập.

Hội thảo được tổ chức trong tình hình ngập nước tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng.

TP.HCM cũng từng triển khai theo hướng này với các dự án hồ điều thủy Mễ Cốc (quận 8), sử dụng hồ Kỳ Hòa trong công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), hồ trong công viên Đầm Sen (quận 11),…nhưng không thực hiện thành công. Bởi lẽ, công tác xây hồ điều tiết phải giải phóng mặt bằng với chi phí cao, chính sách quy hoạch còn nhiều bất cập.

Chính vì thế, trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP chấp thuận dự án Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ Cross-wave (theo công nghệ Nhật Bản) khu vực TP.HCM.

Sau khi mời tham gia khảo sát hiện trường và nhận được sự đồng thuận của UBND quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình và quận 10, trung tâm Chống ngập đã tính toán, đề xuất dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 475 tỷ đồng để thực hiện xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết với quy mô từ 1.500 - 20.000 m3.

Thành Nhân

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/de-xuat-xay-dung-ho-dieu-tiet-ngam-475-ty-chong-ngap-cho-tp-hcm-17917.html