Đề xuất xây dựng diễn đàn đối thoại thực hiện Thỏa thuận Paris

Ngày 7/11, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam – Định hướng hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Hội thảo đã khởi xướng một diễn đàn đối thoại liên về các hỗ trợ mục tiêu, thúc đẩy triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam.

Phó CỤc trưởng Cục BĐKH phát biểu tại hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Văn Tấn – Phó Vụ trưởng Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Jahan Chowdhury – Tiểu ban hỗ trợ nhóm Đối tác NDC, ông Jorg Ruger – Đại sứ quán Đức, bà Anna Schreyogg – GIZ Việt Nam cùng các đại diện các Bộ, ngành và các đối tác phát triển đang hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với BĐKH.

Tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã trình bày về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam (PIPA) và nhu cầu hỗ trợ quốc tế của VIệt Nam. PIPA được ban hành theo quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2016 – 2020: Tiếp tục thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH đã phê duyệt và chuẩn bị thể chế, chính sách và nguồn lực để đến năm 2020 sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thảo thuận Paris quy định. Giai đoạn từ năm 2021 – 2030: Tập trung thực hiện các nội dung trong NDC và các nhiệm vụ mới theo Thỏa thuận Paris.

Theo ông Tấn, hiện chưa có đánh giá tổng thể tổng kinh phí cần thiết để thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trong PIPA. chỉ tính riêng nguồn lực thực hiện các nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về PTBV ĐBSCL thích ứng với BĐKH khoảng 25 tỷ USD.

Dựa trên mức độ ưu tiên thực hiện 68 nhiệm vụ PIPA, Bộ TN&MT với vai trò đầu mối quốc gia thực hiện Thỏa thuận Paris đã gửi thư đến các đối tác phát triển thông qua Ban thư ký NDCP ngày 24/8/2018. Các nhiệm vụ ưu tiên cần được hỗ trợ gồm: Điều phối, báo cáo, chia sẻ thông tin; Xây dựng và thực hiện Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính, các hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA) và Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP); Thông tin về thích ứng và Tổn thất và thiệt hại; Nhu cầu về thích ứng và xử lý tổn thất, thiệt hại; Thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và Tăng trưởng xanh; Đào tạo, phát triển nhân lực; Phân bổ nguồn lực cho BĐKH và Tăng trưởng xanh; Thực hiện các dự án đầu tư cho ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh; Xây dựng hệ thống MRV. “Nhiều đối tác đã có phản hồi tích cực về đề nghị của Bộ TNMT”, ông Tấn cho biết.

Toàn cảnh hội thảo

Hiện nay, 13 lĩnh vực ưu tiên thực hiện Thỏa thuận Paris mà Việt Nam đề xuất đã được các đối tác phát triển hỗ trợ, thông qua các dự án đang hoặc sẽ triển khai trong thời gian tới. Bà Anna Schreyoegg – đại diện Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết, qua rà soát tổng thể hơn 550 dự án trong lĩnh vực BĐKH giai đoạn 2010-2020 và đã có cam kết sau 2020, tổng số tiền vay ưu đãi hiện xấp xỉ 16,6 tỷ USD (trong đó có một số dự án cơ sở hạ tầng lớn liên quan rất ít đến BĐKH); tổng số tiền viện trợ không hoàn lại là khoảng 1,1 tỷ USD.

Về việc hỗ trợ xây dựng khung giám sát kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (PIPA), bà Anna Schreyogg nhấn mạnh: Hiện nay, MONRE và GIZ đã cùng phối hợp xây dựng khuôn khổ giám sát và báo cáo PIPA toàn diện. Một số nỗ lực sẽ được tiếp tục trong Dự án GIZ mới “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (SIPA) nhưng để vận hành thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Năm 2019 được dự tính là một giai đoạn thí điểm cho khung giám sát và báo cáo. Trong thời gian tới, cần có cơ chế điều phối và trao đổi cho các đối tác phát triển. Khung giám sát cần được tăng cường theo hướng liên kết với SP-RCC, chiến lược tăng trưởng xanh, SDG và các chính sách ngành. Hơn nữa, cần phải xây dựng cơ chế thích hợp để theo dõi các nguồn tài trợ quốc tế và chi tiêu cho BĐKH trong nước.

Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và các đối tác phát triển đã trao đổi, thảo luận về nhu cầu hỗ trợ thực hiện PIPA và góp ý để hoàn thiện Bộ chỉ số giám sát, cơ chế đối thoại trong thời gian tới. Ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh: PIPA là nền tảng cho điều phối các hoạt động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Đối thoại sắp tới với các đối tác phát triển cần được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm, thành công của Chương trình SP-RCC hiện nay; thực hiện cho tất cả các nhiệm vụ của PIPA.

Diễn đàn đối thoại mới sẽ có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan; do Ủy ban quốc gia về BĐKH chủ trì, Văn phòng ủy ban quốc gia BĐKH điều phối chung. Diễn đàn cần tập trung vào kết quả; thiết kế xung quang 68 nhiệm vụ của PIPA và lấy việc thực hiện NDC làm trọng tâm; sử dụng bộ chỉ số đã được phê duyệt và kết quả từ đánh giá hiện trạng (mapping excise)… Đề xuất Diễn đàn thực hiện NDC dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2019 để có thể vận hành vào năm 2020, tiếp nối Chương trình SP-RCC.

K. Ly

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/de-xuat-xay-dung-dien-dan-doi-thoai-thuc-hien-thoa-thuan-paris-1261347.html