Đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội

Đường Vành đai 4 không chỉ khắc phục quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển... mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh lân cận từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch...

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT và TP. Hà Nội cùng các tỉnh liên quan về triển khai tuyến đường vành đai 4.

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT và TP. Hà Nội cùng các tỉnh liên quan về triển khai tuyến đường vành đai 4.

Chiều 6/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.

Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng tờ trình đề xuất chung với Thủ tướng Chính phủ về dự án quan trọng này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị cho định hướng chủ trương, quy hoạch và đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đường vành đai 4 không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đường Vành đai 4 còn giúp Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Qua đó, tạo điều kiện để Thủ đô và các địa phương đẩy mạnh phát triển cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, quy hoạch Vành đai 4 xác định là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề như: Phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh;

Tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3, Vành đai 4, chuỗi 5 đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị thành phố Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp trong Vùng Thủ đô...

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).

Theo tính toán của thành phố Hà Nội, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án nếu là cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỷ đồng, theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng).

Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120m khoảng 25.000 tỷ đồng. Với mức kinh phí này, việc đầu tư bằng vốn đầu tư công là khó khả thi nên cần nghiên cứu theo hướng giải pháp đầu tư hỗn hợp.

Thảo luận về dự án, lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị và tinh thần chủ động của thành phố Hà Nội nhằm đẩy nhanh việc triển khai dự án đường Vành đai 4.

Các ý kiến đều khẳng định, đường Vành đai 4 được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đem lại nguồn lực phát triển rất lớn không chỉ đối với các tỉnh, thành có tuyến đường đi qua, mà các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng cũng được hưởng lợi.

Bởi vậy, việc triển khai thực hiện dự án là mong ước, nguyện vọng chung của nhân dân các tỉnh, thành phố từ nhiều năm nay. Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất thành phố Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án này.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng nhất trí cao với đề xuất của TP. Hà Nội và ý kiến của lãnh đạo các tỉnh. Theo đó, Bộ GTVT sẵn sàng hỗ trợ hết sức về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm và giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho thành phố Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn quản lý của mình.

Bộ trưởng Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng), mặc dù cao hơn phương án cao tốc đi bằng 20.000 tỷ đồng, nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.

Tại hội nghị, các bên đã thống nhất ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GTVT với các tỉnh, thành phố và dự thảo Tờ trình của các tỉnh, thành phố đồng trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị thống nhất giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Tờ trình và ký đồng trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/de-xuat-xay-dung-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-iDTrPZjMR.html